Phim tài liệu Việt Nam – khi công chúng đã đổi thay

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Công chúng Việt Nam đã từng rất quan tâm đến phim tài liệu.

Phim tài liệu Việt Nam hiện nay, ngoài dòng chính của các hãng phim nhà nước và VTV thực hiện, còn có một lực lượng làm phim đáng chú ý từ các nhà làm phim tài liệu độc lập. Tuy nhiên, nếu những phim độc lập có những phim đã phát hành ở rạp, thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng, thì với đa số những phim tài liệu của các hãng nhà nước, bài toán khán giả còn là lời giải khó khăn.

Trong những ngày Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 diễn ra, bộ phim tài liệu độc lập Đi tìm Phong của đạo diễn Trần Phương Thảo đã bắt đầu phát hành tại các rạp phim ở Pháp. Đạo diễn phim tài liệu Đoàn Hồng Lê cho biết: “Đây là một tin rất vui cho điện ảnh Việt Nam, lần đầu tiên có một bộ phim tài liệu Việt Nam ký được hợp đồng phát hành chuyên nghiệp ở một nền điện ảnh lớn như Pháp, cho một công chúng khắt khe như công chúng Pháp.”

 Phim tài liệu Việt Nam – khi công chúng đã đổi thay - ảnh 1Ảnh: Dự án phim tài liệu “Những lời cuối cùng của cha tôi” của đạo diễn Đoàn Hồng Lê (Trung tâm THVN tại Đà Nẵng) cùng với 6 dự án khác từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Campuchia được chọn trao giải thưởng trong hạng mục “Dự án phim tài liệu dài” tại Liên hoan phim quốc tế DMZ lần thứ 7 diễn ra tại Hàn Quốc năm 2015. - Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Theo nhà làm phim tài liệu độc lập Đoàn Hồng Lê, đạo diễn phim tài liệu của VTV, trong khoảng 10 năm trở lại đây, điện ảnh tài liệu có thêm sự xuất hiện của những người làm phim độc lập; “Không bị gò bó về đề tài, cách nhìn hay cách thể hiện nhưng những người làm phim độc lập lại gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên họ vẫn dấn thân với niềm đam mê làm phim. Họ viết dự án, tìm kiếm nguồn tài trợ từ các quỹ điện ảnh nước ngoài, làm phim rồi gửi đến các liên hoan phim quốc tế, đã có một số phim được giải thưởng, được mời tranh giải hoặc giới thiệu ở các liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới.

DocFest Hà Nội vừa tổ chức hồi giữa tháng 12 là một liên hoan phim của những nhà làm phim độc lập Việt nam. Dù quy mô nhỏ, dù không trao giải, phòng chiếu hẹp, không truyền thông bằng sự kiện và pano khẩu hiệu trên đường phố mà chỉ qua mạng xã hội, DocFest vẫn thu hút được nhiều bộ phim hay, đa dạng và người đến xem phim khá đông, phần lớn là người trẻ và người nước ngoài. Được như vậy là nhờ DocFest đề cao tinh thần tự do, sáng tạo, đột phá, không bị gò bó trong đề tài và cách kể chuyện.”

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê trăn trở: “Tuy thế phim tài liệu độc lập cho đến hiện tại vẫn dường như chỉ là một mạch ngầm nho nhỏ âm thầm chảy bên cạnh dòng chính. Tôi chỉ mong mạch ngầm này có thể hoà vào dòng chính để thật sự tạo ra một sức bật mới cho điện ảnh tài liệu của chúng ta, mà muốn vậy cần phải cởi bỏ rất nhiều định kiến.”

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê nhớ lại, khi nói đến công chúng của phim tài liệu Việt Nam, người ta vẫn còn nhắc đến thời người người kéo nhau đến rạp xem các bộ phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế của Đạo diễn Trần Văn Thuỷ.

“Nó là một chỉ dấu rằng công chúng Việt Nam đã từng rất quan tâm đến phim tài liệu. Và sau vài chục năm phim tài liệu hoàn toàn vắng bóng ở các rạp chiếu bóng thì vào năm 2015, bộ phim tài liệu độc lập Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm do công ty Blue Production phát hành đã là một hiện tượng tại các phòng vé. 40 ngàn đồng/vé, phát hành tại hai thành phố lớn Hà Nội và HCM, bộ phim đã nhận được đánh giá cao của dư luận và báo chí với 30 ngàn lượt người xem.

 Phim tài liệu Việt Nam – khi công chúng đã đổi thay - ảnh 2Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm (giữa) và hai thành viên trong đoàn lô tô, cũng là hai nhân vật trong phim. Người đang trang điểm trên poster là trưởng đoàn Bích Phụng, chị đã qua đời chỉ vài tháng sau khi phim đóng máy. - Ảnh: Blue Production  

Tiếp sau đó, bộ phim Lửa Thiện Nhân của đạo diễn Đặng Hồng Giang cũng ra rạp, giá vé 70 ngàn/vé tại 3 thành phố lớn, đã có 15 ngàn lượt người xem. Tôi nghĩ đây là những con số mà bất cứ ai làm phim tài liệu cũng đều mơ ước cho bộ phim của mình. Chỉ dựa trên hai bộ phim sản xuất độc lập này mà nói về nhu cầu thưởng lãm của công chúng Việt Nam thì có thể quá phiến diện, tuy nhiên nó cũng gợi được cho chúng ta một hướng mở cho các nhà làm phim tài liệu, nếu muốn đưa phim của mình đến với khán giả.”

Đoàn Hồng Lê kể, bà vừa trở về từ hai liên hoan phim của Đức là liên hoan phim Leipzig và liên hoan phim Cottbus. Cả hai LHP đều là những LHP uy tín, hàng năm nhận được hàng ngàn bộ phim từ khắp nơi trên thế giới gửi đến tham gia:

“Trong suốt tuần lễ LHP, phim tài liệu được chiếu từ 10h sáng đến 12h đêm, đồng loạt trên khoảng 10 rạp phim. Giá vé 10-12 euro/vé, vậy mà suất chiếu nào cũng gần như kín rạp. Công chúng xếp hàng đi xem phim tài liệu, sau khi chiếu thì ngồi lại thảo luận sôi nổi với đạo diễn, tìm hiểu đến ngọn ngành quá trình làm phim, những câu chuyện đằng sau mà bộ phim không nói hết.

Đặc biệt, khán giả trẻ tuổi từ 40 trở xuống chiếm 2/3, một tỷ lệ người xem đáng mơ ước đối với bất kỳ một cộng đồng nào, bởi nó cho thấy khi người trẻ quan tâm đến chính trị, xã hội, văn hoá và nghệ thuật thông qua phim tài liệu, thì cộng đồng ấy đã có được một nền tảng thẩm mỹ và nhân văn vững chắc, và trong tương lai sẽ được dẫn dắt bởi những tư duy sáng tạo, cởi mở, cấp tiến và nhân văn.”

Vì sao phim tài liệu được khán giả quan tâm như vậy? Theo đạo diễn Đoàn Hồng Lê: “vì khi đó, phim tài liệu chính là tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội một cách trung thực, quyết liệt, thẳng thắn, người làm phim đi đến tận cùng bản năng sáng tạo nghệ thuật của cá nhân nên tác phẩm gặp gỡ được công chúng. Công chúng nhìn thấy mình trong phim, nhìn thấy những câu hỏi của đời sống chính mình được đặt ra và trả lời trong phim nên công chúng tìm đến.

Các nhà làm phim không né tránh bất cứ một đề tài nào, không có gì là cấm kỵ, liên tục phá vỡ, đào xới, lật tung những gì tưởng đã chắc chắn đã ổn định để tìm kiếm con đường mới cho tư tưởng con người. Phim tài liệu khiến cho người ta suy tư và tiếp tục đi tìm những câu trả lời mới cho cuộc sống. Phim tài liệu có một đời sống song song bên cạnh sự vận động của xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội.”

Và đạo diễn Đoàn Hồng Lê trăn trở, khi cuộc sống hiện đại đã có quá nhiều thay đổi, khán giả của ngày hôm nay đã khác ngày hôm qua, đến bao giờ những người làm phim tài liệu Việt mới có được một cộng đồng yêu mến phim tài liệu đến chừng ấy, và bao giờ phim tài liệu Việt Nam chiếm được một vị trí trong lòng người xem đến vậy?

Khi mà hiện nay, “chiếm số lượng nhiều nhất trong các kỳ liên hoan phim quốc gia, vẫn là phim của hai hãng phim TLKHTƯ, hãng phim Quân đội và VTV, với nội dung phim phần nhiều rất nặng tính tuyên truyền” đạo diễn Đoàn Hồng Lê chia sẻ mong muốn: "kêu gọi các nhà làm phim độc lập gửi phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam; trao giải cho những bộ phim đầy tính sáng tạo trong thể hiện, mới mẻ trong cách nhìn; vinh danh sự can đảm, tiên phong và dấn thân… có như vậy phim tài liệu của Việt Nam mới tìm lại được chỗ đứng trong lòng công chúng."

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu