“Hồi sóng”- khi tư liệu lịch sử trở thành những sản phẩm âm thanh độc đáo

Thủy Tiên
Chia sẻ
(VOV5) - Sắp đặt âm thanh “Hồi sóng” được giới thiệu tại không gian trưng bày nghệ thuật Manzi, quận Ba Đình, Hà Nội, mang đến cho công chúng những góc tiếp cận mới về tư liệu lịch sử.

Với mục tiêu khám phá lịch sử phi vật thể, tức lịch sử truyền miệng thông qua nghiên cứu tài liệu lưu trữ, hai nghệ sĩ âm thanh thử nghiệm Nguyễn Nhung và Zach đến từ Mỹ chọn sử dụng sắp đặt âm thanh để tìm cách khám phá mối quan hệ giữa tư liệu và nghệ thuật âm thanh.

Dự án “Hồi sóng” thực hiện lần đầu vào tháng 12/2021, với phiên bản sắp đặt vật lý đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, sắp đặt âm thanh “Hồi sóng” được giới thiệu tại không gian trưng bày nghệ thuật Manzi, quận Ba Đình, Hà Nội, mang đến cho công chúng những góc tiếp cận mới về tư liệu lịch sử.

Nghe âm thanh bài taị đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Dự án nghiên cứu bắt nguồn từ các bản thu âm lưu trữ tại Đại học Humboldt, Berlin, Đức về các câu chuyện, hát thơ và lời đọc của các tù nhân da màu (gồm người Ai Cập, Algeria, Mali, Việt Nam, Lào và Campuchia..) trong các trại tù của Đức trong Thế chiến thứ Nhất. Theo đó, tác phẩm sắp đặt có chủ đích xâu chuỗi các tư liệu lưu trữ về điều kiện sống cũng như các cảm xúc, ký ức họ trong thế chiến, cùng âm nhạc và thiết kế âm thanh. Hai nghệ sĩ xem xét bối cảnh văn hóa - xã hội của kho lưu trữ, các tư liệu văn học và âm nhạc theo kèm để từ đó thiết lập cấu trúc của các bản thu.

Chia sẻ về dự án “Hồi sóng”, nghệ sỹ Nguyễn Nhung cho biết: "Dự án nghiên cứu gồm 2 phần. Phần thứ nhất, chính là tư liệu của trường Humboldn Berlin, đó là những bản thu âm tù binh trong các trại tù binh da màu và đặc biệt là có bản thu âm của hai người tù binh Việt Nam, được thu âm vào năm 1914, tư liệu rất quý, về mặt ngôn ngữ học về mặt di sản âm nhạc học nữa. Hai người tù đó đã đọc lại bản họ ứng tác trên bản gốc của chuyện Phan Trần. Phần thứ hai là phần tư liệu về lính thợ Đông Dương của thế chiến thứ hai.

Chúng tôi được phép tiếp cận tư liệu của hai đạo diễn Lam Lê với bộ phim Công binh đêm dài Đông Dương và một số tư liệu khác của đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng, thu âm lại các bác cựu lính thợ sau khi các bác ấy về Việt Nam và hồi tưởng lại quãng đời của mình oẻ bên Pháp thời xưa. Nó tạo nên một dòng chảy lịch sử từ thế chiến thứ nhất sau thế chiến thứ hai, về thân phận con người, về cuộc đời của họ, về với đời sống lao động với những vất vả khó nhọc của một số chân dung được chúng tôi nhắc đến trong tác phẩm.”

Trong khi nghệ sỹ trẻ Nguyễn Nhung tập trung vào giọng kể trong tài liệu thì nghệ sỹ Zach đến từ Mỹ chú trọng hơn những thử nghiệm về âm thanh. Hai nghệ sỹ đã sử dụng kỹ thuật cắt ghép kết hợp cùng âm thanh để tạo nên nhiều lớp ý nghĩa, nhiều chiều không gian cho tác phẩm.

“Hồi sóng”- khi tư liệu lịch sử trở thành những sản phẩm âm thanh độc đáo - ảnh 1Dự án "Hồi sóng" đã từng được trưng bày tại Sanart - quận 4, TPHCM từ 7/12 - 8/12/2021 - Ảnh: san-art.org

Trong quá trình thực hiện dự án, việc phục chế các bản ghi kỹ thuật số lẫn tạp nhiều âm thanh là một trong những khó khăn, tuy nhiên với nghệ sỹ Zach, đây là một thử thách rất thú vị: “Có 2 điểm tôi hứng thú nhất khi thực hiện dự án. Điểm thứ nhất là tuổi đời tư liệu của trường Humbold, tuổi đời xấp xỉ 100 năm, thâm chí có những đoạn ghi âm trên 100 năm. Những bản ghi âm có thể là sớm nhất trong lịch sử thu âm của đĩa hát làm từ sáp.  Thứ hai là việc phục chế trong quá trình thực hiện các bản thu âm ấy, để giảm bớt tiếng ồn, những cái lỗi của người phục chế từ đĩa sang file kỹ thuật số và từ kỹ thuật số sang định dạng tốt hơn cho tác phẩm.”

Không chỉ lắng nghe, tìm hiểu về một phần câu chuyện lịch sử trong thế chiến thứ nhất và thế chiến thứ 2 thông qua các bản thiết kế âm thanh, khán giả còn được tương tác tại không gian nghệ thuật khi có thể tự tìm các tần số như 88,98,108 MHZ (tương ứng với các phần tư liệu) trên đài radio để nghe lại và thẩm thấu.

Ấn tượng với phương thức tương tác trong dự án “Hồi sóng”, khán giả Phạm Bảo Quyên, Trường Đại học Ngoại Thương: “Em ấn tượng về cách tiếp cận với cả thời gian nghiên cứu của các bạn nghệ sĩ. Họ tiếp cận theo hướng nghiên cứu tư liệu và khoa học khá chỉn chu và các ý tưởng về việc tìm hiểu tư liệu về những tù binh ở trong tù của nước Đức cũng là một phạm trù em thế nó mới lạ hay và độc đáo, gây tò mò cho mọi người.”

"Dự án rất thú vị, không gian trưng bày đơn giản nhưng giúp người xem tập trung vào âm thanh nhiều hơn, có thể nghe và suy ngẫm về các tư liệu lịch sử. Cách sắp đặt âm thanh rất thu hút, kích thích sự tò mò của khán giả. Mình nghĩ dự án này nên thực hiện về các tư liệu lịch sử Việt Nam nữa, đấy cũng là cách giúp người trẻ tiếp cận dễ dàng hơn vs lịch sử đất nước.” - Anh Nguyễn Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ.

 “Hồi sóng” không chỉ hồi sinh và kích hoạt lại bộ sưu tập các bản ghi âm được lưu trữ - những tư liệu quý nói về điều kiện sống cũng như các cảm xúc, ký ức của các cựu tù binh trong thời chiến mà thông qua sắp đặt âm thanh, các nghệ sỹ trẻ còn giúp công chúng tiếp cận với lịch sử theo cách mới, khơi dậy một phần lịch sử và di sản bị lãng quên.
Hồi Sóng bao gồm hai phiên bản: bản trực tuyến trên website https://hoisong.art/ và sắp đặt vật lý tại không gian trưng bày nghệ thuật Manzi, quận Ba Đình, Hà Nội, mở cửa tự do từ nay đến ngày 7/4/2024.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu