Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam dự khai hội. Ngay từ đầu giờ sáng nay, hàng chục nghìn du khách, tăng ni, phật tử trên cả nước đã hành hương về Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử để dự lễ Khai hội và lễ Phật tại non thiêng Yên Tử. Ông Lê Chính, Đạo diễn chương trình, cho biết: "Năm nay có phần rước lễ để dâng lên Phật nó rất đặc biệt. Đó là sản vật của 11 xã phường tại Uông Bí do 11 bản hội cùng góp sức để dâng lên Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cùng với Tam tổ Trúc Lâm và những vị tiền bối, hiền nhân vì nước vì dân. Là những sản vật của địa phương và đúng chất nhà chùa là mâm trầu cau, ngũ quả, bánh chưng chay, bánh giầy, Chè lam, Bưởi, Thanh long đỏ".
Du khách nườm nượp đổ về non thiêng Yên Tử để dự lễ khai hội và lễ Phật. Vũ Miền/VOV
|
Ngày 24/2 (mùng 9 âm lịch), tại Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, diễn ra Lễ khai hội xuân Ngọa Vân năm 2018 thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần. Lễ hội xuân Ngọa Vân được duy trì tổ chức từ ngày 9 tháng Giêng và diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn; là dịp để các tầng lớp nhân dân, phật tử và du khách hành hương về Ngọa Vân, thị xã Đông Triều, vùng đất Phật trời Nam để dâng hương, kính lễ, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức to lớn của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm; cầu phúc, cầu tài cho một năm an lạc. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: "Từ năm 2016 chính thức cử hành lễ hội xuân Ngọa Vân đầu tiên và năm nay là năm thứ 3, cứ mỗi năm như vậy Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận thấy rằng luôn luôn có sự cải tiến. Các cơ sở, các hạng mục, các di tích được phục dựng, phục hồi cũng như xây dựng các phương tiện để đồng bào, phật tử khắp cả đất nước Việt Nam được về đây để chiêm bái nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn".
7 Bát kiệu rước những sản vật của địa phương dâng lên Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Vũ Miền/VOV
|
Cùng ngày, tại vùng biển Lăng Ông Duyên Hải, thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, diễn ra Lễ hội Nghinh Ông lần VII thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội truyền thống của ngư dân vùng ven biển được địa phương duy trì tổ chức định kỳ hàng năm nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa trong những chuyến đi biển đánh bắt được nhiều tôm, cá. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian, giao lưu của ngư dân nhiều tỉnh thành ven biển, thả tôm giống ra biển nhằm ý thức ngư dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các đại biểu và tăng ni, phật tử cùng tham dự lễ cầu Quốc thái dân an trong Lễ khai hội xuân Ngọa Vân. Duy Anh/VOV |
Sáng 25/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), diễn ra lễ đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2018. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2018 diễn ra trong 3 ngày từ 23- 25/2 với nhiều hoạt động như: Dâng hương tri ân tổ tiên, tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao, tổ chức phiên chợ quê, giao lưu văn nghệ của nhân dân địa phương... Lễ hội diễn ra với những nghi thức truyền thống, trang trọng về nghi lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, phát huy tối đa nội lực và các tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa của các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì.
Sáng 25/2, tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, diễn ra Vòng chung kết giải đua ngựa huyện Vị Xuyên lần thứ I - 2018. Giải đua ngựa huyện Vị Xuyên được tổ chức nhằm động viên tinh thần người dân trong việc bảo tồn, phát triển đàn ngựa ở địa phương, đồng thời góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách đến với Hà Giang. Tham dự giải đua ngựa huyện Vị Xuyên lần này có 32 nài ngựa đến từ các xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên và các đội khách mời đến từ tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Lào Cai. Các nài ngựa bốc thăm chia làm 8 bảng đấu theo thể thức chạy 6 lượt vòng quanh sân vận động với cự ly dài trên 2000m. Tuy mới lần đầu tiên tổ chức nhưng với sự chuẩn bị chu đáo về kỹ thuật nên chất lượng ngựa đua và các cuộc đua diễn ra sôi động, hấp dẫn. Qua đó, trở thành hoạt động thể thao văn hóa thú hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách gần xa đến xem.