Biển Đông và chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn của các học giả châu Âu

Chia sẻ
(VOV5) - Các tham luận đã đề cập nhiều góc nhìn về Biển Đông và vấn đề về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ngày 10/6, tại thủ đô Paris của Pháp diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: "Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam" với sự tham dự của đông đảo học giả và những người yêu biển đảo Việt Nam.
Nhân dịp này, một cuộc gặp gỡ giữa những kiều bào đã từng đi thăm Trường Sa đã được tổ chức cùng với triển lãm ảnh và hiện vật về quần đảo này.

Biển Đông và chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn của các học giả châu Âu - ảnh 1Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học với chủ đề: "Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam", ngày 10/6 tại thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao nỗ lực của các cá nhân và hội đoàn cùng đóng góp để tổ chức hội thảo. Đại sứ cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là kiều bào tại châu Âu, thể hiện tình cảm và sự gắn bó của kiều bào với quê hương, đất nước, và cả với những chủ đề lớn của quốc gia, dân tộc.

Được tổ chức theo sáng kiến của Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam, hội thảo đã nhận được 14 tham luận của các học giả, là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu về châu Á, Biển Đông, các nhà kinh tế học, nhà giáo dục, từ các nước châu Âu (Ba Lan, Đức, Pháp, Italy, Séc, Ukraine), Canada và Việt Nam. Các tham luận đã đề cập nhiều góc nhìn về Biển Đông và vấn đề về chủ quyền biển đảo Việt Nam, xét trên các góc độ lịch sử, văn hóa, chính trị và pháp lý. Tình hình trên Biển Đông, những giải pháp để xử lý tranh chấp và những phương án phát triển kinh tế biển cũng được các diễn giả đề cập đến.

Chia sẻ về góc nhìn của mình đối với vấn đề Biển Đông và các quần đảo Việt Nam, ông Patrice Jorland, Giáo sư Sử học, nguyên chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt cho biết xét theo luật biển quốc tế, Việt Nam có một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn.
Ông Jorland cho biết Việt Nam có chủ quyền ở Biển Đông. Liên quan đến chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa, ông cho biết những chứng cứ lịch sử cho thấy Việt Nam đã khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo này, đặc biệt là Hoàng Sa, từ cuối thế kỷ 18, dưới triều nhà Nguyễn. Giáo sư người Pháp cũng cho rằng các bên liên quan cần phải tôn trọng luật quốc tế, và khối ASEAN, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực, cần củng cố khối đoàn kết, tăng cường nỗ lực ngoại giao và đàm phán, tránh dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu