Ngày 1/6, ngày Quốc tế thiếu nhi và cũng là ngày đầu tiên của Tháng hành động vì trẻ em 2021 của Việt Nam. Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm nay là “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”.
Một em học sinh trong khu cách ly tập trung tại Trường mầm non Lê Lợi, Bắc Giang. Ảnh: Tuyết Mai/nhandan.vn |
Hoạt động ý nghĩa đầu tiên trong tháng này, đó là Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ bữa ăn cho hơn 4 nghìn trẻ em là F0 và F1 phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: "Trong những ngày gần đây, chúng tôi đặc biệt quan tâm việc rà soát đối tượng trẻ em bị mắc Covid-19 cũng như đối tượng trẻ em phải đi cách tập trung thuộc diện F1. Đề nghị các địa phương chủ động hỗ trợ các em, quan tâm cả về mặt dinh dưỡng, thực phẩm cũng như các nhu cầu cho trẻ em, đặc biệt là các yếu tố tâm lý ảnh hưởng không chỉ riêng đối với cha mẹ của các em mà chính các em cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề".
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021, một số bộ, ngành đã có văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em, trong đó có tổ chức cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin”; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình khai mạc hè, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 và ngày quốc tế thiếu nhi 1/6.
Hai trẻ em cùng phòng tại khu cách ly Trung đoàn 834 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc) - Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết thêm: "Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng được sự hỗ trợ đồng hành của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng như các tổ chức xã hội. Trong tháng hành động vì trẻ em sẽ tổ chức nhiều buổi tọa đàm mà đặc biệt là những buổi tọa đàm trực tuyến để có thể giới thiệu những kỹ về quy định về pháp luật, chính sách cũng như các kiến thức, kỹ năng thực sự cần thiết cho gia đình, cho trẻ em cũng như cộng đồng xã hội để chúng ta cùng chung tay bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19".
Cục Trẻ em cũng yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội… về kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tới gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em; tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.