Cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Chia sẻ
(VOV5) - Hành động quân sự hóa các cơ sở tại Biển Đông sẽ không giúp ích gì cho những nỗ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực này.

(VOV5) - Hành động quân sự hóa các cơ sở tại Biển Đông sẽ không giúp ích gì cho những nỗ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực này.

Cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông - ảnh 1
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng đang bố trí một hệ thống radar tần số cao mới trên đá Châu Viên. (Nguồn: CSIS)


Trong phát biểu được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Washington, ngày 23/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố hành động quân sự hóa các cơ sở tại Biển Đông sẽ không giúp ích gì cho những nỗ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực này. Tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết Washington “khuyến khích giải quyết hòa bình các tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông, một mục tiêu rõ ràng khó đạt được bằng hành động quân sự hóa các cơ sở ở vùng biển này”.


Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phát biểu trong một phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện, ông McCain kêu gọi Mỹ đẩy mạnh tự do hàng hải trong khu vực. Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Jack Reed thì đánh giá rõ ràng Trung Quốc không hề có ý định đóng vai trò là “một bên có trách nhiệm” tại châu Á-Thái Bình Dương. Cũng tại cuộc điều trần này, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, cho rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không và hệ thống radar, cũng như xây dựng các đường băng trên Biển Đông “đang làm thay đổi môi trường hoạt động” tại khu vực này.


Ngày 24/2, nhiều tờ báo lớn của Cộng hòa liên bang Đức đồng loạt chỉ trích Trung Quốc làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông khi đưa máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Báo "Toàn cảnh Frankfurt“ (FAZ) cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra những nhân tố mới trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với việc triển khai các máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Tờ báo chỉ trích Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông. Theo tờ báo, đầu tuần qua, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy Trung Quốc có thể đã xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa một trạm radar tần số cao.


Cùng ngày, tờ "Thời đại“ (die Zeit) dẫn các nguồn tin Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa máy bay tiêm kích tới đảo Phú Lâm và triển khai tên lửa đất đối không tại đảo này. Báo trên cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng vì những tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc cũng đã bồi đắp nhiều đảo nhân tạo và đầu tuần qua, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cũng cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt ở đây một trạm radar tần số cao. Trước đó, tờ "Thế giới“ (Welt)" của Đức ngày 23/2 đã chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng trái phép một trạm radar ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu