Sơn ta thăng hoa với “Thiên nhiên – Hoài niệm”

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Ba họa sĩ Lý Trực Sơn, Đặng Thu Hương và Nguyễn Thị Quế đã lặng lẽ sáng tác những tác phẩm sơn mài bằng chất liệu sơn ta trong tinh thần mà họ đã tiếp thu từ những bậc thầy xưa. 
Sơn ta thăng hoa với “Thiên nhiên – Hoài niệm” - ảnh 1Buổi khai mạc Triển lãm "Thiên nhiên - Hoài niệm" tại Trung tâm văn hóa Pháp 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tranh sơn mài có khởi nguyên từ những bậc thầy ở trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Từ nhựa cây sơn, một thổ sản quý của thiên nhiên đất Việt, khi gặp gỡ với tư duy mỹ học hiện đại từ phương Tây đã làm phát sinh ra hội họa sơn mài. Trải qua gần một thế kỷ tồn tại và phát triển, nhiều thế hệ họa sĩ Việt đã đóng góp tài năng của mình để tranh sơn mài Việt trở thành giá trị nghệ thuật, được thế giới quan tâm và ghi nhận. Trong triển lãm “Thiên nhiên – hoài niệm”, ba họa sĩ cũng là người bạn đồng môn Lý Trực Sơn, Đặng Thu Hương và Nguyễn Thị Quế đã tìm về chất liệu sơn ta tiếp thu những quy tắc của những bậc thầy xưa đồng thời sáng tạo kỹ thuật của riêng mình.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Đàm Quang Minh chia sẻ: "Vấn đề sáng tạo có tinh thần của thời đại, đồng thời phải có quy tắc của chất liệu. Trong quy tắc các họa sĩ đều tuân thủ quy tắc của các bậc thầy để lại, nhưng vấn đề sắc màu, bố cục của họ là của ngày hôm nay, nó đánh dấu sự phát triển cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam cũng như là sự tiếp nối của tranh sơn mài cổ Việt Nam”.

Sơn ta thăng hoa với “Thiên nhiên – Hoài niệm” - ảnh 2Ba họa sĩ trước giờ khai mạc triển lãm 

Trong triển lãm lần này, người xem có thể nhận ra ngay những tác phẩm của họa sỹ Đặng Thu Hương với những nét riêng trong việc sử dụng màu sắc. Bà chỉ dùng những màu sắc cơ bản trong sơn mài truyền thống như vàng, đỏ, đen, trắng vỏ trứng, nâu cánh gián... Họa sĩ Đặng Thu Hương lớn lên ở Hà Nội nhưng quê gốc của bà ở Lâm Thao Phú Thọ, là vùng đất cổ trồng loại cây sơn ta. Gia đình bà trong nhiều thế hệ trước đã từng có những quả đồi trồng và làm nghề khai thác cây sơn nên bà rất am hiểu về loại thổ sản này.

“Sau này có một xưởng mỹ nghệ của làng, họ vào thu gom sơn. Mình cứ vào học hỏi nên nói chung cũng được biết rất nhiều về sơn. Nếu mình tìm được chỗ có cây sơn tốt, tranh của mình màu sẽ trong hơn, và rất thuận lợi trong lúc mình vẽ. Mỗi người có một cách xử lý không phải ai cũng giống ai cả” - họa sĩ Đặng Thu Hương chia sẻ.

Sơn ta thăng hoa với “Thiên nhiên – Hoài niệm” - ảnh 3Tác phẩm "Hoa phù dung" của họa sĩ Đặng Thu Hương. Bà thường sử dụng màu sắc cơ bản trong sơn mài truyền thống. 
Sơn ta thăng hoa với “Thiên nhiên – Hoài niệm” - ảnh 4Họa sĩ Đặng Thu Hương (áo trắng)  

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Sau này đến thế hệ của họa sĩ Lý Trực Sơn, Đặng Thu Hương và Nguyễn Thị Quế đã kế thừa thành công của bậc đi trước. Họ vẫn sử dụng dòng chủ đạo của sơn ta nhưng thay đổi đĩa màu, tức là thêm vào những màu khác cho sơn mài. Đĩa màu sử dụng năng động hơn, đa dạng hơn để tạo nên vẻ đẹp của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại”.

Sơn ta thăng hoa với “Thiên nhiên – Hoài niệm” - ảnh 5 Tác phẩm "Mùa thu lớn" của họa sĩ Lý Trực Sơn
Sơn ta thăng hoa với “Thiên nhiên – Hoài niệm” - ảnh 6Tác phẩm "Chốn này" của họa sĩ Lý Trực Sơn 

Còn đối với Lý Trực Sơn, ông là một họa sĩ thuận tay trong nhiều chất liệu.Ông tìm lại sơn mài sau cuộc viễn du trên nhiều miền phong cách. "Dù luôn tuân thủ những quy tắc làm màu của nghề sơn nhưng ông đã sáng tạo trong tranh sơn mài của mình một bảng màu có sắc độ vượt ra khỏi biên giới thẩm mỹ Á Đông". Họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng sơn mài đặc biệt cần những người có năng lực và thái độ rõ ràng và hơn hết cần có tình yêu sâu sắc với loại chất liệu này. Có yêu, có say mê mới tìm ra những kỹ thuật cho riêng mình.

“Ba người nếu nhìn kĩ, sẽ thấy có phong cách rất khác nhau, mặc dù trông rất gần gụi, vẽ hiện thực, kỹ thuật của mỗi người khác nhau. Sơn mài nếu như một khi bạn vào với một sự thành thực, với lối của nghệ sĩ, có sự sáng tạo thì dứt khoát bạn sẽ làm được điều gì đó khác đi. Sơn mài cần có sự khác đi luôn luôn, mỗi một người, một thế hệ phải khác đi vì chỉ có sự khác đi thì mới giữ được truyền thống. Chúng ta không thể quan niệm truyền thống là đứng yên, và chúng ta lại chép lại truyền thống. Nghệ thuật đứng lại bất cứ lúc nào thì nó sẽ chết” - họa sĩ Lý Trực Sơn bộc bạch.

Sơn ta thăng hoa với “Thiên nhiên – Hoài niệm” - ảnh 7"Tác phẩm hoa chuối nền tím" của họa sĩ Nguyễn Thị Quế 

Nếu như hai nữ họa sĩ Đặng Thu Hương và Nguyễn Thị Quế thể hiện hết sức tinh tế và nữ tính về đề tài thiên nhiên, hoa cỏ của người Việt được thì họa sĩ Lý Trực Sơn lại đi vào không gian khác. Ông dẫn người xem đến những ký ức bình dị, chân chất của làng quê Việt – nơi khởi nguồn của văn hóa Việt Nam.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Trong sự vàng son rực rỡ của sơn mài, vẫn có độ thâm trầm sâu lắng, và điều ấy đánh thức ký ức của bất kỳ ai khi cảm nhận tác phẩm. Những nghệ sĩ sáng tác có thể không để ý rằng mình làm ra cái việc là tất cả những ký ức đã bị vùi lấp, chôn giấu dưới đáy lại được đánh thức, qua bàn tay của mình lại hiện hữu, làm chủ một bức họa, tạo nên một không gian mở cho bất kỳ ai muốn thưởng thức nó. Câu chuyện đi vào một bức họa tôi rằng chính chất liệu sơn mài đã tạo ra điều bí ẩn ấy”.

Say đắm với chất liệu sơn ta đầy biểu cảm, miệt mài lao động nghệ thuật và bằng tư duy mỹ thuật, ba họa sĩ đã chọn sáng tác tranh sơn màu để thể hiện bản sắc hội họa của mình. Đến với “Thiên nhiên – Hoài niệm” , người xem có lẽ sẽ được đắm mình trong những phút giây yên bình, thư thái mà nói theo như họa sĩ Lý Trực Sơn thì đây là thế giới “rất yên” của mỗi người.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu