Nỗ lực vực dậy cải lương

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Trải qua những cuộc thăng trầm, bộ môn nghệ thuật cải lương cho đến nay đã có gần 100 tuổi. Dù gặp nhiều khó khăn, nhiều nghệ sĩ cải lương vẫn đang ngày đêm nỗ lực để vực dậy bộ môn này. 

 

Nỗ lực vực dậy cải lương - ảnh 1 NSƯT kim Tử Long và công việc tay trái phục vụ cho nghề nghiệp cải lương

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhắc đến những khó khăn của sân khấu cải lương hiện nay, có lẽ điều đầu tiên trong lòng mỗi người nghệ sỹ chính là hiện trạng của sân khấu. Để xem cải lương truyền thống, khán giả Sài Gòn chỉ có thể đến nhà hát Trần Hữu Trang nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng dường như cơ sở vật chất của nơi này không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết trong hoạt động tổ chức biểu diễn của nhà hát.

NSƯT Kim Tử Long tâm sự: “Sân khấu cải lương phải có nhà hát mới hoạt động được. Hiện nay không có nhà hát. Mới chỉ có nhà hát  trên đường Trần Hưng Đạo mới đi vào hoạt động, nhưng nhìn chung rạp đó không thể đáp ứng nhu cầu sân khấu. Hiện nay để có những vở hay, dựng hoành tráng hoặc có những vở kết hợp được sân khấu hiện đại và sân khấu dân tộc, mà đang chỉ dừng lại ở mức chỉ là một sân khấu tạp kỹ bé. Theo xu hương hiện đại sân khấu cần đổi mới nhiều hơn, những cái hay hơn, đẹp hơn và bắt mắt hơn, các vở diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng hơn”

Sân khấu nhỏ, máy móc kỹ thuật không được nâng cấp, nghệ sĩ cũng không có cơ hội để dàn dựng những vở diễn công phu, họa sĩ thiết kế không có có cơ hội được thỏa sức tung hoành… dẫn đến hệ lụy những vở cải lương truyền thống không còn hấp dẫn và vắng bóng khán giả vô cùng. Nhiều nghệ sĩ cải lương vì cuộc mưu sinh mà phải làm nhiều nghề khác, coi như là… lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải. Thế nhưng trong lòng họ vẫn đau đáu một nỗi niềm lo lắng cho sân khấu cải lương.

NSƯT Hữu Quốc, một nghệ sĩ chuyên đóng các vai kép lão, bộc bạch: “Trong lúc cải lương khó khăn, chẳng lẽ mình ngồi ở nhà để mình chờ thời, mình phải lăn xả, tìm đất sống. Mình phải tìm và nuôi dưỡng dần niềm khát khao trở lại. Để rồi từ những đêm diễn ở sân khấu kịch, đêm tôi làm MC, dàn dựng, đạo diễn ở các gameshow, những điều kiện đó tôi góp nhặt tôi mang về làm cho sân khấu cải lương”.

Cũng có những người như NSƯT Kim Tử Long, mở cho mình một nhà hàng nho nhỏ rồi từ đó lấy đó làm vốn thực hiện cho những dự án xã hội hóa bộ môn nghệ thuật cải lương. “Hiện nay chỉ Kim Tử Long muốn làm cho cải lương sống dậy cũng không được. Chỉ có mình đang ấp ủ làm những chương trình mang tính chất cá nhân, ngắn hạn. Ví dụ chương trình ngôi sao phương Nam đưa cải lương ra miền Bắc, hoặc chương trình Về lại cội nguồn hát hàng tháng tại rạp công nhân, hoặc những kịch bản kinh điển của sân khấu cải lương tập hợp hát được 1,2 đêm rồi lại cất vào”

Cũng với ý tưởng xã hội hóa bộ môn nghệ thuật này, soạn giả Hoàng Song Việt, âm thầm 2 năm nay đi về giữa TP.HCM và Cần Thơ để quán xuyến chương trình "Hòa điệu đất chín rồng", phát trực tiếp 1 tháng 1 số trên trên kênh VTV5 và VTV9. Anh mong muốn tạo đất diễn cho lực lượng kế thừa đồng thời tạo chất xúc tác để sân khấu cải lương vẫn luôn sáng đèn trong lòng công chúng.

Nỗ lực vực dậy cải lương - ảnh 2 NSƯT Hữu Quốc và lớp cải lương thế hệ măng non

Có lẽ mỗi nghệ sĩ đều có những trăn trở riêng nhưng đều chung một mục tiêu làm sao để vực dậy môn nghệ thuật đang. Tập trung chăm lo cho cải lương thế hệ măng non là lựa chọn của NSƯT Hữu Quốc. Trong hơn 1 năm trở lại đây, nghệ sĩ Hữu Quốc. Vào tháng 7 vừa qua, anh còn giúp đỡ cậu bé Quách Phú Thành, một “thần đồng cải lương nhí” tổ chức một minishow tại rạp Công nhân. Cho đến nay, bước đường hoạt động nghệ thuật của cậu bé và các tài năng nhí cùng trang lứa đều có sự hỗ trợ của “ông Năm” Hữu Quốc.

Anh tâm sự: “Những bé mà tôi chăm chút tôi đều mang một niềm tin là các bé sẽ mãi đam mê với bộ môn nghệ thuật cải lương. Và những nghệ sĩ như chúng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy cho các bé. Một ngày nào đó, nếu như để Sài Gòn mất đi cải lương thì đó là một cái tội rất lớn đối với những người đã được công chúng, đồng nghiệp tin tưởng giao phó”

Dù vậy, nỗ lực của các nghệ sĩ đều đang là tự phát. Những người nghệ sĩ rất cần sự tiếp sức của các nguồn lực để nâng cao chất lượng chương trình và thu hút khán giả. Thực tế cho thấy, muốn sống dậy cải lương không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt đòi hỏi sự đồng thuận của các nghệ sĩ và các cấp lãnh đạo.

NSƯT Kim Tử Long bày tỏ: “Tôi mong lãnh đạo thành phố sẽ nhìn thấy và giúp cho sân khấu cải lương vực dậy sáng đèn hàng đêm. Khán giả đang chờ sự lắng nghe của các cấp lãnh đạo để khi các cấp lãnh đạo đầu tư cho cải lương họ đầu tư đúng chỗ, quan tâm đúng mức để sân khấu cải lương có được những tác phẩm đích thực, các đạo diễn nghệ sĩ tâm huyết họ có chỗ để cống hiến cuộc đời nghệ thuật của họ”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu