Cả nước tắt đèn hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất 2021

Chia sẻ
(VOV5) - Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 tại Việt Nam được đồng tổ chức bởi Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương. 

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, qua theo dõi số liệu về phụ tải tiêu thụ điện, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 (từ 20h30-21h30 ngày 27/3/2021), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 353.000 kWh (tương đương số tiền khoảng hơn 650 triệu đồng).

Cả nước tắt đèn hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất 2021 - ảnh 1Hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng. (VOV)

Năm nay, chiến dịch Giờ Trái đất 2021 có chủ đề “Speak up for Nature” – “Lên tiếng vì thiên nhiên”. Giờ Trái đất năm 2021 có mục tiêu hướng về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề môi trường lớn hiện nay, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời cũng kêu gọi hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm đạt mục tiêu giảm từng bước và tiến tới không còn rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên. 

Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 với chủ đề " Lên tiếng vì thiên nhiên" được tiến hành trên quy mô toàn cầu vào lúc 20h30 ngày 27/3. Thông điệp bảo vệ thiên nhiên và môi trường của chiến dịch giờ trái đất năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang gồng mình đối phó với dịch bệnh và các thảm họa thiên tai liên tiếp xảy ra như thời tiết khắc nghiệt hay cháy rừng trên diện rộng. Trong thông điệp của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonia Guterres khẳng định thế giới cần phải chung sống hòa bình với thiên nhiên. Biến đối khí hậu, mất đa dạng sinh thái, ô nhiễm đang đe dọa cuộc sống, việc làm và sức khỏe của loài người và năm 2021 là năm của sự thay đổi.

Lần đầu tiên được tiến hành tại thành phố Sydney của Australia vào năm 2007, chiến dịch Giờ Trái Đất hiện đã trở thành một trong những chiến dịch vì môi trường lớn nhất thế giới, được hưởng ứng tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu