Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á -Âu tác động đến doanh nghiệp Việt Nam

Chia sẻ
 (VOV5) - Việt Nam là đối tác đầu tiên của Liên minh kinh tế Á – Âu.

 (VOV5) - “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á Âu, nội dung cam kết tác động đến doanh nghiệp”  là tên của hội thảo được tổ chức sáng nay, 7/7, tại Hà Nội. Việt Nam là đối tác đầu tiên của Liên minh kinh tế Á – Âu.


Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á -Âu tác động đến doanh nghiệp Việt Nam  - ảnh 1
Dự kiến xuất khẩu nhiều mặt hàng sẽ tăng mạnh sau khi FTA VNEAEU có hiệu lực. Ảnh minh hoạ


Việc Hiệp định được thực thi là bước ngoặt quan trọng khi hàng hóa của Việt nam thâm nhập vào thị trường rộng lớn với 182 triệu dân. Hiệp định có các nội dung chính về: thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật… Theo Hiệp định, Liên minh kinh tế Á- Âu sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi về thuế quan đặc biệt với các sản phẩm xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy sản. Còn phía Việt Nam cũng đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh kinh tế Á- Âu với một số sản phẩm chăn nuôi, hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các ý kiến tại hội thảo đánh giá: Hiệp định sẽ đặt thị trường hàng hóa trong bối cảnh mới, khi hàng rào bảo hộ bằng thuế quan được loại bỏ, điều này sẽ là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam khi quy mô vẫn còn nhỏ, hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ. Đồng thời, các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng xuất khẩu. Do đó, để tận dụng những cơ hội cũng như vượt qua những rào cản từ hiệp định này,  doanh nghiệp cần xác định được lợi thế của mình, định vị được ngành hàng, tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh; cần nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan tới lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh trong ngắn và dài hạn.... Bà Đào Thu Hương, Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Tài Chính, cho rằng; Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu hơn nữa những lợi ích của FTA Liên minh kinh tế Á- Âu đem lại. Từ đó để vận dụng được những lợi ích này vào trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình để tạo ra những cánh cửa để bước vào thị trường mới. Về phía các cơ quan chính sách, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường chương trình phổ biến các doanh nghiệp để doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn và có thêm nhiều thông tin về những lợi ích, cũng như là cam kết mở cửa từ FTA này mang lại.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu