Ra mắt "Hoàng tử bé" lần đầu tiên có bản quyền chính thức tại Việt Nam

Thu Quân (CTV)
Chia sẻ
(VOV5) - Hoàng tử bé là một cuốn sách đã khá quen thuộc với tất cả những người yêu văn học tại Việt Nam và có những bản dịch đầu tiên xuất hiện từ năm 1966. Đến năm 2013 này, nhân dịp 70 năm Hoàng tử bé ra đời, cuốn sách Hoàng tử bé lần đầu tiên được Gallimard chính thức chuyển nhượng bản quyền tại Việt Nam ra mắt bạn đọc trong nước. Đây là một bản dịch hoàn toàn mới, được xuất bản với hy vọng sẽ góp phần làm phong phú thêm việc dịch và tiếp nhận tác phẩm quan trọng này với các thế hệ độc giả.

(VOV5) - Hoàng tử bé là một cuốn sách đã khá quen thuộc với tất cả những người yêu văn học tại Việt Nam và có những bản dịch đầu tiên xuất hiện từ năm 1966. Đến năm 2013 này, nhân dịp 70 năm Hoàng tử bé ra đời, cuốn sách Hoàng tử bé lần đầu tiên được Gallimard chính thức chuyển nhượng bản quyền tại Việt Nam ra mắt bạn đọc trong nước.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách này, trong khuôn khổ Ngày Văn học châu Âu, Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace tại Hà Nội tổ chức sự kiện ra mắt sách từ 09h00 – 16h00 ngày 18 tháng 05 năm 2013 với các hoạt động: Triển lãm tranh in và tranh minh hoạ về Hoàng tử bé; Giao lưu ra mắt cuốn sách và bản dịch mới của Nhã Nam; thi đọc diễn cảm và diễn kịch dành cho độc giả trẻ

Antoine de Saint – Exupéry sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900 tại Lyon, Pháp. Từ thời thơ ấu, cậu bé Antoine đã nuôi dưỡng niềm say mê bất tận với máy bay. Dù kết quả học tập chỉ ở mức trung bình nhưng cậu bé rất thích viết lách và từng đoạt giải  trong cuộc thi kể chuyện thời trung học.

Năm 1917, Saint-Exupéry lấy bằng tú tài nhưng thi trượt vào trường Hải quân. Sau đó ông thực hiện nghĩa vụ quân sự tại một trung đoàn Không quân ở Strasbourg, rồi Casablanca. Sau vụ tai nạn máy bay vào năm 1923, ông giải ngũ và chỉ lái máy bay trở lại vào năm 1926 với công việc chuyên chở thư tín qua lại giữa Toulouse và Dakar. Chính trong thời gian này ông xuất bản cuốn sách đầu tay L’aviateur (Phi công). Tiếp đó là “Courrier du Sud” (Thư phương Nam), “Vol de nuit” (Bay đêm) và đặc biệt, “Terre des hommes” (Xứ con người) giành Giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp năm 1939.

Trong thế chiến thứ hai, ông đã cố đăng ký làm phi công chiến đấu nhưng do nhiều lần bị tai nạn và sức khỏe suy giảm, ông chỉ được xếp ở lực lượng dự bị và đảm trách những nhiệm vụ nhẹ nhàng. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, ngày 31 tháng Bảy năm 1944, máy bay của ông mất tích trên không phận Địa Trung Hải. Saint-Exupéry được công nhận là “Hy sinh vì nước Pháp”.

Hoàng tử bé là một cuốn sách kỳ lạ được viết bởi một tác giả kỳ lạ: ông không phải là một nhà văn, mà là một nhà văn – phi công. Hoàng tử bé được viết ở New York trong những ngày tác giả sống lưu vong và được xuất bản lần đầu tiên tại New York vào năm 1943, rồi đến năm 1946 mới được xuất bản tại Pháp. Không nghi ngờ gì, đây là tác phẩm nổi tiếng nhất, được đọc nhiều nhất và cũng được yêu mến nhất của Saint-Exupéry. Cuốn sách được bình chọn là tác phẩm hay nhất thế kỉ 20 ở Pháp, đồng thời cũng là cuốn sách Pháp được dịch và được đọc nhiều nhất trên thế giới. Với 250 ngôn ngữ dịch khác nhau kể cả phương ngữ cùng hơn 200 triệu bản in trên toàn thế giới, Hoàng tử bé được coi là một trong những tác phẩm bán chạy nhất của nhân loại. 

Có thể nói, mặc dù được viết bằng một ngôn ngữ giản dị, dí dỏm, giàu chất thơ, hướng về tuổi thơ, nhưng Hoàng tử bé, trong sâu xa, lại là một cuốn sách đầy triết lý, suy tư dành cho người lớn. Trong thế giới sách vở, cũng khó có tác phẩm nào lại mở rộng phổ đọc về cả tuổi trẻ lẫn tuổi già thành công được như Hoàng tử bé. Tuổi trẻ đọc nó để nuôi mộng bình sinh, còn tuổi già đọc nó để ngấm nỗi nhân sinh.

Với những trang viết dịu dàng khó tả, cùng những bức vẽ màu nước nên thơ quá đỗi, Hoàng tử bé thực sự là một áng văn chương bất hủ chạm tới bề sâu của tâm hồn con người, một bài thơ thâm trầm u uẩn nhắc nhở về một thế giới khô cằn, đơn điệu, đáng chán, xa lạ và phi lý của người lớn. 

Ở Việt Nam, Hoàng tử bé được dịch và xuất bản khá sớm. Từ năm 1966 đã có  đồng thời hai bản dịch: Hoàng tử bé của Bùi Giáng do An Tiêm xuất bản và Cậu hoàng con của Trần Thiện Đạo do Khai Trí xuất bản. Từ đó đến nay đã có thêm nhiều bản dịch Hoàng tử bé mới của các dịch giả khác nhau. Bản dịch Hoàng tử bé lần này, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hoàng tử bé ra đời, cũng là ấn bản đầu tiên được Gallimard chính thức chuyển nhượng bản quyền tại Việt Nam, hy vọng sẽ góp phần làm phong phú thêm việc dịch và tiếp nhận tác phẩm quan trọng này với các thế hệ độc giả./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu