Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn “Việt Nam đang bỏ qua cơ hội để có không gian tốt cho nghệ thuật đương đại“

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Đằng sau sự phát triển của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam là những câu chuyện và nỗi trăn trở làm thế nào để nghệ thuật đương đại có được cơ hội phát triển đúng hướng.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn “Việt Nam đang bỏ qua cơ hội để có không gian tốt cho nghệ thuật đương đại“ - ảnh 1Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn. - Ảnh: nhân vật cung cấp.

Việt Nam là một thị trường nghệ thuật đương đại phát triển nhanh chóng trong 10 năm qua với thế hệ nghệ sĩ đương đại mới, luôn nỗ lực tận dụng các cơ hội làm việc với các nghệ sĩ và tổ chức nước ngoài để loại hình nghệ thuật này gắn bó hơn với đời sống của cộng đồng. Tuy nhiên đằng sau đó vẫn là những câu chuyện và nỗi trăn trở làm thế nào để nghệ thuật đương đại có được cơ hội phát triển đúng hướng.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên khoa hội hoạ trường Đại học Mỹ thuật trả lời phỏng vấn về những đặc điểm và hướng đi của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Ngoài các triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn là giám tuyển một số dự án nghệ thuật đương đại nổi bật gắn kết với công chúng gần đây như đường bích hoạ ở phố Phùng Hưng, không gian nghệ thuật đương đại tại 500m đường hầm toà nhà Quốc hội… 

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn “Việt Nam đang bỏ qua cơ hội để có không gian tốt cho nghệ thuật đương đại“ - ảnh 2 Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn. - Ảnh: laodong.vn

PV: Thưa anh, anh đánh giá như thế nào về sự phát triển của nghệ thuật đương đại hiện nay tại Việt Nam?

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn: Trong khoảng thời gian gần đây, những hoạt động về nghệ thuật đa phương tiện nói chung diễn ra khá mạnh, đặc biệt là ở nước ngoài. Tức là nghệ sĩ Việt Nam đã có xu hướng mang tác phẩm của mình đi ra thế giới khá nhiều bằng nỗ lực cá nhân và thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài.

Trong nước không khí này chủ yếu đến từ các quỹ nước ngoài và không gian tư nhân chứ chưa xảy ra ở không gian mang tính Nhà nước. Ví dụ ta có thể tìm thấy những triển lãm tốt và dự án mạnh được thực hiện ở Trung tâm văn hoá nước ngoài như Viện Gothe, Trung tâm văn hoá Pháp hoặc gần đây có Manzi, The Factory hỗ trợ nghệ thuật đương đại chuyên nghiệp.

Nhưng có lẽ Việt Nam là một điểm trắng khá hiếm hoi trong khu vực và thế giới chưa có một Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (Contemporary Art Museum). Chỉ cần đi qua một số thành phố nước lân cận như Singapore, Bangkok – Thái Lan, Malaysia… họ có những bảo tàng mỹ thuật đương đại rất tốt. Và một số tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam có tiếng của các nghệ sĩ Việt Nam bây giờ lại thường được sưu tập ở Bảo tàng Singapore.

PV: Vậy thì theo anh lý do tại sao Nghệ thuật đương đại vẫn chưa thực sự có cơ hội nảy nở ở Việt Nam?

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn: Bản thân quan niệm và hiểu về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam vẫn còn có giới hạn. Nghệ thuật đương đại có định nghĩa và mảng phát triển không hề đơn giản. Tuy nó nới rộng cách thực hành nhưng không có nghĩa nó không có những tiêu chuẩn để đánh giá nó.

Tôi thấy hiện nay Nghệ thuật đương đại đang bị lạm dụng nhiều. Nhiều người đang nhầm lẫn vẽ tranh theo đúng hình thức của nghệ thuật hiện đại nhưng đặt tên nó thành nghệ thuật đương đại. Có một xu hướng đang hiểu nhầm Contemporary là Ngày nay trong khi Contemporary là một xu hướng thực hành mà lấy nền tảng ý niệm là căn bản. Còn hình thức là phụ, là cái vừa phải, đến sau.

Ở Việt Nam đang có nhiều sự hiểu lầm về Nghệ thuật đương đại. Sâu xa nhất là do chưa có sự đánh giá và đào tạo tương đối chuẩn mực trong môi trường học thuật.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn “Việt Nam đang bỏ qua cơ hội để có không gian tốt cho nghệ thuật đương đại“ - ảnh 3 Không gian tại Manzi Art Space Hà Nội

PV: Thời gian vừa qua cũng có rất nhiều không gian, dự án nghệ thuật đương đại mở ra và được sự đón nhận của cộng đồng, vậy thì theo anh vẫn có những cơ hội phát triển nghệ thuật đương đại đúng hướng?

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn: Ở Hà Nội, cộng đồng những người sáng tạo trẻ đã tạo ra những không gian như vậy rất hay, một cách tự nguyện và tự nhiên. Ví dụ như Zone 9, hoặc Hanoi Creative City – hồi đầu đã phát triển theo đúng mô hình các nước đang phát triển là tái cơ cấu, tái thiết lại chức năng của những không gian như nhà máy cũ.

Câu chuyện này đã từng xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới, là sử dụng tái tạo lại những nhà xưởng cũ để trở thành những không gian nghệ thuật. Hoặc những toà nhà có kiến trúc đẹp. Tôi thấy ở những nơi thành phố phát triển và đang phát triển họ luôn dành cho nghệ thuật đương đại những không gian có yếu tố lịch sử và có sự tương tác về mặt kiến trúc với tác phẩm.

Việt Nam dường như đã bỏ qua một số cơ hội để có không gian tốt cho nghệ thuật đương đại. VCCA cũng là nỗ lực của một doanh nghiệp, nhưng thực ra chỗ để tiếp cận cũng không phải đơn giản, không gian còn cách biệt và chưa có ngữ cảnh để đối thoại. Không thể phủ nhận nỗ lực của họ nhưng không gian ở đây không thuần tuý là nghệ thuật đương đại.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn “Việt Nam đang bỏ qua cơ hội để có không gian tốt cho nghệ thuật đương đại“ - ảnh 4 Không gian nghệ thuật độc đáo The Factory tại TP. Hồ Chí Minh

PV: Vậy thì tạo ra một không gian cho nghệ thuật đương đại, yếu tố tiên quyết là gì?

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn: Yếu tố đầu tiên thể hiện tính đương đại là phải có khả năng tương tác, chứ không thể bày đâu cũng được. Có nghĩa nó đang thuộc phạm trù của nghệ thuật hiện đại. Rõ ràng ở đây từ những người làm chuyên nghiệp, truyền thông và công chúng đang có hố sâu tương đối lớn về kiến thức và lịch sử của nghệ thuật.

Nỗ lực của những người như tôi rất nhỏ bé – những người được đào tạo  về điều này. Thật ra nghệ thuật đương đại vẫn chỉ là tên gọi thôi, những người thực hành sẽ gọi là hoạt động thực nghiệm, là những điều luôn luôn trải nghiệm, thử nghiệm và luôn luôn luôn tương tác với bối cảnh, con người, với ý nghĩa chung chứ không lấy mục tiêu ban đầu để làm đẹp.

PV: Ta đã nói nhiều đến thực trạng, vậy theo anh từ gốc rễ, làm thế nào để nghệ thuật đương đại và công chúng không còn là hai khái niệm xa rời?

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn: Gắn kết hơn với cộng đồng, theo kinh nghiệm của tôi phần lớn phải do giáo dục. Từ nhỏ trẻ con đã được hiểu nghệ thuật là đa dạng, và luôn được học tinh thần của nghệ thuật chứ không phải thế này mới là nghệ thuật, thế kia không phải là nghệ thuật. Cái đấy ở mình dường như bây giờ đang thiếu.

Chính đứa trẻ được nuôi dưỡng trong tình yêu nghệ thuật sẽ thi vào những trường nghệ thuật với tư duy cởi mở hơn. Như vậy sẽ có những thế hệ thoát khỏi những định kiến về nghệ thuật.

Thứ hai, từ nhỏ được tiếp xúc với nghệ thuật sẽ hiểu được giá trị của nghệ thuật trong đời sống văn hoá. Tôi nghĩ một xã hội nền tảng của sự văn minh phải dựa vào văn hoá, nghệ thuật mới phát triển được. Và nghệ thuật là tự do, nghệ thuật không phải là ngôi đền nhốt tự do về mặt thẩm mỹ được.

PV: Vâng xin chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu