Về mấy câu thơ xa xứ của người . . .xa xứ !

Đào Dục Tú
Chia sẻ
(VOV5)- Cũng có người xa xứ chọn cho mình niềm vui sống với chữ, chữ Việt, đối xử với chữ như với . . .người.
(VOV5)- Cũng có người xa xứ chọn cho mình niềm vui sống với chữ, chữ Việt, đối xử với chữ như với . . .người.


Người xa xứ cho đến giữa thập niên  thứ hai thế kỷ hai mươi mốt đã lên tới  trên dưới năm triệu người, bằng  dân số của một quốc gia . . .không lớn thuộc láng giềng quanh nước ta. Tôi muốn nói tới người xa xứ cao niên, từ cột mốc nhân sinh "thất thập " tính đi .Những người đã để lại sau lưng mình cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử và đi qua thời hậu chiến nhiều hệ lụy sâu xa nhất cho người Việt hai phía. Họ tham gia trực tiếp hay gián tiếp thì về cơ bản, số phận cũng không mấy khác nhau, đau khổ mất mát quá nặng nề mà hạnh phúc như gió thoảng, như hơi rượu say.

Và giờ đây đã thấy có người  "trối trăng trước" bằng thơ là "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển" (Du Tử Lê),để hy vọng hồn người có thể theo sóng đại dương trôi dạt về đất mẹ Việt Nam: "Chôn đất lạ thịt xương e khó rã-Hồn không đi sao trở lại quê nhà" . Quê nhà ta đó "lũy tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì"! Những con người ấy, thời gian sống đã sang. . . chiều muộn, đường đời chỉ còn tính bước chân thôi nên thấy mình có thể "bị trời đầy" xa xứ đến . . .hai lần! Sống và chết !

Tác giả Nguyễn Bá Trạc người làng Mục Quan Nhân tục gọi làng Mọc (từ Hán "mục" biến âm, hẳn thế). Ngày mới "di tản" sang Mỹ, ông chỉ thấy  "Tấm lòng lạnh ngắt mối sầu mênh mông":

                                      Ta hiu quạnh như đồng cỏ úa

                                      Trong mịt mùng vây bủa khói sương

Ông chán cái "cường quốc" số một xa lạ  này đến mức cho một nhân vật của mình nói trong "văn xuôi" :" Nước mưa của Mỹ uống vào, đắng cả mồm !". Thế rồi, lần lần cuộc hội nhập khó khăn cũng qua đi, để bây giờ sang tuổi già ,ông cũng may có. . . cơ may sống thanh thản cuối đời , cái thanh thản không phải dễ gì mà có và không phải ai cũng có được :" Tôi sống thế này là . . .ô-kê – Vài bạn già - Một căn nhà - Hai con gà - Dăm con chim con chó - Cô vợ, thằng con nhỏ giống mẹ - Cái mũi cái mồm - Giống cha cặp mắt ngựa non. . .". Thơ không "gò" vào niêm luật, thể loại, . . . tự do tự tại như giao tiếp bắng hữu ngoài quán xá ven đường "tôi sống thế này là ô-kê !"

Tô Thùy Yên thi sĩ tài danh từ thời còn khoác áo lính trận Sài Gòn. Ông có những ý thơ nhân bản sâu sắc kể cả khi hàng ngày giáp mặt với cái chết:

                                      Gặp buổi trời mưa bay phơi phới

                                      Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân

                                      Ta nhìn ngọn cỏ lòng mê mẩn

                                      Tạ ơn đời ràn rụa thâm ân

Ông đã trải "Mười năm mặt sạm soi khe nước-Ta hóa thân thành vượn cổ xưa". Nhưng cũng xem như " cuộc biển dâu", không để trái tim người thi sĩ bị đốt cháy. . . ra tro  bởi ngọn lửa thù hận. Những tai họa của  chiến tranh, chia cắt, kỳ thị, oan khuất , thậm chí thiệt thân thiệt mạng  đâu chỉ giáng "sao quả tạ" số phận xuống  cho riêng ai, cho một mái ấm nào, một thân phận làm người Việt nào trong suốt một phần tư thế kỷ và hệ lụy khốn khổ thời hậu chiến kéo dài hàng vài thập kỷ nữa ! Thơ đã làm công việc nhân bản là hóa giải khổ đau, hận thù đã thuộc về "lịch sử":

                                                Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

                                                Giải oan cho cuộc biển dâu này

Hình như  người thơ sống cô đơn ,"không gia đình"  ở Mỹ. Về già, thơ ông chan chứa hoài niệm, vương vấn nỗi buồn, không thể, không thấy tâm cảm mãn nguyện gật gù. . . như ai " tôi sống thế này là ô-kê":

                                                Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa

                                                Đêm chưa khuya lắm hỡi trăng tà

                                                Tình xưa như tuổi già không ngủ

                                                Bước chậm khua từng nỗi xót xa

Cũng có người xa xứ chọn cho mình niềm vui sống với chữ, chữ Việt, đối xử với chữ như với . . .người. Ấy là tác giả Trần Văn Lệ:                                         
                                               Chữ nghĩa và tôi đến xứ người

                                                Ngậm ngùi tan nát cũng như tôi

                                                Sót vài ba chữ ngồi hiên quán

                                                Gặp bạn nâng ly một tiếng cười

Cũng phải thôi. Sống . . .bên lề thời kỳ đầu khó hội nhập, gần như tha phương cầu thực trong một môi trường ngôn ngữ tiếng Anh tứ bề bủa vây cuộc sống thường nhật,ai không thấy lạc lõng cảnh "chim chích vào rừng".Tiếng mẹ đẻ thân thuộc ngàn đời   "tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi" hẳn có lúc chỉ còn thu gọn lại trong đôi câu chuyện phiếm với vài người bạn "cùng một lứa bên trời lận đận" bên quán cóc vỉa hè. Để tiếng Việt không rơi vào caí cảnh " mười phần chết bẩy còn ba" đó, tác giả chỉ còn có cái cách duy nhất là " trọng chữ như . . .trọng nhân":

                                                Tôi xem chữ nghĩa như con cái

                                                Có đứa buồn hiu có đứa vui

                                                Quanh quẩn bên tôi chiều với sớm

                                                Líu lo nhự thể lũ chim trời

Cũng thật lạ. Chỉ là chữ thôi mà khi nhắc đến tuổi "gần đất xa trời", người viết vẫn lạc quan đến thế , vui đến thế dù "nói trước" đến nấm mồ của mình nơi chân trời góc biển :

                                                Chữ nghĩa và tôi sẽ xuống mồ

                                                Mai này cỏ mọc sắc xanh mơ

                                                Ai đi ngang để cành hoa xuống

                                                Là cũng cho đời một chút thơ

Viết đến đây tôi chợt liên tưởng đến câu  thơ cảm động của tác giả Cao Tần Lê Tất Điều trong bài thơ " bài học lớn" gần như tổng kết những bài học nhân sinh sau thời gian dài sống  và chiêm nghiệm tình đời ở Mỹ:

                                       Bài học lớn từ khi ta đến Mỹ

                                      Là ngày đêm thương nhớ nước không nguôi

Có thương nhớ nước mới biết thương nhớ. . . mình .Có thương nhớ. . . mình mới biết thương nhớ nước non ! Qua mấy vần thơ của người xa xứ đã trải nhiều sóng gió cuộc đời , nay vẫn xa quê hương xứ sở khi tuổi  trời đã xế chiều và "Mỗi ngày là một ngày . . .xưa", tôi chỉ muốn chuyển tới họ mấy câu thơ của học giả Phan Khôi cũng viết cho mình (giờ thì cho con cháu và bạn đọc cụ) :" Nắng chiều đẹp có đẹp-Tiếc tài gần chạng vạng-Mặc dù gần chạng vạng-Nắng được thì cứ nắng" !Vâng ,thưa cụ ,nắng được thì cứ nắng ! Mà nắng chiều có cái đẹp. . .tráng ca của nắng chiều chứ !

Nắng cho mình và nắng cho người !       

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu