Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Việc đánh giá tiềm năng điện mặt trời là một bước quan trọng để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. 

Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển năng lượng mặt trời do tiềm năng khá lớn và chi phí của loại công nghệ này đang có xu hướng giảm nhanh. Đây là một trong những giải pháp lý tưởng trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt năng lượng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. 

Đó là đánh giá của giới chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo "Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030" do Tổ chức Hợp tác phát triển điện gió Đức (GIZ) hợp tác với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Việt Nam triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển liên bang Đức, tổ chức ngày 14/9.

Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam    - ảnh 1Bà Sonia Lioret, Trưởng dự án 4E của GIZ. Ảnh: NH 

Theo đó các chuyên gia cho rằng đây là những kết quả ban đầu sử dụng phần mềm và phân tích công nghệ ứng dụng các tiến bộ khoa học, áp dụng các tiêu chí như bức xạ nhiệt, sử dụng đất, cơ sở hạ tầng đường sá và kết nối lưới.

Việc đánh giá tiềm năng điện mặt trời là một bước quan trọng để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Quá trình này sẽ giúp xác định được danh sách các dự án điện mặt trời đến năm 2020 và các vùng thuận lợi để phát triển cho giai đoạn đến năm 2025 và 2030, các tiêu chí để phát triển dự án. Quá trình đánh giá cũng sẽ đem lại những thông tin chuyên sâu về tiềm năng điện mặt trời và thực trạng phát triển hiện nay tại Việt Nam. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu