Nhà thư pháp Ô Dân Phát và những nét bút tài hoa vẽ lại "Nhật ký trong tù"

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều tác phẩm của nhà thư pháp Ô Dân Phát nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Đặc biệt, ông có những bức thư pháp thể hiện những trang thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trao tặng cho Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh, cũng như Bến Nhà Rồng.
(VOV5) - Nhiều tác phẩm của nhà thư pháp Ô Dân Phát nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Đặc biệt, ông có những bức thư pháp thể hiện những trang thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trao tặng cho Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh, cũng như Bến Nhà Rồng.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:

            

  

Là người Trà Vinh gốc Hoa, quê ở huyện Trà Cú, nhà thư pháp Ô Dân Phát vốn là một doanh nhân thành đạt. Nhưng sự yêu thích thư pháp từ thuở nhỏ đã khiến ông tìm tòi học hỏi sâu sắc về chữ Hán, rồi tự học thư pháp để rồi sau này thư pháp thực sự thành niềm đam mê lớn, thành cái nghiệp của cuộc đời.. Những bức thư họa đầy chất nghệ thuật của ông rất thu hút người yêu loại hình nghệ thuật này. Trong một triển lãm thư pháp của Hà Nội, bạn Thanh Hà, một sinh viên ngành Hán Nôm đã bày tỏ: “Những bức thư pháp của bác Ô thực sự là nét bút rất bay bổng, càng ngắm thì lại càng thấy đẹp.”

Nhà thư pháp Ô Dân Phát và những nét bút tài hoa vẽ lại "Nhật ký trong tù" - ảnh 1
Nhà thư pháp Ô Dân Phát và tác phẩm thư pháp đoạn trích bản dịch Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Làm Điền/ Báo Tuổi trẻ

Hiện nhà thư pháp Ô Dân Phát tham gia hoạt động nghệ thuật tại Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc TPHCM và là Ủy viên Thường vụ Chi hội Thư pháp thành phố. Ông từng tham gia nhiều cuộc triển lãm thư pháp trong nước. Nhiều bức thư pháp của ông được in trong sách thư pháp quốc tế của 12 quốc gia…Bộ thư pháp mà ông trao tặng cho Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, huyện Trà Vinh năm 2013 gồm 12 bài thơ được tuyển chọn từ tập thơ “Nhật ký trong tù” và 6 câu dẫn trích lời Bác Hồ có tính chất giáo dục cán bộ, Đảng viên, chiến sĩ, nhân dân cùng với ba bài thơ bằng chữ Hán của Bác đã viết trong thời gian lãnh đạo đất nước. Bộ thư pháp đã được nhà thư pháp Ô Dân Phát thể hiện bằng bút pháp đầy trí tuệ và uy lực. Ông kể lại: “Ban đầu tôi chỉ có ý định viết đôi ba bài trong "Nhật ký trong tù" theo ý mình. Nhưng sau được sự động viên của Ban liên lạc Hội đồng hương Trà Vinh, tôi quyết định thực hiện toàn bộ tập thơ Nhật ký trong tù của Bác bằng thư pháp".  “Khi viết thư pháp tôi thường lựa những câu của tiền nhân mang tính chất giáo dục, mang tính chất đạo đức để viết lại, để động viên khuyến khích. Khi tôi viết thư pháp Nhật ký trong tù, những bức đầu tiên viết cho Trà Vinh quê hương, thì ở Trà Vinh có đền kỷ niệm Bác Hồ, trải qua nhiều thời gian chiến tranh bị địch phá lại được làm lại. Đó là ý chí của người dân và lòng kính trọng đối với Bác Hồ. Vì thế được sự động viên của các đồng hương Trà Vinh, là “anh đã viết được thư pháp từ thơ của Bác Hồ, anh chuyển sang những bài thơ khác để tặng lại cho quê hương, tặng lại cho đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh, để mai sau con cháu nhìn nó nhớ, nó biết". Đó là lý do viết để tặng cho Trà Vinh. Còn sau cũng với sự động viên của Ban giám đốc Bến Nhà Rồng, họ yêu cầu tôi viết tặng cho nơi kỷ niệm Bác Hồ ra đi. Tôi viết khoảng 30 bài Nhật ký trong tù. Làm được việc đó trước tiên là lòng kính trọng của tôi đối với Bác Hồ, đối với văn học của Bác và trình độ của Bác Hồ về Hán học”

Ông cho biết đã đọc, nghiên cứu hàng ngàn trang lịch sử thư pháp của nhiều nước để chọn ra cách thể hiện phù hợp với mỗi bài thơ của Bác: “Tôi thấy trong thơ Bác Hồ thực sự thể hiện nhân cách của Bác lúc bấy giờ cho đến sau này, đúng như tinh thần của Bác khi còn sống. Thơ của Bác là người Việt Nam mà lại sử dụng chữ Hán rất chính xác, nhất là những cái thâm thúy trong bài thơ. Nếu chúng ta biết chữ Hán thì chúng ta mới biết bài "Chiết tự", tạm dịch là "Chơi chữ" của Bác, tâm trạng lúc bấy giờ mà Bác dùng được mấy chữ đó để chơi chữ để chiết tự, phân tích chữ, dùng chữ ví dụ như Tù nhân xuất ngoại hoặc vi quốc. Vì chữ “tù” là bốn bức tường có con người trong đó, nhưng con người khi đi ra rồi thì trở thành con người vì nước, thêm chữ “hoặc” vô thì lại thành chữ “quốc”. Tôi cảm nhận tại sao đang ở trong tù mà Bác lại có một tâm trạng thanh thản để mà viết được những câu như thế, tôi rất mến phục. Và cũng như Bác viết bài Đi đường. Đi đường mới biết gian lao. Mà Bác viết nguyên văn chữ Hán là “Tẩu lộ tài chi tẩu lộ nan. Trùng sơn chi ngoại hựu trùng sơn. Trùng sơn đăng đáo cao phong hậu. Vạn lý dư đồ cố miện gian.” Đọc cái đó tôi cảm thấy được Bác rất sâu sắc, nhắc nhở cho chúng ta ý chí, trong cuộc đời của chúng ta nhiều gian nan lắm, không phải một cái gian nan này rồi lại hết. Nhưng ta phấn đấu vượt lên được mới lên tới đỉnh cao. Khi lên đến đỉnh cao ta mới thấy giang sơn gấm vóc như thế nào. Tôi thấy Bác viết nhiều bài thơ hay lắm. Thành ra tôi từ mến phục trình độ văn hóa chữ Hán của Bác, mới nảy sinh ý muốn viết lại bằng thư pháp.


Chưa bao giờ quản tuổi đời đã cao, nhà thư pháp Ô Dân Phát vẫn thường trực tiếp tham gia những triển lãm thư pháp trong Nam, ngoài Bắc đến nước ngoài. Cũng đã có câu lạc bộ thư pháp của những người yêu mến ông. Nhà thư pháp Ô Dân Phát nói, niềm vui gặp được những người tri âm tri kỷ, hiểu được những tâm tình trao gửi lại qua những nét thư pháp, là động lực để ông tiếp tục tìm những tác phẩm hay để viết lại và chia sẻ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Lai Hoàng Anh
Bác có nhớ con ko?
Ô Mỹ Phương
Tự hào về ba.