Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...

Đào Dục Tú
Chia sẻ
(VOV5)- Nhạc phẩm của Phạm Duy đầy sưy tưởng, nên đẩy suy tưởng  người nghe đi xa ,bay xa lắm.
(VOV5)- Nếu như có một đoản khúc ca từ nào gợi cảm, biểu cảm hồn dân tộc đi vào lòng người nhất, tôi không ngần ngại trả lời đấy là "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời. . .". Người viết ca từ ấy cùng  một "tập đại thành" ca khúc Việt trong đó có biết bao nhiêu nhạc phẩm để đời, vừa mới ra đi, giã biệt vĩnh viễn  đất nước và con người trên bờ sóng Thái Bình Dương  mà ông vô cùng trân quý, sau hơn  chín mươi năm "làm kiếp con người", sau sáu, bảy mươi năm "theo vận nước nổi trôi".

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời... - ảnh 1

Người viết đôi dòng tạp cảm về ông, nhạc sĩ Phạm Duy,  thuộc hàng "ngoại đạo" âm nhạc "điếc không sợ súng" và thuộc diện xóa mù âm nhạc chỉ nhờ một năng lực thẩm âm tầm tầm và tình yêu  những âm thanh dặt dìu, những âm thanh sáng trong cao vút như "tiếng hát lên trời"  hoàn toàn tự nhiên, bản năng từ thủa con trâu đi trước chú mình theo sau, thủa ấu thơ. Tôi không bị "định hướng" bởi những cuộc phỏng vấn trong hay ngoài nước, cũng chẳng có ý bình nghị gì về "đời nghệ sĩ hết sức tài hoa hết sức thăng trầm" dù rằng đã đọc trọn bộ hai tập hồi ký của ông cách  đây đã lâu. Không hiểu sao ngay lúc này đây đặt bút viết về ông, tôi  nhớ nhất, trước hết đến giai điệu và ca từ của bài "Nương chiều" và không khí lãng mạn trong sáng dịu dàng vô cùng của nhạc phẩm. " Chiều ơi lúc chiều về mọc ánh trăng tơ. . . ơi chiều. . . Chiều ơi. . .Cô nàng về để suối tương tư . . . ơi chiều. . ." Chiều ấy trên nương, là mơ hay là thực ? Vẫn là, chỉ là một sinh cảnh thường nhật, những cô gái Thái quẩy lúa lội qua suối  về trong nắng chiều. Cảnh ấy có gì là bất thường, là dị biệt đâu, có gì hi hữu bởi "quá giầu thi tứ" đâu khi ta đi trên miền Tây Bắc Đông Bắc của đất nước này vào mùa gặt hái cuối thu . Vậy mà khi giai điệu dặt dìu mà như tha thiết cất lên gọi "Chiều ơi" cùng hình ảnh mộng mị "ánh trăng tơ" "suối tương tư" khiến người ta " Ngỡ lòng mình là rừng- Ngỡ hồn mình là mây" (trích bài thơ "Chiều" của Hồ Dzếnh),  chứa chất cả nỗi u hoải lẫn phiêu lãng trước một bức họa trần gian đẹp như mơ đẹp như thơ ngỡ như không thực, như siêu thực. Mới hay sức mạnh của cả giai điệu lẫn ngôn từ, ca từ. Người ta thường hay nói âm nhạc chắp cánh cho thơ, ngôn ngữ thơ mở cánh cửa cho âm nhạc đi vào lòng người, trực cảm, tức thì, là nhờ sự cộng hưởng nội lực của cả hai thành tố giai điệu và ca từ đó chăng ?.

Nhạc phẩm của Phạm Duy đầy sưy tưởng, nên đẩy suy tưởng  người nghe đi xa ,bay xa lắm. Tự nhiên tôi nhớ đến phiến đoạn "Từng đoàn người đi miên man trên đường gian nan in hình qua dãy núi xanh lơ bát ngát. . ." Chỉ riêng một hình ảnh thực đấy mà như ảo ảnh đấy, cũng có thể hình dung ra cuộc trường chinh bi tráng mà dân tộc này tiến hành thời đầu cuộc kháng chiến  chống thực dân, chưa biết bao giờ kết thúc. Những nhạc phẩm của ông cũng như của nhiều nhạc sĩ tài danh khác đi vào lòng người  không chỉ đáp ứng tiếng gọi non sông thời bấy giờ mà "có gì lạ quá đi thôi", tràn đầy một tinh thần lãng mạn giầu chất thơ của cả một lớp người "giã biệt thủ đô" "giã biệt mẹ già", giã biệt làng quê" nơi có "người vợ trẻ mòn chân bên cối gạo canh khuya" (thơ Hồng Nguyên). . . phơi phới bước chân vào cuộc trường chinh gian khổ và hào hùng, phủ đầy phong vị lãng mạn, bao trùm một khí quyển lãng mạn của người Việt những năm cuối  thập kỷ bốn mươi thế kỷ trước. Đấy cũng là thời điểm đoàn quân Tây Tiến "vượt trên cái chết" trong thi phẩm Tây Tiến nổi tiếng của nhà thơ tài danh Quang Dũng; những người đi sát thần chết ngay trên đường hành quân đầy rẫy cảnh "áo bào thay chiếu anh về đất-sông Mã gầm lên khúc độc hành" mà vẫn thấy khát khao "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi" "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". . .

Một thời như thế  nên về sau "trên đường cái quan" từ Bắc vô Nam, dù phải chứng kiến không biết bao nhiêu là bi thảm bi tráng của cuộc trường chinh mà người ta vẫn tiếp nhận "Cây đàn bỏ quên" như một lẽ tự nhiên ở người nhạc sĩ tài danh Phạm Duy. Bởi lẽ con người hiện thực trần thế và con người nghệ sĩ trong ông là nguyên khối, là một, trong bất kỳ ngữ cảnh nào. " Hôm qua anh đến nhà em, cây đàn còn đó. . ."

Tôi rất biết cuộc đời ông nhiều khúc quanh lịch sử, lắm hệ lụy thăng trầm. Tôi chẳng có gì để nói về điều này vì không có tư cách gì để . . .định luận. Nghĩ cho cùng một thời người Việt "gánh vác lịch sử" chiến tranh, thù hận, phân lìa cũng đã qua gần hai thế hệ người, gần bốn mươi năm. Tôi cũng như biết bao nhiêu người được thêm tuổi trời một ngày là một ngày muốn tâm niệm, muốn thiết tha hát lên thành lời " tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời mẹ già ru những câu xa vời. . . " . Tiếng nước tôi hiểu theo nghĩa rộng, cũng là diện mạo tinh thần Việt, cũng là gương mặt Việt nguyên bản, cho dù "sông có thể cạn núi có thể mòn" . . . ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu