Tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng: khúc tráng ca của người lính

Phương Thúy
Chia sẻ
(VOV50- Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Nguyễn Sáng cũng như bao văn nghệ sĩ khác cùng hòa mình vào cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Tâm huyết ông dành cho nhân dân, cho đất nước chính là tác phẩm hội họa “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”.

(VOV50- Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Nguyễn Sáng cũng như bao văn nghệ sĩ khác cùng hòa mình vào cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Tâm huyết ông dành cho nhân dân, cho đất nước chính là tác phẩm hội họa “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”.

Tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng: khúc tráng ca của người lính    - ảnh 1
Tác phẩm hội họa “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Khi thưởng thức tranh sơn mài, ta hay nghĩ đến những chất liệu, màu sắc tạo nên sắc độ của nghệ thuật trang trí, thế nhưng điều đó dường như bị chìm lấp khi người ta chiêm ngưỡng bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng. Nói về nghệ thuật thể hiện trong bức tranh đề tài Cách mạng này, họa sĩ Hoàng Đình Tài cho biết vẫn là những chất liệu quen thuộc của sơn mài, nhưng toát lên từ bức tranh lại là màu vàng nâu của đất, màu đỏ của khí thế chiến đấu và niềm tự hào khi người chiến sĩ Điện Biên được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong bức tranh này, họa sĩ Nguyễn Sáng đã thành công trong xử lý màu sắc, đưa màu đất của chiến hào làm nền cho hình ảnh các chiến sĩ trong tranh: “Người ta thường kết nạp ở địa phương, sau những trận đánh. Nhưng Nguyễn Sáng đã đưa lên chiến hào vì đây là Đảng của những người hành động, Đảng của những người con chiến đấu cho quê hương, Đảng của những người nông dân được ông vẽ bằng màu đất đai họ gieo trồng. Ông vẽ người nông dân quá chính xác, đó là những người nông dân Bắc Bộ chứ không phải thị dân và Đảng là của những người lao động vùng lên giải phóng quê hương.”


Chọn bối cảnh là chiến hào, giữa trận chiến ác liệt, họa sĩ Nguyễn Sáng đặt 8 nhân vật trong không gian nén chặt và tâm trạng cũng bị nén chặt, hồi hộp và đầy thử thách. Họ đứng nghiêm trang trong một lễ kết nạp, mà tất cả như lại đang ở trạng thái chuyển động. Sự chuyển động ấy càng nói lên tính chất cam go, vội vàng, căng thẳng của cuộc chiến. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết: dù ở trong trạng thái chiến đấu nhưng việc kết nạp Đảng vẫn được tiến hành. Như vậy, thời điểm, không gian, thời gian đặc quánh không khí chiến tranh, càng làm cho hình tượng người chiến sĩ được kết nạp như trở nên vĩnh cửu: “Giờ phút thiêng liêng ấy nằm trong thời điểm vô cùng căng thẳng, có thể người chiến sĩ đã bị thương, được kết nạp và cũng có thể một thời khắc sau đó anh hi sinh. Cho nên hình tượng ấy lại càng thuyết phục hơn, càng làm cho tính tráng ca, tính sử thi mạnh lên rất nhiều. Ngôn ngữ biểu đạt của họa sĩ Nguyễn Sáng bao giờ cũng vậy. Ông ấy gạn lọc tất cả những chi tiết làm cho hình tượng bé nhỏ, nâng được chi tiết ấy lên để cho hình tượng trở nên vĩ đại.”

Như một cơ duyên, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến chính là người viết phản biện về giá trị nghệ thuật tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” khi Chính phủ quyết định công nhận tuyệt tác này là bảo vật quốc gia. Bà cho biết: Có nhiều họa sĩ vẽ tranh về kết nạp Đảng như họa sĩ Nguyễn Đức Nùng có bức “Kết nạp Đảng trong nhà tù”, họa sĩ Lê Quốc Lộc có tác phẩm sơn mài “Từ trong bóng tối”, tái hiện một căn nhà đơn sơ và những người cộng sản nghiêm trang tuyên thệ dưới lá cờ Tổ quốc. Nhưng, vượt lên trên tất cả, hình tượng các chiến sĩ trong một chiến hào chật hẹp ở Điện Biên Phủ trong thời khắc cam go của trận đánh mà họa sĩ Nguyễn Sáng đã khắc họa vẫn là tác phẩm sinh động nhất. Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn thì tác phẩm này là một đóng góp của Nguyễn Sáng trong nghệ thuật sơn mài hiện đại: “Lâu nay chúng ta quen xem các tranh sơn mài sử dụng màu son, ngôn ngữ trang trí nhiều. Nhưng ở đây, với một bút pháp khỏe, vạm vỡ, tạo nên hình tượng người lính ở trong chiến hào. Nó có vẻ đẹp chân thực khi khai thác vẻ đẹp của người lính Điện Biên, đồng thời lại điển hình cho hình tượng của người Việt. Bức tranh không mô tả mà là hình tượng trực tiếp, người xem có thể cảm nhận ngay chứ không cần phải giải thích.”

9 năm sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, năm 1963, họa sĩ Nguyễn Sáng mới cho ra đời bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”. Tác phẩm là sự kết tinh những giá trị thẩm mỹ đẹp đẽ nhất của Nguyễn Sáng với những gì ông cảm nhận được ở chiến thắng Điện Biên Phủ. Một nhà nghiên cứu nước ngoài khi ngắm bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” đã thốt lên rằng: bà muốn đặt tên cho tác phẩm là “Những chiến binh Điện Biên Phủ”. Sự ngưỡng vọng này xin được dành cho tác giả và những người lính cụ Hồ, người lính Cách mạng, những người đã làm nên bản anh hùng ca Điện Biên lịch sử./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
le
rất hay
Nguyễn Thị Khánh Linh
Rất hay và bổ ích ạ <3