7 ngày qua thành phố Đà Nẵng, Việt Nam trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của thế giới. Tuần lễ cấp cao APEC, trong đó điểm nhấn là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lại chung”, tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 5 - 11/11/2017, quy tụ hàng ngàn đại biểu đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có nhiều nguyên thủ hàng đầu thế giới.
Toàn cảnh phiên bế mạc APEC 2017 - Ảnh: TTXVN |
Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 cũng như của Năm APEC 2017. Tuyên bố Đà Nẵng khẳng định thông điệp mạnh mẽ, kịp thời về quyết tâm thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư, tăng trưởng bao trùm, bền vững. Theo đó, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết trong APEC trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi. APEC nhất trí tăng cường thúc đẩy thương mại tự do và thuận lợi hóa đầu tư ở khu vực; hoàn tất thực hiện các mục tiêu Borgo; đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng, chú trọng nâng cao năng lực liên kết kinh tế quốc tế cho các thành viên.
Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) với 15 phiên họp trong 3 ngày trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC thành công tốt đẹp khi nhận được hàng chục các bài phát biểu của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trumph, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu thế giới và Việt Nam cùng đại diện của các định chế kinh tế quốc tế lớn. Những vấn đề được thảo luận tại CEO Summit đều là những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến mỗi nền kinh tế không chỉ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Một nội dung nổi bật khác tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là Bộ trưởng kinh tế 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhóm họp trong 3 ngày, nhất trí với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới. Ngoài ra, trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có nhiều cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Lãnh đạo các nền kinh tế, các tập đoàn đều đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam và những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Các hoạt động tiếp xúc song phương này vừa góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam, vừa mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực đối với đất nước, người dân và doanh nghiệp.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC. Lần thứ nhất Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội năm 2006. Trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC, 18 nước đã đăng cai Hội nghị và mới có 8 nước được đăng cai 2 lần.