Sân khấu dù kê của đồng bào Khmer ở Nam bộ

Lệ Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Sân khấu dù kê của đồng bào Khmer ở Nam bộ ra đời từ những năm đầu thế kỷ 19 là loại hình nghệ thuật tổng hợp, kế thừa nhiều loại hình nghệ thuật hàn lâm và dân gian ở khu vực. Sân khấu dù kê là sản phẩm kết tinh bởi sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc quần cư ở đồng bằng sông Cửu long và là di sản văn hóa minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất này.
(VOV5) - Sân khấu dù kê của đồng bào Khmer ở Nam bộ ra đời từ những năm đầu thế kỷ 19 là loại hình nghệ thuật tổng hợp, kế thừa nhiều loại hình nghệ thuật hàn lâm và dân gian ở khu vực. Sân khấu dù kê là sản phẩm kết tinh bởi sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc quần cư ở đồng bằng sông Cửu long và là di sản văn hóa minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất này.


Sân khấu dù kê của đồng bào Khmer ở Nam bộ - ảnh 1

Đoàn NT Dù Kê Khmer Ánh Bình Minh, Sóc Trăng biểu diễn vở "Anh hùng cứu quốc"
Ảnh theo http://sankhau.com.vn


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Mặc dù có khá nhiều kiến giải về nguồn gốc ra đời nhưng tựu chung đều cho thấy dù kê được hình thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào những thập niên đầu của thế kỷ 19 và chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai loại hình sân khấu gồm tuồng cổ của người Hoa và cải lương của người Kinh. Nhạc sỹ, nghệ sỹ ưu tú Sơn Lương, Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ nhiệm công trình nghiên cứu mang tên “Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu dù kê Nam bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, khẳng định: Sân khấu dù kê  là sản phẩm văn hóa do chính đồng bào Khmer Nam bộ sáng tạo ra trong mối quan hệ giao lưu khăng khít giữa ba dân tộc là Kinh, Hoa và Khmer. Chính vì vậy, chúng tôi muốn bảo tồn và phát huy giá trị loại hình sân khấu này. Mặt khác, bảo tồn các giá trị văn hóa chính là mục tiêu của Đảng, Nhà nước đang phấn đấu và thực hiện. Bởi vì giá trị đời sống văn hóa tinh thần là giá trị không gì thay thế được. Dân tộc mà mất đi văn hóa là mất đi tất cả.


Trong lịch sử phát triển của mình, dù kê đã được những người khởi xướng đưa sang biểu diễn tại Campuchia, trở thành loại hình sân khấu được người dân Campuchia đặc biệt yêu thích, lưu lại và phát triển mạnh trên đất Campuchia cho tới ngày nay. Nhiều nghệ nhân khởi lập các đoàn dù kê đầu tiên trên đất bạn là nghệ sĩ của các gánh hát đến từ Sóc Trăng, Trà Vinh… Nhiều năm nay, những đoàn dù kê của Việt Nam dù là đoàn chuyên nghiệp hay các đội, gánh hát gia đình khi sang biểu diễn tại Campuchia đều được người dân đặc biệt yêu thích. Nghệ sĩ ưu tú Kim Thịnh, trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh diễn tại một số tỉnh trong nước và được Nhà nước phân công đi lưu diễn tại nước bạn Campuchia, tính từ năm 1979 đến nay là 13 lần. Nghệ thuật sân khấu dù kê của Khmer Nam bộ qua nước bạn Campuchia biểu diễn được khán gia rất mến mộ. Thậm chí có những đêm diễn có hàng chục ngàn khán giả xem.


Sân khấu dù kê của đồng bào Khmer ở Nam bộ - ảnh 2

Đoàn NT Dù Kê Khmer Ánh Bình Minh, Sóc Trăng biểu diễn vở "Anh hùng cứu quốc"

Ảnh theo http://sankhau.com.vn

Cùng với sân khấu cải lương, dù kê là sản phẩm văn hóa đáng tự hào của vùng đất Nam Bộ mà đồng bào các dân tộc nơi đây mong muốn lưu giữ, phát triển, giới thiệu rộng rãi với tư cách là một đặc trưng văn hoá của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long.Tại Liên hoan sân khấu dù kê lần thứ nhất, tổ chức tại tỉnh Trà Vinh mới đây, đã thấy có những tín hiệu vui về điều này khi chỉ cần một nhạc trưởng tập hợp là các đoàn đều có thể nhanh chóng tìm được diễn viên, dựng vở và hào hứng tham gia Liên hoan. Để đào tạo diễn viên sân khấu dù kê theo nhu cầu của các địa phương, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh đã mở thử nghiệm lớp diễn viên sân khấu dù kê đầu tiên với 26 học viên tiêu biểu. Bà Lê Thị Mỹ Hà, Hiệu Trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh, cho biết: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ có chương trình dạy chung cho nhóm ngành là kịch hát dân tộc chứ không có riêng loại hình sân khấu dù kê. Khi chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo ngành nghệ thuật biểu diễn dù kê thì phải phối hợp giữa chương trình của Bộ Văn hóa và một số môn mới cho phù hợp. Khi  đưa vào giảng dạy chương trình này thì các em học rất tốt, kỹ thuật biểu diễn cũng rất tốt và các em rất đam mê. Đoàn sân khấu dù kê Ánh Bình Minh cũng tạo điều kiện cho các em ở tại đoàn luôn.


Một cuộc hội thảo về sân khấu dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ cũng vừa được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh nhằm tập hợp được tiếng nói chung của các nhà khoa học cho việc làm hồ sơ trình Uỷ ban Văn hoá, Khoa học, Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận dù kê là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Không đợi việc lập hồ sơ về sân khấu dù kê hoàn thành và cho dù nó có được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể hay không thì trước mắt những người làm công tác văn hóa vẫn đang tích cực bảo tồn loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo này. Quan điểm chung từ phía lãnh đạo ngành văn hóa, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ, nghệ nhân đồng bằng sông Cửu Long là coi dù kê như tài sản văn hóa địa phương, ý nghĩa rộng hơn là của dân tộc và quốc gia để mọi người cùng có ý thức trân trọng, gìn giữ nó./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu