Nghệ nhân dân gian Thanh Tùng - Ông thầy “ba trong một”

Dương Kim Thoa
Chia sẻ
(VOV5)- Vài thập kỷ trở lại đây, căn nhà của nghệ nhân dân gian Thanh Tùng ở ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành lớp học thân thiết của nhiều lớp học viên say mên đờn ca tài tử.
(VOV5)- Vài thập kỷ trở lại đây, căn nhà của nghệ nhân dân gian Thanh Tùng ở ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành lớp học thân thiết của nhiều lớp học viên say mên đờn ca tài tử.

Họ đến từ nhiều vùng miền, địa phương, thuộc đủ mọi ngành nghề, hoàn cảnh xã hội. Người học đàn, người học ca, có người còn ngấp nghé hỏi kinh nghiệm soạn lời cho các lòng bản đờn ca tài tử.

Cứ vào những ngày cuối tuần, tạm dẹp lại nỗi lo cơm áo, họ lại cùng nhau quần tụ trong một không gian sinh hoạt đờn ca rất “tài tử” ngay tại khoảng hiên rộng trước nhà thầy Thanh Tùng.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Trên hiên nhà thoáng mát giữa khu vườn rợp bóng cây và phủ đầy tiếng chim chóc, chó mèo và tiếng đàn gà lách chách mé hiên, các học trò ngồi quanh thầy đón nghe từng lời chỉ dẫn. Thầy Thanh Tùng quả là ông thầy “ba trong một”. Vừa dạy đàn, vừa dạy ca, lại vừa là người soạn lời cho các bản đàn dạy học trò.

Đặc tính dễ mến nhất của thầy mà khi hỏi mười người thì tới chín người rưỡi đồng thuận chính là sự nhẫn nại trong giảng dạy. Hiếm khi học trò thấy ông nổi cáu. Vì vậy, ngoài việc nổi tiếng vì sự am tường kiến thức đờn ca tài tử, ông còn được học trò thương nhiều vì... rất hiền.

Nghệ nhân dân gian Thanh Tùng - Ông thầy “ba trong một” - ảnh 1
Nghệ nhân Thanh Tùng (trái) tại buổi nhận bằng công nhận Nghệ nhân dân gian - Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Trong quan niệm của một người làm thầy suốt vài thập kỷ, nghệ nhân Thanh Tùng cho rằng, không ai là không thể học đàn, miễn họ thực có đam mê và quyết tâm rèn luyện. Có những người như anh Thanh Vũ, chị Thu Hằng, lúc bắt đầu học thầy, tuổi cũng đã quá độ trung niên, cầm cây đàn và cái khảy thoạt đầu còn ngượng nghịu. Ấy vậy mà chỉ vài ba tháng, họ đã có thể tự tin cầm đàn dạo một vài bài cơ bản.

Trong sự dạy và học của bất cứ môn gì, tâm và tài của ông thầy vẫn là những yếu tố quyết định sự tiến bộ của trò. Sở dĩ học trò của thầy Tùng có thể mau tiến bộ đến vậy chính là bởi họ đã “tầm sư” thành công. Ngay trong lúc học, bằng kinh nghiệm và sự tận tâm, thầy Thanh Tùng đã giản lược và dung dị hóa những chữ đờn, ngón đờn từ đơn giản đến phức tạp để phù hợp với từng cấp độ người học.

Học ở nhà thầy rồi, về tới nhà luyện lại, nếu lỡ quên hoặc chưa rõ nốt đàn nào, học trò lại gọi điện hỏi thầy. Lắm khi, trò đánh lại nốt nhạc cần hỏi qua điện thoại, thầy nghe và chỉnh sửa giúp trò ngay bằng cách “thẩm âm” như thế.

Anh Nguyễn Thanh Vũ, người ở huyện Bình Chánh, đang làm nghề lái xe taxi. Hơn 5 tháng nay, từ ngày biết tới thầy Tùng, cứ cuối tuần, anh lại lặn lội gần 30 cây số tới “tầm sư học đạo”.

Không chỉ dạy tại nhà, với nhiều người ở xa, nghệ nhân Thanh Tùng còn soạn bài đàn, bài ca gửi qua bưu điện. Xem ra, mô hình giảng dạy từ xa đã được thầy áp dụng thành công cũng khá lâu rồi. Bởi đến nay, số học viên sau khi nắm được các kiến thức nền tảng, lựa chọn cách này ngày một nhiều hơn.

Trong số các học viên theo học đờn ca thầy Thanh Tùng ròng rã cả chục năm trời, không ít người vì cuộc sống khó khăn không đủ tiền đóng học phí. Không câu nệ chuyện đó, thầy vẫn ân cần bảo ban, chỉ dạy, động viên họ tiếp tục rèn luyện ngón đàn.

Ngay từ lúc mở lớp dạy đờn ca tài tử ở nhà, nghệ nhân Thanh Tùng đã nói rất rõ với mọi người, ông sẽ luôn miễn phí cho những người khuyết tật đến theo học. Lần ghé thăm lớp học của thầy Tùng, tôi đã gặp anh Đặng Thành Được, một người bị bại liệt từ nhỏ.

Sống chung với căn bệnh tiểu đường đã mười tám năm nay. Gần đây, những biến chứng của căn bệnh đã làm mờ đi mắt phải, nhưng nghệ nhân Thanh Tùng vẫn say sưa với lớp học của mình. Mỗi tiến bộ của trò, dù là nhỏ nhất, đều được thầy nhận ra, khích lệ. Đã rất nhiều học trò của thầy thừa nhận, nếu không có được sự động viên kịp thời ấy, không chắc họ đủ nghị lực vượt qua các cửa ải gian nan của một “nghề chơi cũng lắm công phu” như đờn ca tài tử.

Lời đồn về một ông thầy giỏi nghề, tận tụy Thanh Tùng đã vẳng đến tai những người đam mê nghệ thuật đờn ca. Trong số học trò của nghệ nhân Thanh Tùng, không ít người đã và đang học từ xa theo kiểu lâu lâu mới có dịp ghé nhà nhờ thầy chỉ dẫn, còn phần lớn nhận bài học và băng thu âm thầy gửi qua bưu điện.

Cũng có hai vợ chồng người gốc Bắc rủ nhau tới học đờn ca tài tử. Nhìn cảnh vợ chồng họ hòa đàn tâm đắc, lòng thầy giáo già cũng như nở hoa.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở ngay sát vách nhà thầy Thanh Tùng, nhờ thầy chỉ giáo tận tình, dù khởi điểm hoàn toàn “zero” về nhạc lý, thế mà nay đã chơi được gần như mọi nhạc cụ dân gian. Không chỉ thế, vì quá say đàn bầu, chị còn mày mò học cách tự chế tạo những cây đàn bầu từ thân tre rất độc đáo. Thấy mẹ say sưa với đàn, cậu con trai Nguyễn Minh Quân của chị, năm nay đã 20 tuổi, cũng tỉ mẩn học theo.

Ngoài các lớp dạy người lớn, trong căn nhà của nghệ nhân Thanh Tùng, còn luôn vang lên những tiếng đờn ca thơ trẻ. Ba mẹ các em biết tiếng thầy đã mang con tới gửi gắm. Có những em chưa đi học, chưa biết đọc, biết viết, đã say sưa với ngón đàn, lời ca cũng bởi được thầy “truyền lửa”.

Sống trong cuộc đời, ai cũng nên có it nhất một niềm đam mê tích cực. Sự thích thú đó sẽ làm cuộc sống của họ bớt tẻ nhạt rất nhiều, hay nói cách khác, nó trở nên “có nội dung” hơn. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, tự nhiên nghĩ về nghệ nhân – thầy giáo Thanh Tùng, tôi thốt nhớ tới câu Kiều ấy. Sự tha thiết và đắm đuối ấy nếu không phải vì đam mê đã trở thành cái “nghiệp”, liệu có thứ lực nào có thể lôi cuốn, thúc đẩy người ta miệt mài và nhẫn nại đến vậy?./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu