Hình tượng con chuột trong tranh dân gian

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Người nghệ nhân tranh dân gian đã có cái nhìn nhân bản với những chú chuột trong đời sống tâm linh và cả đời thường.

Tranh Tết là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt mỗi dịp xuân về. Từ xa xưa, tại các làng tranh, cứ Tết đến lại nhộn nhịp in vẽ rồi đi bán khắp các nẻo chợ quê. Hương xuân sắc Tết từ đó mà đi theo mỗi tờ tranh đến từng nhà. Mỗi bức tranh không chỉ là sự kết hợp hài hòa, sắc sảo của cách nhìn và quan niệm về thế giới, hiện lên  như cách biểu trưng của tinh hoa và kỹ thuật dân gian điêu luyện, mà còn là sự tinh tế trong thẩm mỹ; là những ước vọng nhân sinh.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hình tượng con chuột trong tranh dân gian - ảnh 1Tranh Đông Hồ "Đám cưới chuột" 

Con Chuột có lẽ hiện hữu và tham dự và đời sống của nhà nông một cách khác biệt. Nhà Nông quan sát chuột để rút ra những kinh nghiệm về mùa màng. Như chuột kéo đàn kéo lũ tức mùa màng bội thu; chuột di cư thì báo hiệu thời tiết không thuận lợi hoặc lũ lụt sắp về… Do vậy mà chuột đi vào đi vào đời sống văn hóa của người Việt cũng như tranh dân gian  với đầy ắp những thông điệp sống, cả những thông điệp tích cực lẫn tiêu cực mang màu sắc châm biếm.

Trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, hình tượng con chuột xuất hiện trong hai dòng tranh lớn là Hàng Trống và Đông Hồ. Trong tranh Đông Hồ, hình tượng con chuột được xuất hiện nhiều hơn và sinh động hơn cả. Có lẽ do dòng tranh này ở vùng thôn quê, nên chuột trở thành con vật quen thuộc hơn so với nhiều cư dân thành thị. Nhà nghiên cứu Đỗ Bảo chia sẻ: “Trong nghệ thuật dân gian, người nông dân, nghệ nhân làng Hồ thông qua hình tượng này hình tượng kia người có nhiều. Cũng là con chuột tranh chạm gỗ ở đình làng.  Hình ảnh chuột trở thành hệ thống nói chung, đó là cuộc sống của người nông dân”.

Hình tượng con chuột trong tranh dân gian - ảnh 2

Về tranh chuột, có tới 3 bức tranh chuột trong tranh dân gian Đông Hồ gồm: Đám cưới Chuột; chuột vinh quy và chuột múa rồng. Trong tranh Hàng Trống thì có 2 bức Đám cưới chuột và Chuột vinh qui. Về hình thức và kết cấu, bố cục của hai dòng tranh này gần giống nhau, chỉ có vài điểm được thêm thắt như hình ảnh lá cờ và những con chữ đề trên tranh là khác.

Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm dân gian về đề tài Chuột có lẽ là bức “ Đám cưới chuột”. Theo nhiều nhà nghiên cứu tranh dân gian, tác phẩm này vốn rập khuôn từ mẫu hình tranh Niên họa Trung Quốc. Chúng minh họa cho cậu chuyên “ chuột già gả con gái cho mèo”. Khi cả đoàn họ hàng nhà chuột thổi kèn đánh trống rước dâu đến nhà mèo thì bị mèo đớp một miếng nuốt sạch cả bọn vào bụng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chủ đề chính của tranh “Đám cưới chuột” chính là sự châm biếm.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế làng tranh Đông Hồ bày tỏ: “Tranh này có ý nghĩa rất hay là giữa con mèo và con chuột không thể hòa hợp với nhau được nên người ta vẽ con mèo là giai cấp thống trị. Một đám cưới cô dâu chú rể phải mang chim, cá đến cống cho nó. Phải nói rất hay con chuột mà không vẽ đuôi, nó hài hước ở chỗ đó. Chuột đứng trước kẻ thù chắc gì nó đã để cho anh sống yên nên nó cụp đuôi lại. Tranh mang tính chất đả kích châm biếm chế độ phong kiến ngày xưa”.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, khi đến Việt Nam, tranh “Đám cưới chuột” lại mang một ý nghĩa khác. Trong tranh dân gian Việt Nam, “Đám cưới chuột” được diễn tả tưng bừng. Cảnh trên là bốn con chuột đang điếu đóm con mèo những sản vật như chim, cá; cảnh dưới cô dâu chuột ngồi kiệu, chú rể cưỡi ngựa cờ quạt tưng bừng. Như vậy nội dung tranh đã ít nhiều khác với tranh Niên Họa Trung Hoa. PGS, TS. Trang Thanh Hiền chia sẻ: “Người Việt đã truyền  thành một nội dung mang đậm ý nghĩa về ngày Tết. Mọi người đều biết thực hiện ngày cưới, đó là mang đồ cống vật cho mèo. Nhưng nếu bỏ qua ý nghĩa đó đi, ở đây tranh mang thông điệp về sự no đủ.  Nếu tranh dân gian Trung Hoa cảm giác đám cưới vội vàng, con chuột giống như mưu đồ cúng lễ. Thậm chí có con chuột ngã lăn quay ra. Nhưng trong tranh dân gian Việt là sự đủng đỉnh, vui tươi, viên mãn. Thông điệp của người Việt là sự hòa đồng. Chuột và mèo bao đời nay vẫn thế, đó là sự cộng sinh, hòa bình”

Trong những năm gần đây, khi dòng tranh Kim Hoàng được phục hồi cũng đóng góp thêm sự đa dạng cho dòng tranh dân gian. Nếu như tranh Hàng Trống tinh tế, cầu kỳ, mang tính triết lý cao, phù hợp nhu cầu người dân thành thị; tranh Đông Hồ mộc mạc, khỏe khoắn, gắn với cuộc sống người nông dân; thì tranh Kim Hoàng giống như cái gạch nối giữa hai dòng tranh ấy. Gạch nối ấy mang đến cho Tranh Kim Hoàng những đặc điểm, những dấu ấn chất chứa riêng biệt. Nói về tranh đề tài Chuột, nhà sưu tập tranh Nguyễn Thu Hòa chia sẻ: “Tranh Kim Hoàng chúng tôi phải nghiên cứu về dòng tranh chuột, nếu như vẫn làm Đám cưới chuột như những dòng tranh khác thì không thể cạnh tranh được. Năm nay chúng tôi có tranh với tên gọi “Ngự anh đi trước võng nàng theo sau”, để tôn vinh truyền thống khoa bảng ngày xưa, cũng như đằng sau thành đạt của người đàn ông có sự tần tảo của người phụ nữ. Người phụ nữ Việt Nam rất tần tảo, chịu khó. Tranh để bán ra dịp tết phải có tranh mới và phải có tranh chúc tụng”.

Hình tượng các chú chuột còn gây tranh cãi bởi sự tiêu cực và tích cực đối với người nông dân Việt Nam xưa nay. Nhưng một khi chuột đã được nhân cách hóa, có mặt trong tranh dân gian thì thực sự đóng góp cho kho tàng di sản quý giá của Việt Nam. Người nghệ nhân tranh dân gian đã có cái nhìn nhân bản với những chú chuột trong đời sống tâm linh và cả đời thường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu