Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 9, tổ chức ngày 24/7 tại thủ đô Washington, Mỹ, thu hút nhiều học giả và nhà nghiên cứu quốc tế từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều ý kiến bên lề hội nghị cho rằng cộng đồng quốc tế cần lên tiếng về những diễn biến ở Biển Đông.
Giáo sư Kavi Chongkittavorn (thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) |
Phát biểu bên lề hội thảo, nhiều học giả cho rằng việc Trung Quốc khảo sát địa chất ở khu vực Biển Đông mà nước này không có chủ quyền và cản trở hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi của các nước khác ở Biển Đông đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982. Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương tại tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge, cho rằng Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á ASEAN cần có tiếng nói rõ ràng về các vấn đề ở Biển Đông: “ASEAN cần đưa ra một quyết định về vấn đề này, cũng như việc có nên tiếp tục để một số nước thành viên không có tranh chấp ở Biển Đông phủ quyết các hành động quan trọng hay không. Mặt khác, một nhóm các nước thành viên ASEAN có thể hành động cùng nhau. Ví du: Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam có thể hành động chung và điều này sẽ hiệu quả hơn nếu có thể có cả sự hỗ trợ của Indonesia thay vì dựa vào ASEAN”.
Giáo sư Kavi Chongkittavorn thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, chia sẻ: “ASEAN muốn có một bộ quy tắc ứng xử (COC) tốt ở Biển Đông vì đây không phải là vấn đề chỉ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nếu chúng ta có một bộ quy tắc ứng xử tốt, các nước khác sẽ muốn hợp tác với ASEAN và Trung Quốc. Chúng ta không cần vội vàng để đạt được một bộ quy tắc ứng xử nếu văn bản này chưa thực sự tốt. Vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ mặc dù các bên đã đạt được dự thảo văn bản đơn nhất về COC”.
Trong khi đó, Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, cho rằng cộng đồng quốc tế cần lên tiếng về các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông: “Khi Mỹ lên tiếng thì Trung Quốc sẽ cho rằng chỉ có Mỹ gây rắc rối. Nếu Việt Nam, Malaysia và Philippine có thể thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới về vấn đề này thì đây sẽ là một thành công. Trong năm 2015 và 2016, cộng đồng quốc tế đã rất chú ý tới hành động của Trung Quốc. Lý do cộng đồng quốc tế dừng quan tâm là vì Philippines đã dừng không đề cập tới vấn đề Biển Đông. Điều này cần phải thay đổi vì không chỉ có Mỹ, Nhật Bản hay Australia mà cả cộng đồng quốc tế phải cùng lên tiếng vì nếu không Trung Quốc sẽ thấy rằng nước này sẽ không phải trả giá ngoại giao về các hành động của mình”.
Hội thảo Biển Đông lần thứ 9 do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức được đánh giá là cơ hội để giới chuyên gia, học giả và báo chí truyền thông có các cuộc thảo luận, phân tích sâu và đa chiều về những diễn biến tại Biển Đông trong năm vừa qua, đặc biệt trong thời gian gần đây khi xuất hiện các hành động cản trở hoạt động khai thác dầu khí của các nước tại Biển Đông.