Hợp tác sản xuất phim trong ASEAN - tìm kiếm những cơ hội phát triển mới

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - Việc đồng sản xuất phim sẽ thúc đẩy sự tương tác văn hóa giữa các quốc gia ASEAN, và các sự kiện như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội sẽ là điều kiện tốt để phát triển việc hợp tác này.
(VOV5) - Việc đồng sản xuất phim sẽ thúc đẩy sự tương tác văn hóa giữa các quốc gia ASEAN, và các sự kiện như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội sẽ là điều kiện tốt để phát triển việc hợp tác này.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm về việc hợp tác sản xuất phim trong khối các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, cũng như tọa đàm về điện ảnh Ấn Độ hợp tác và phát triển. Trong thực tế hiện nay, xu thế hợp tác sản xuất phim hỗ trợ rất nhiều cho sự khởi sắc của điện ảnh của các nước đang phát triển. Riêng trong khối ASEAN, nói như ngài phó tổng thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee, thì việc đồng sản xuất phim sẽ thúc đẩy sự tương tác văn hóa giữa các quốc gia ASEAN, và các sự kiện như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội sẽ là điều kiện tốt để phát triển việc hợp tác này.

Hợp tác sản xuất phim trong ASEAN - tìm kiếm những cơ hội phát triển mới - ảnh 1


Những năm vừa qua, chỉ riêng lĩnh vực phim truyện điện ảnh trong  các nước quốc gia Đông Nam Á, có thế thấy một số thành quả ngoạn mục, với những giải thưởng cao nhất tại các Liên hoan phim quốc tế lớn nhất, như: bộ phim Bác Boonmee của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul đoạt giải Cành cọ vàng LHP Cannes 2016; bộ phim Bức ảnh thất lạc, bộ phim của đạo diễn Campuchia Rithy Panh đoạt giải quan trọng thứ hai sau Cành cọ vàng – về nhất hạng mục Một góc nhìn tại LHP Cannes 2013, lọt vào đề cử tại Oscar 2014. Đây có lẽ cũng là lý do, mà Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam, bà Ngô Phương Lan cho rằng, sự chia sẻ, học tập kinh nghiệm phát triển điện ảnh chính trong nội khối sẽ có những tác động tích cực tới điện ảnh Việt Nam cũng như các nước trong khu vực: “Chúng ta có thể học được từ những nền điện ảnh lớn, những nền điện ảnh đã phát triển từ rất lâu, có rất nhiều kinh nghiệm. Nhưng điều rất quan trọng là những nền điện ảnh như chúng ta, tức là những nền điện ảnh đang phát triển thì việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như việc hợp tác lại có rất nhiều sự tương đồng. Chính vì thế tôi nghĩ những nền điện ảnh trẻ như các nền điện ảnh ASEAN, nếu chúng ta có một sự gặp gỡ, một sự hiệp lực thì chắc chắn là bước tiến của chúng ta sẽ còn nhanh hơn nhiều.”


Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên ASEAN là xu thế tất yếu, trong đó đáng chú ý là cơ chế hợp tác để hỗ trợ tài chính; hỗ trợ đào tạo và quản lý làm phim. Cũng theo Cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan thì: “Bây giờ đã đến thời của điện ảnh các nước ASEAN. Cũng đã rất lâu có nước này nước khác trong ASEAN nền điện ảnh tiến bộ hơn, phát triển hơn, hoặc cũng có những lúc thăng trầm, thụt lùi, nhưng bây giờ quả thật là cơ hội là của chúng ta. Bởi vì ASEAN bây giờ là một cộng đồng . Vì thế nên sức mạnh của các nước trong cộng đồng ASEAN, cụ thể trong điện ảnh đã nâng lên rất nhiều lần.”
Sức mạnh của điện ảnh, của văn hóa trong việc kết nối con người với con người, cộng đồng với cộng đồng là không thể phủ nhận. Ông Vongthep Arthakaivalvatee- Phó Tổng thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa- Xã hội khẳng định: “Tôi nghĩ điện ảnh cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác, nhưng đặc biệt là điện ảnh, là phương tiện mà qua đó có thể giúp cho tiến trình hội nhập ASEAN một cách nhanh chóng hơn. Trong một thập kỷ qua chúng ta đã thấy sự nổi lên của các tác phẩm điện ảnh ASEAN trên trường quốc tế. Chúng ta cũng đã nghe nói ở những LHP lớn như Cannes, Berlin, Venice… có những tác phẩm điện ảnh của ASEAN tham dự và đạt được những thành tựu vang dội. Việc đồng sản xuất các tác phẩm điện ảnh rất quan trọng. Nó sẽ giúp cho các sự tương tác, giao lưu trong ASEAN lên một tầm cao mới. Tác phẩm điện ảnh đưa mọi người gần nhau hơn bao giờ hết.”


Để phát huy được sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất, phát hành phim của các quốc gia Đông Nam Á, cần có sự phát huy thế mạnh của từng nền điện ảnh. Và như nhiều đại biểu tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4 bày tỏ, cần tiến tới một Liên hoan phim ASEAN. Ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Cục điện ảnh cho rằng, riêng với Việt Nam, đã đến lúc cần có chính sách, sự hỗ trợ của nhà nước làm sao để tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN trong sản xuất, phát hành phim: “ Ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN việc hợp tác và phát hành đang còn rất hạn chế. Ví dụ như phim của các nước trong khối ASEAN mà chiếu tại rạp chúng ta thấy gần như không có. Có thể đâu đó trên truyền hình nhưng chiếu tại rạp là không có. Hai nữa là việc hợp tác sản xuất giữa các nước cũng chưa có. Việc giữa các cơ sở sản xuất phim của Việt Nam cũng như các cơ sở sản xuất phim của các nước trong khối ASEAN, chúng ta nên tạo ra các cơ hội, các hành lang để các nhà sản xuất phim giữa các nước sẽ có mối liên kết, hợp tác sản xuất cùng nhau. Để có được điều đó, chúng tôi cũng sẽ hợp tác với nhau để đào tạo, để quảng bá phim tại các Liên hoan phim lớn. Như thế sẽ tạo được mối liên kết giữa các nhà sản xuất, các nhà phát hành phim trong khối ASEAN. Chúng tôi cũng có một đề xuất, là trong các nước ASEAN, có lẽ chỉ có Việt Nam là chưa có chính sách khuyến khích ưu đãi hợp tác sản xuất. Chúng tôi cũng đang đề xuất với Bộ văn hóa để làm sao có được chính sách khuyến khích các nhà làm phim nước ngoài.”


Về những sự hợp tác bước đầu trong ASEAN, ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Cục điện ảnh cho biết, đã có những hoạt động hợp tác thiết thực trong lĩnh vực đào tạo, quảng bá phim giữa điện ảnh Việt Nam và một số nước trong khu vực như Philipines, Singapore, Mianmar…: “Chúng ta có những hợp tác để mở những lớp đào tạo ngắn hạn hoặc là các lớp ở các nước khác nhau với sự đóng góp tài chính hoặc sự hỗ trợ của chính phủ.”


ASEAN là một thị trường điện ảnh lớn trên thế giới. Cùng với sự phát triển công nghệ là nền tảng thuận lợi để tăng cường hợp tác làm phim, phát hành phim từ các quốc gia trong khu vực; cùng với ý thức về việc hợp tác làm phim giữa những người làm điện ảnh trong khu vực được đặt ra trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016, thì hy vọng điện ảnh khu vực sẽ có những sự bắt tay chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Đối với các nhà làm phim Việt Nam, việc tìm hiểu những nền điện ảnh trong khu vực cũng như những nền điện ảnh lớn của các nước đang phát triển như Ấn Độ, sẽ mở ra những cơ hội mới để hợp tác và phát triển

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu