Mai Đình Tới – người nghệ sĩ không chịu ngồi yên

Dương Kim Thoa
Chia sẻ
(VOV5)- Tính tới thời điểm này (11/2013) nghệ sỹ Mai Đình Tới đã sở hữu 3 kỷ lục Việt Nam và 2 kỷ lục châu Á trong lĩnh vực sáng tạo nhạc cụ và biểu diễn âm nhạc.
(VOV5)- Tính tới thời điểm này (11/2013) nghệ sỹ Mai Đình Tới đã sở hữu 3 kỷ lục Việt Nam và 2 kỷ lục châu Á trong lĩnh vực sáng tạo nhạc cụ và biểu diễn âm nhạc.

Gắn bó với âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc trong suốt mấy chục năm, có thể nói, anh là mẫu hình của những nghệ sỹ luôn say sưa với loại hình nghệ thuật đã chọn, luôn lặng lẽ tự đặt ra cho mình những thách thức cao hơn sau mỗi lần gặt hái thành tựu nào đó.


Từ nhỏ, cậu bé Mai Đình Tới đã có niềm say mê đặc biệt với nhạc cụ dân tộc và các làn điệu dân ca được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong những tháng ngày lam lũ lớn  lên trong những xóm nhà nghèo khó ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) thuở ấy, âm nhạc như món ăn tinh thần đã bù đắp cho cảnh thiếu ăn, thiếu mặc của cậu bé đương tuổi ăn tuổi lớn. Nghệ sĩ Mai Đình Tới kể: Mai Đình Tới yêu âm nhạc từ nhỏ, đặc biệt là âm nhạc dân tộc. Từ nhỏ đã được ông nội dạy âm nhạc. Lớn lên, sau khi thi đỗ vào trường nhạc, Mai Đình Tới đã gắn bó với âm nhạc từ đó tới giờ. Âm nhạc cổ truyền dân tộc chính là nền tảng để Mai Đình Tới có những nhạc cụ tự chế tính tới nay.

Như một cơ duyên kỳ ngộ, Mai Đình Tới trúng tuyển vào nhà hát tuồng Bắc Trung ương khi họ về tận quê anh tuyển người, rồi cuối cùng theo sự nghiệp của một người nghệ sỹ đích thực.

Đến bây giờ, khi nhắc tới nghệ sỹ Mai Đình Tới, nhiều người biết về tài “phù thủy” của anh với các nhạc cụ tự chế. Ngay chính anh cũng không nhớ xuể số lượng các nhạc cụ mình đã nghĩ ra. Nhưng không chỉ tự chế nhạc cụ, khối óc của người nghệ sỹ đam mê sáng tạo dường như luôn muốn “đánh đố” bản thân ở những việc tưởng như không thể làm gì khác hơn.

Ngay từ những ngày còn làm việc ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, năm 1992, nghệ sỹ Mai Đình Tới đã nghĩ tới việc biểu diễn cùng một lúc vừa thổi sáo, vừa điều khiển một dàn trống: Đầu tiên khi Mai Đình Tới kết hợp được giữa sáo trúc với dàn trống dân tộc bằng chân. Tức là con người của Mai Đình Tới miệng thì thổi sáo trúc, chân thì gõ tiết tấu của dàn trống dân tộc, kết hợp 2 người chơi bình thường. Tiết mục đó Mai Đình Tới đã vinh dự được biểu diễn cách đây hơn 10 năm với Đài TNVN trong chương trình Bạn yêu âm nhạc và Làng vui chơi làng ca hát. Đó là tiết mục đầu đời của Mai Đình Tới từ Sài Gòn ra Hà Nội...


Nghe bản nhạc Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao do nghệ sĩ Mai Đình Tới thổi sáo bằng dàn chai nước ngọt:


Với Mai Đình Tới, hiện tại có quá nhiều tiết mục biểu diễn và nhạc cụ tự chế còn sáng tạo và mới mẻ hơn nhiều màn biểu diễn kết hợp dàn trống và sáo. Có thể kể ra một loạt những “đặc sản” của anh như thổi sáo bằng một mũi hoặc hai lỗ mũi, chơi đàn nhị bằng hai bóng đèn neon kéo vào nhau, gõ chén bát giống như chơi đàn đá, làm dàn nhạc bằng ống nhựa mà khối lượng ống lên tới hàng chục tấn, thổi sáo bằng chai nước ngọt hay ống dây nước bằng nhựa, quay lưng lại và đánh đàn trong tư thế ngược tay, v.v....

Mai Đình Tới – người nghệ sĩ không chịu ngồi yên - ảnh 1
Tiết mục thổi kèn chai của nghệ sĩ Mai Đình Tới - Ảnh:tuoitre.vn


Dịp trung tuần tháng 10 vừa rồi, anh lại cho ra mắt màn trình diễn âm thanh với dàn nhạc được làm từ những chiếc ly thủy tinh rất bình thường ở Thảo cầm viên của TP.HCM. Khán giả, đặc biệt các em nhỏ đã vô cùng kinh ngạc khi chỉ với một cây gậy nhỏ có bịt đầu và những chiếc ly dung dị, nghệ sỹ Mai Đình Tới đã hòa âm thành giai điệu tuyệt vời của một đoạn giao hưởng quen thuộc. Anh chia sẻ về tiết mục mới nhất của anh được thực hiện với nhạc cụ tự chế là dàn nhạc được làm từ những chiếc ly thủy tinh.


Thưởng thức những thanh âm lảnh lót, trong veo vang lên từ những động tác thuần thục và điêu luyện của người nghệ sỹ trên sân khấu, không mấy người biết anh đã mất khoảng 5 năm để có thể làm chủ “dàn nhạc” đó. Cũng không ai biết Mai Đình Tới đã “đốt” biết bao nhiêu tiền cho việc mua ly về để... đập vỡ. Có những loại ly giá chỉ vài ngàn, nhưng cũng có những cái giá cả triệu bạc. Có những cái anh phải mài đáy hoặc mài miệng để lấy nốt nhạc. Không ít lần tay anh bị thủy tinh cứa đứt. Không ít lần trăn trở không ngủ được, cả đêm anh ngồi trầm ngâm vắt óc tìm cách gõ không làm vỡ ly, cách tạo được nốt nhạc thật chuẩn, thật hay.


Kỷ lục của Trung tâm kỷ lục châu Á trao tặng năm 2012 ghi nhận khả năng sáng tạo đặc biệt của nghệ sỹ Mai Đình Tới trong lĩnh vực chế tạo nhạc cụ là những minh chứng bước đầu cho tài năng đã vượt tầm lãnh thổ của anh. Nhiều năm qua, Mai Đình Tới không chỉ biểu diễn trong nước mà còn thường xuyên có những tour lưu diễn ở nước ngoài như ở Malaysia, Sigapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Thụy Sĩ…. Điều thú vị là các buổi biểu diễn của anh không chỉ đem lại niềm vui và sự thích thú với công chúng, mà còn tạo dấu ấn đặc biệt ngay cả với những người trong giới âm nhạc. Anh đã từng tham gia biểu diễn tại các trung tâm âm nhạc nổi tiếng thế giới như Nhạc viện Tchaikovski (Nga, năm 2011), Trường nhạc của Trung tâm Điện ảnh Hollywood (Mỹ). 


Không chỉ có tài năng và tâm huyết trong lĩnh vực sáng chế nhạc cụ, ngay trong nghệ thuật biểu diễn, nghệ sỹ Mai Đình Tới cũng không ngừng sáng tạo. Mỗi lần chuẩn bị tham gia biểu diễn ở quốc gia nào đó, anh luôn cố gắng tìm kiếm những vật dụng làm nhạc cụ có sẵn tại quốc gia đó. Với Hà Lan, anh đã từng dùng hoa tuy-lip làm nhạc cụ. Tại Bỉ, anh cũng đã biến những chai bia có thương hiệu nổi tiếng nhất của đất nước này thành dàn nhạc. Anh là như thế, luôn nghiên cứu và có sự chuẩn bị tốt nhất để đem lại sự sảng khoái và vui thích thực sự với từng nhóm đối tượng khán giả.


Và cũng trong rất nhiều những chuyến lưu diễn đó, anh không chỉ mang một cái tên Mai Đình Tới với quốc tịch Việt Nam ra nước ngoài, anh còn mang âm nhạc dân tộc, mang các làn điệu dân ca ba miền của đất nước đi quảng bá với bạn bè thế giới. Ở góc độ này, có thể nói, anh đã mang tinh thần của một đại sứ văn hóa, đưa bản sắc văn hóa Việt Nam tự tin hòa nhập trong bức tranh đa sắc của văn hóa thế giới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu