Tranh màu nước Minh Đàm: rất phương Tây nhưng cũng rất gần gũi trong cảm thức nguồn cội

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Trong triển lãm, Minh Đàm tổ chức một buổi gặp gỡ, trò chuyện với các họa sĩ Việt Nam, và một workshop chia sẻ những kinh nghiệm vẽ màu nước dung hòa giữa Âu và Á.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
 
Tranh màu nước Minh Đàm: rất phương Tây nhưng cũng rất gần gũi trong cảm thức nguồn cội - ảnh 1Họa sĩ Đàm Truyền Minh - Ảnh: Thúy Hoa
7 tuổi cậu bé Đàm Truyền Minh theo gia đình tới Ba Lan đinh cư, cho tới nay qua ba chục năm, anh trở thành một trong những họa sỹ tranh màu nước có tầm ảnh hưởng bậc nhất tại Ba Lan. Minh Đàm cũng thuộc nhóm đồng sáng lập Hiệp hội Màu nước Ba Lan. 

Xem triển lãm tranh của Đàm Truyền Minh, nhà văn, họa sĩ Nguyễn Trương Quý nhận xét: với kỹ thuật, chỉn chu, các bức tranh không có nhiều phá cách hay sự nổi loạn mà thiên về trật tự, ổn định, bố cục rất có bài bản và rất đáng chú ý: "Khi xem những bức tranh màu nước của Đàm Truyền Minh, tôi thấy có một cảm giác rất nhẹ nhõm, khá là khác biệt so với các bức tranh màu nước của các họa sĩ ở Việt Nam trong nhiều triển lãm gần đây hay trong những trào lưu vẽ tranh phong cảnh màu nước. Tất nhiên dấu vết của người học kiến trúc khá rõ. Những cách dựng cảnh có tính chất diễn họa kiến trúc, hay những chọn lựa những cảnh công trình kiến trúc như thành phố cổ, công trình di tích... rất rõ nét của một người đã học về công trình.

Tôi rất thích Mình vẽ những khung cảnh có hơi nước, sương mù, những cành cây hay có nước... phô diễn được năng lực dùng màu nước để tạo ra những chất liệu khác nhau, những tương phản cứng mềm như cứng của đá mềm của nước, hay những tán cây sắc cạnh lẫn trong hơi sương... Rất là đẹp. Và những công trình kiến trúc thấp thoáng trong tranh rất hợp lý. Hơn nữa hòa sắc màu trong tranh vừa rất phương Tây, vừa có một cái gì đấy cũng gần gũi với mình trong cảm thức của một người gốc Việt..."

Tranh màu nước Minh Đàm: rất phương Tây nhưng cũng rất gần gũi trong cảm thức nguồn cội - ảnh 2Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel giới thiệu về triển lãm của Minh Đàm

Học kiến trúc và quy hoạch tại Đại học Bách khoa Vacsava, hội họa thoạt đầu chỉ là môn đi kèm khi Đàm Truyền Minh bắt đầu vẽ cho những bài học kiến trúc. Nhưng rồi rất nhanh, anh trở thành một họa sĩ với tranh phong cảnh. Giải thích việc gắn bó với màu nước, anh nói: "Ở Ba Lan dân mỹ thuật thường sử dụng vật liệu sơn dầu, còn dân kiến trúc thường sử dụng vật liệu màu nước. Ngôn ngữ màu nước, hội họa màu nước Ba Lan rất gần gũi với dân kiến trúc. Phần lớn dân kiến trúc mà có cách nhìn nghệ thuật hơn cũng thường sáng tác tranh màu nước.

Màu nước là một công cụ, một  ngôn ngữ, cũng như là vẽ bút chì hay bút kim để phục vụ cho dân kiến trúc trong những bản thiết kế, những nét vẽ tay ý tưởng đầu tiên. Bản thân tôi cũng cảm thấy màu nước gần gũi với người châu Á hơn. Vì lịch sử của hội họa màu nước cũng đi từ châu Á sang châu Âu. Đối với tôi màu nước có gì đó gắn liền được văn hóa châu Âu và văn hóa châu Á  với nhau. Mình là người hai văn hóa, văn hóa Ba Lan và văn hóa Việt Nam. Nên tôi nghĩ màu nước là thích hợp nhất đối với một người hai văn hóa như mình."

Tranh màu nước Minh Đàm: rất phương Tây nhưng cũng rất gần gũi trong cảm thức nguồn cội - ảnh 3Tranh của Minh Đàm tai triển lãm

Vậy sự khác biệt và dung hòa giữa hai nền văn hóa với Minh Đàm là như thế nào?  "Văn hóa Việt Nam là nguồn gốc. Đối với một nghệ sĩ bao giờ cũng quay lại nguồn gốc. Mình là người Việt Nam. Mình từ đâu mình sinh ra, bố mẹ mình sinh ra ở đâu.?. Văn hóa Việt Nam đối với tôi rất quan trọng, nó định hình cho cách suy nghĩ của mình. Còn về văn hóa Ba Lan, là nơi mà mình đạt được học vấn tương tự như người Ba Lan, những  hướng phát triển sau này, cách suy nghĩ nặng về châu Âu hơn. Cho nên có thể nói nhiều khi trong bước đi, trong những cách suy nghĩ mình cũng phải lựa chọn lấy được vẻ đẹp, lấy những gì là giá trị văn hóa Việt Nam gộp với những điều giá trị của văn hóa Ba Lan." - Minh Đàm chia sẻ.

Tranh màu nước Minh Đàm: rất phương Tây nhưng cũng rất gần gũi trong cảm thức nguồn cội - ảnh 4
Môt góc triển lãm Ba Lan Những điều kỳ diệu của họa sĩ Minh Đàm

Rời Hà Nội tới Ba Lan từ năm 7 tuổi theo gia đình, nhưng tiếng Việt, văn hóa Việt rất sâu đậm trong huyết quản Minh. Tuy nhiên, rất khác biệt với những người Việt trẻ khác, việc tìm hiểu và thấm sâu văn hóa Việt trong anh, là sự lựa chọn riêng của cá nhân chứ không hẳn từ yêu cầu, từ giáo dục gia đình: "Gia đình không ép tôi là phải học tiếng Việt hay phải suy nghĩ như người Việt Nam. Tôi được may mắn là được sự tự do trong lựa chọn của mình. Còn sự thiếu thốn về văn hóa Việt Nam, thì khi sang Ba Lan một thời gian mình mới cảm thấy, dù là người Việt Nam, nhưng mình thấy thiếu lịch sử, thiếu một cái gì gắn bó với người Việt Nam. Lúc đấy mình mới học thêm và đào sâu thêm về văn hóa Việt Nam để bổ sung cho sự thiếu sót này."

Tranh màu nước Minh Đàm: rất phương Tây nhưng cũng rất gần gũi trong cảm thức nguồn cội - ảnh 5Tranh của Minh Đàm tại triển lãm

Đàm Truyền Minh chính hiệu gốc trai phố cổ Hàng Bạc. Dòng họ Đàm của Minh phần lớn theo ngành khoa học, (có những tên tuổi rất nổi tiếng như người ông họ gần Giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn, hay chú họ anh Giáo sư vật lý Đàm Thanh Sơn), chỉ một mình Minh theo hội họa. Đó là một chặng đường không mệt mỏi của niềm đam mê và khám phá khả năng tự thân.

Tranh màu nước Minh Đàm: rất phương Tây nhưng cũng rất gần gũi trong cảm thức nguồn cội - ảnh 6Một góc triển lãm Ba Lan - những điều kỳ diệu.

Anh nói, anh vẽ, vì muốn đào sâu hơn trong chính văn hóa nguồn cội: "Ví dụ dân châu Âu vẽ, sử dụng màu rất là trong sáng, rất là tươi. Vì không khí, phong cảnh châu Âu tươi như thế, nên sống trong môi trường như thế mình cũng cảm thấy điều đó rất tự nhiên. Còn hội họa  Châu Á nặng về những nét vẽ tay những ký họa hoặc vẽ calligraphy (vẽ thư pháp) của Á Đông, tức là trong một nét bút ra được nhiều chi tiết, nhiều thông tin. Vì thế những bức tranh của mình màu sắc rất nhẹ nhàng, trong sáng, nhưng ngược lại những nét bút rất là mạnh dạn và có tính chất ký họa của châu Á trong đó.

Nếu mà người thuần châu Âu, người Ba Lan cũng vậy có thể chọn màu tương tự nhưng người ta sẽ không có những nét bút ký họa như vậy, Cái nét  bút đầu tiên mình vẽ màu nước thì rất nặng về cách vẽ của dân kiến trúc nhưng càng về sau, mình tìm những đột phá riêng cho bản thân. Mục tiêu của mình là vẽ ra bức tranh để cho người châu Âu nhìn vào sẽ bảo: Đây là bức tranh của người châu Á, có nét vẽ của người châu Á, Nhưng người châu Á nhìn vào lại bảo: Đây là bức tranh của người châu Âu. Đấy là mục tiêu và đấy cũng là sự đặc biệt của một người đa văn hóa - khi mình phối hợp văn hóa châu Âu và Châu Á.

 
Tranh màu nước Minh Đàm: rất phương Tây nhưng cũng rất gần gũi trong cảm thức nguồn cội - ảnh 7Khách đến buổi khai mạc triển lãm.

Vẫn làm việc trong các lĩnh vực về kiến trúc, nội thất và nhiếp ảnh, nhưng thời giờ chính anh dành cho hội họa. Chia sẻ về lựa chọn của mình, Minh Đàm cho biết: "Hội hoạ là nghề tay trái của mình nhưng mình thuận tay trái nên nó đang là đà chính trong công việc của mình (cười).. Mình cũng làm kiến trúc theo một quy mô nhỏ hơn là thiết kế nhà ở, nội thất,  hồi trước mình có làm trong văn phòng kiến trúc, cũng tham gia những công trình lớn hơn. Nhưng càng về sau mình thấy áp lực của ngành kiến trúc quá nặng. Và tự mình cũng cảm thấy gần gũi hội họa hơn. Đối với tôi, hội họa là ngôn ngữ mà khi muốn chia sẻ những thông tin, những cảm xúc riêng, mình có thể dùng hội họa để chia sẻ. Có những giá trị gắn đến kiến trúc, những hướng đi của ngành kiến trúc mà dùng những yếu tố kiến trúc để chia sẻ rất là khó, nên mình dùng chính hội họa để kể về những giá trị kiến trúc nên nhấn mạnh tới."

Tham gia nhiều triển lãm ở Ba Lan, ở các nước,  các cuộc thi nghệ thuật quốc tế, mở các workshop ở châu Âu, Trung Quốc vv…, Đàm Truyền Minh kể lại: "Tôi sống ở Ba Lan, thiếu văn hóa châu Á nên bao giờ cũng muốn chia sẻ văn hóa Việt Nam tại đất nước Ba Lan. Trước đây tôi có một cuộc triển lãm với chủ đề đi tìm nguồn gốc của mình. Trong triển lãm đó có nhiều bức tranh về văn hóa, về con người Ba Lan,  Việt Nam, con người Trung Quốc vv... Ý tôi nói ở đây, là mình đi tìm nguồn gốc của chính mình hoặc gợi ý cho những người đến xem để người ta để ý nguồn gốc của họ từ đâu. Có thể người ta đang sống ở. Ba Lan, mang quốc tịch Ba Lan, nhưng nguồn gốc lại là một đất nước khác. Nguồn gốc là giá trị riêng của mỗi người,  cuộc triển lãm đó là đề gợi cảm giác mình thuộc nguồn gốc nào cụ thể, để mình tự đi tìm."

Tranh màu nước Minh Đàm: rất phương Tây nhưng cũng rất gần gũi trong cảm thức nguồn cội - ảnh 8Triển lãm của Minh Đàm thu hút người xem

Chủ đề triển lãm "Ba Lan những điều kỳ diệu" anh cũng đã ấp ủ từ lâu nhưng còn thiếu một động lực thúc đẩy, nên khi có lời mời từ Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cho một nghệ sĩ gốc Việt thành danh tại Ba Lan, anh đã lập tức nhận lời.

"Ý tưởng của những bức tranh được trưng bày trong buổi triển lãm hôm nay là về phong cảnh Châu Âu, về những vẻ đẹp của thành phố. Nhưng có một câu chuyện sau những phong cảnh đẹp ấy.:Tôi là người của ngành kiến trúc. Dân  kiến trúc châu Âu thường hay nhấn mạnh về sự bảo tồn thiên nhiên,  phát triển những thành phố như thế nào để không thay đổi thiên nhiên quá nhiều, để đời con cháu mình vẫn được hưởng thụ vẻ đẹp thiên nhiên mà hiện tại mình đang có. Có thể bây giờ mình vẽ phong cảnh ví dụ Hạ Long hay là phố cổ Vacsava.. Có thể trong vòng 50 năm nữa phong cảnh đó sẽ biến mất. Tôi có cảm giác Châu Âu rất chú trọng mảng này nhưng Châu Á khai thác thiên nhiên quá nhiều.  Đây cũng là ước mơ của tôi để cho Việt Nam hay người Châu Á chú trọng nhiều hơn về vẻ đẹp thiên nhiên và bảo tồn nó."

Trong phần giới thiệu về triển lãm, họa sỹ Minh Đàm đã nói: "Ba Lan - Những điều kỳ diệu là triển lãm đặc biệt hướng về đất nước mà tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình ở đó. Là 31 năm đầy ắp tình yêu và hạnh phúc. Những bức tranh màu nước này thể hiện những điều tôi yêu thích về Ba Lan- xinh đẹp và yên bình. Tôi tặng chúng cho nơi đã giúp tôi trở thành tôi của ngày hôm nay”. Và còn hơn một món quà, trong triển lãm, Minh Đàm cũng tổ chức một buổi gặp gỡ, trò chuyện với các họa sĩ Việt Nam, và một workshop anh chia sẻ những kinh nghiệm vẽ màu nước dung hòa giữa Âu và Á. Anh nói: Trước đây vài năm tôi mới về được một lần. Nhưng từ nay, tôi sẽ cố gắng về nhiều hơn, gặp lại Hà Nội, đi khắp Việt Nam để hiểu hơn, cảm nhận sâu sắc hơn, và hy vọng sẽ lưu giữ được những hình ảnh đẹp đẽ trong những bức tranh của mình.

Triển lãm tranh Ba Lan - Những điều kỳ diệu của họa sỹ Minh Đàm  tức Đàm Truyền Minh - người Việt ở Ba Lan), diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 18/ 6/2022. Triển lãm trưng bày các tác phẩm tranh màu nước của họa sỹ người Ba Lan gốc Việt Minh Đàm, mô tả phong cảnh, đường phố và con người tại Ba Lan - nơi anh đã gắn bó nhiều năm, một số nước châu Âu khác nơi anh đi qua và cả Việt Nam - nơi anh sinh ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu