Sáng 9/5, tại thành phố Quy Nhơn, diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Khoa học để phát triển”, sự kiện đánh dấu tròn 25 năm thành lập Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam. Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp tổ chức.
Khoảng 200 đại biểu quốc tế tham dự hội thảo khoa học - Ảnh: nhandan |
Tham dự hội thảo có ông Bertnand Lortholary, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius; Giáo sư Gerard’t Hoof - Nobel Vật lý năm 1999; Finn Kydland – Nobel Kinh tế năm 2004; Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam và khoảng 200 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia trên thế giới.
Hội thảo quốc tế “Khoa học để phát triển” đề cập vai trò của khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Đặc biệt, hội thảo bàn tròn “Khoa học và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững Liên hợp quốc” nhằm đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các viễn cảnh tương lai của nó đã được Liên hợp quốc thông qua vào cuối năm 2015 dưới góc nhìn của giới khoa học, công nghệ và đổi mới.
GS Trần Thanh Vân phát biểu tại lễ khai mạc - Ảnh: nhandan |
Ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết: “Tỉnh Bình Định luôn ủng hộ và đồng hành cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam, Giám sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Lê Kim Ngọc để tổ chức nhiều hơn nữa các Hội nghị Quốc tế tổ các hoạt động khoa học giáo dục chuyên ngành để cùng nhau xây dựng Quy Nhơn- Bình Định trở thành điểm đến của các nhà Khoa học Quốc tế và trong nước để hàng năm nơi đây tiếp tục đón nhận các nhà khoa học trên toàn thế giới để gặp gỡ giao lưu trao đổi học thuật trong tương lai sớm. Chúng tôi sẽ phát triển khu vực này thành khu đô thị khoa học giáo dục, thung lũng sáng tạo Quy Nhơn”.
Hội thảo cung cấp cách nhìn đa chiều về việc thực hiện Chương trình, với sự đóng góp của các nước đang phát triển từ các khu vực khác nhau, trong đó có Việt Nam để bổ sung việc đánh giá thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Các cuộc thảo luận bàn tròn đề cập đến các tác động kinh tế và xã hội của khoa học đối với xã hội, sự đóng góp của khoa học với việc hoạch định chính sách và sự liên quan của khoa học với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.