Nhóm trẻ chơi nhạc ngũ âm ở chùa Dơi

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5)_ Cách thành phố Sóc Trăng 3km về hướng Đông Nam, chùa Dơi  hay còn gọi là chùa Mahatúp, chùa Mã Tộc, là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo nam tông Khmer Nam Bộ. Chùa Dơi độc đáo ở điểm trong khuôn viên rộng trên 3ha là nơi đàn dơi trú ngụ từ nhiều năm nay. Đặc biệt vào ngày cuối tuần, đến chùa Dơi, khách vãn cảnh còn được thưởng thức nhạc ngũ âm do các em học sinh biểu diễn.
(VOV5)_ Cách thành phố Sóc Trăng 3km về hướng Đông Nam, chùa Dơi  hay còn gọi là chùa Mahatúp, chùa Mã Tộc, là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo nam tông Khmer Nam Bộ. Chùa Dơi độc đáo ở điểm trong khuôn viên rộng trên 3ha là nơi đàn dơi trú ngụ từ nhiều năm nay. Đặc biệt vào ngày cuối tuần, đến chùa Dơi, khách vãn cảnh còn được thưởng thức nhạc ngũ âm do các em học sinh biểu diễn.

Nhóm trẻ chơi nhạc ngũ âm ở chùa Dơi - ảnh 1

Nhấn để nghe âm thanh phóng sự:



Âm thanh mà quý vị và các bạn đang nghe là một bản nhạc ngũ âm do các em học sinh ở mọi lứa tuổi người Khmer biểu diễn. Đang nghỉ hè nên các em học sinh đến chùa chơi nhạc thay vì chỉ đến thứ 7 và chủ nhật như trong năm học. Bạn lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất mới có 6 tuổi ngồi bên bộ nhạc cụ ngũ âm chơi say sưa. Đỗ Minh Dương 15 tuổi, học lớp 7 chăm chú chỉ từng bước cho các em nhỏ: Ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần đến chùa đánh phục vụ cho khách. ở đây cũng có thầy dạy. Ở đây có mấy em này thì mới tập còn mấy bạn lớn mới là chính. Bản vừa rồi có tên là âm tu là bản nhạc buồn dùng trong đám hiếu.

Mới học chơi nhạc ngũ âm một năm nhưng Dương vẫn là người chơi thành thục nhất trong nhóm. Em biết chơi tất cả các loại nhạc trong dàn nhạc ngũ âm.


Nhóm trẻ chơi nhạc ngũ âm ở chùa Dơi - ảnh 2


Dàn nhạc ngũ âm được cấu tạo bởi 5 chất liệu, là Gỗ-Đồng- Sắt-Da và Hơi. Trống sam phô là loại trống có hai mặt được bịt bằng da bò. Khi sử dụng, người chơi dùng cả hai tay vỗ vào mặt trống để tạo ra âm thanh.  Nhạc cụ Rônek gồm có 26 thanh gỗ hoặc bằng tre hình chữ nhật, được ghép lại với nhau thành một xâu dài. Khi sử dụng, nhạc công dùng hai cây dùi gỗ gõ nhẹ trên các thanh tre để tạo ra âm thanh. Nhạc cụ Rônek thúng là loại nhạc cụ có âm trầm được cấu tạo như Rônek, nhưng chỉ có 16 thanh. Khi sử dụng, nhạc công cũng dùng 2 dùi gỗ. Nhạc cụ Chhling của đồng bào Khmer được cấu tạo gần giống với thanh la của người Kinh. Sro Lay là loại dàn kèn được làm bằng tre, riêng ống kèn phải làm bằng gỗ quý. Dàn Pưn Piết còn có dàn cồng nhỏ, bao gồm 16 quả nhỏ có núm, được làm bằng đồng. Dàn cồng này được xâu lại và đặt trên một giá đỡ bằng mây, hình bán nguyệt. Người đánh cồng ngồi trong vòng cong đó, dùng 2 dùi có bọc da để gõ. Trong số các loại nhạc cụ thì Rônek được xem là loại nhạc cụ chủ đạo, nó còn có vai trò dồn bè.

Nhóm trẻ chơi nhạc ngũ âm ở chùa Dơi - ảnh 3

Dàn nhạc ngũ âm có thể nói là dàn nhạc đạt đến mức độ hoàn chỉnh và ổn định nhất về âm thanh. Nó không chỉ thể hiện một cách sắc nét đối với các giai điệu nhạc cổ mà nó còn diễn ra được những tiết tấu dân gian và cả những nhạc mới. Tuy nhiên các em học sinh Khmer mới chỉ chơi ở mức độ dễ. Em Dương Văn Ninh, 12 tuổi, được các anh chị kéo đến chùa học nhạc thì háo hức lắm: Con học mới 2 tuần. Học được 3 bài. Khó lắm đánh. Một buổi tối đánh một khúc, sáng sớm đánh một khúc nữa là được một bài.

Dàn nhạc ngũ âm gắn bó mật thiết với người dân trong cả cuộc sống hàng ngày. Mọi tâm tư tình cảm lúc vui cũng như lúc buồn đều được thể hiện qua từng nốt nhạc. Người chơi nhạc ngũ âm không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp mà đều là những người nông dân bình thường nhất. Hình ảnh các em nhỏ ngồi chơi nhạc ngũ âm một cách giản dị đã nói lên được sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này. Em Dương cho biết: Em học được hơn 50 chục bài. Các em học tiếp thu cũng được, học cũng mau. Mình học được một bài thì mấy bài sau thì dễ.

Nhạc ngũ âm gắn bó với người Khmer trong mọi niềm vui, nỗi buồn. Từ lúc sinh cho đến khi về với trời đất, nhạc ngũ âm là một phần không thể thiếu trong đời sống.  Bản thân mỗi người dân Khmer đều ý thức được việc phải làm gì để gìn giữ âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Vì thế không chỉ ở chùa Dơi mà nhiều ngôi chùa Khmer ở Sóc trăng đều thành lập câu lạc bộ nhạc ngũ âm, rồi mở lớp dạy chơi nhạc miễn phí. Chính các em là mạch nguồn tiếp tục nuôi dưỡng âm nhạc để nhạc ngũ âm của người Khmer mãi ngân vang trong các phun sóc hòa vào nhịp thở của cuộc sống hiện đại./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu