Chuyện về một người nông dân cầm bút

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Bút ký Võ Đắc Danh thấm đậm chất văn hóa, lịch sử, xã hội Nam Bộ, nhưng cũng nóng hổi tính thời sự và nhân ái, nhân văn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhà văn Võ Đắc Danh sinh năm 1960 tại Tân Thành (TP Cà Mau) trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1981, nhà văn bắt đầu viết báo và cộng tác với nhiều báo, tạp chí trong cả nước. Ông đã xuất bản các tập bút ký: “Nỗi niềm U Minh Hạ”, “Đồng Cỏ chát”, “Thế giới người điên”, “Canh bạc”,“Đời chợ-Đời người”, “Người Sàn Gòn bất đắc dĩ”. Năm 2008, ông đạt Giải nhất cuộc thi bút ký báo Văn nghệ với tác phẩm “Cổ tích trên đỉnh mồ côi”.

Chuyện về một người nông dân cầm bút - ảnh 1Nhà văn Võ Đắc Danh - Ảnh: Báo Pháp luật. 

Chuyện đời chuyện nghề là tác phẩm mới nhất của nhà văn Võ Đắc Danh, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Cuốn sách được viết dưới dạng bút ký, ghi chép, kể lại những kỷ niệm tuổi thơ trong trẻo; câu chuyện đói nghèo của thời niên thiếu; năm tháng lăn lộn cuộc đời mưu sinh…Đặc biệt, tác giả cũng thể hiện chuyện bếp núc nghề làm báo với biết bao buồn vui, đau đớn, hạnh phúc…

Chuyện đời - Chuyện nghề hấp dẫn người đọc bởi tính chân thực của cảm xúc cũng như những câu chuyện. Qua đó, những trăn trở của tác giả về đời sống, xã hội, con người được bộc lộ; lòng trắc ẩn và tính nhân văn được khơi mở. Nhà văn Võ Đắc Danh chia sẻ, nguyên tắc của bút ký, ghi chép là luôn tôn trọng sự thật. Suốt 30 năm làm nghề, nhà văn luôn trung thành với nguyên tắc ấy, và trong thâm tâm ông luôn nghĩ mình chỉ là người nông dân cầm bút.

Hơn 90% trang viết của ông là chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người nông dân, nói thay họ những điều muốn nói, như ông chia sẻ: “Cuốn sách viết dưới dạng hồi ký, thông qua những câu chuyện được kể nó phản ánh một chặng đường của đất nước, thân phận của đồng bào. Chặng đường của một nhà báo lặn lội để bảo vệ cái tốt, chống cái xấu. Bên cạnh đó cũng có những câu chuyện về tuổi thơ, về thời niên thiếu, về công việc…Qua cuốn sách, người đọc được tiếp cận đời sống muôn màu muôn vẻ, chứ không kể lể tự sự những chuyện riêng tư, nghĩa là tác giả thoát ra khỏi cái tôi của mình, để lại trong lòng bạn đọc những dấu ấn về thời cuộc…”

Quê hương, xứ sở in đậm dấu ấn trong những câu chuyện và giọng văn Võ Đắc Danh. Nơi đó là cảm hứng để nhà văn gọi ra những nỗi niềm. Nơi đó ông được sinh ra và lớn lên, cũng nơi đó ông tận mắt chứng kiến những người thân yêu trong gia đình đã hi sinh; và nơi đó bao thăng trầm, được mất, bao chìm nổi phận người chìm nổi phận quê. Những niềm vui và vẻ đẹp ấu thơ hiện lên như một tiếng cười hồn nhiên quá đỗi. Những mối tình chớm nở tuổi mới lớn, gắn với quê hương, làm đẹp thêm cho quê hương và lẽ sống của mỗi người cho dù tất cả cũng chỉ là kỷ niệm. Độc giả thích thú khi đọc những đoạn viết về không gian thời thơ bé thật vui và đậm chất miền Tây.

Chuyện về một người nông dân cầm bút - ảnh 2 Toàn bộ tiền bán sách Chuyện đời chuyện nghề được nhà văn Võ Đắc Danh sử dụng xây cầu nông thôn và sản xuất bộ phim tài liệu Hành trình cây lúa Việt Nam. - Ảnh: Báo Pháp luật

Nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chuyện đời-Chuyện nghề không chỉ là câu chuyện của cá nhân tác giả. Hình tượng quê nhà trong những trang văn của Võ Đắc Danh cũng không còn là của riêng nhà văn nữa: “Chuyện đời-chuyện nghề không đi sâu vào lý giải công việc. Tác giả là nhà văn-nhà báo cho nên ở đây ông đi kiếm tìm sự thật nhưng đồng thời với một tâm cảm và ngôn ngữ của một nhà văn, chính vì thế những bài viết của Võ Đắc Danh trở nên đặc biệt hơn, sức sống lâu dài hơn. Trong một sự kiện xã hội được dựng lên thì đều chứa đựng số phận một con người. Cuốn sách xúc động, đầy ám ảnh về tuổi thơ. Thông qua một tuổi thơ đấy, một gia đình đấy, số phận một con người cụ thể thì ta có thể hình dung một giai đoạn của xã hội, của đất nước. Từ đó để cho mỗi người có thể tiếp cận một tương lai, đời sống tốt đẹp hơn”.

Trong tập sách có những đoạn viết về chiến tranh thật xúc động. Nhà văn khách quan kể chuyện chiến tranh tràn qua làng, tác động lên những thân phận cơ cực nghèo khó, qua đó toát lên tinh thần quyết giữ đất, giữ làng; bảo vệ quê hương đất nước. Chương 7, nhà văn viết về những ngày đầu tiên ông cầm bút viết văn. Thất bại và ông nhận ra rằng, đó là những trang viết không hề có sự thôi thúc nào bắt nguồn từ cảm xúc về thân phận con người. Mỗi chương sách là một chương gắn với cuộc đời tác giả.

Sau những đoạn tự sự về cuộc đời, nhà văn chủ ý đưa vào minh họa những bút ký tạo nên bước ngoặt trên chặng đường viết văn, làm báo cũng như cuộc đời của ông. Nhà văn Sương Nguyệt Minh khá ấn tượng với cách thể hiện này: “Cuộc đời của nhân vật cũng đồng thời là của tác giả; nó bề bộn, ngổn ngang, thăng trầm; nó trải qua tất cả các cung bậc đau khổ, tuyệt vọng, nợ nần, hạnh phúc, buồn vui; có lúc lãng mạn, trữ tình…cho nên cuộc đời của tác giả-nhân vật chỉ có chép lại đã đủ hay rồi. Thế nhưng tác giả chọn cách thể hiện là giữa cuộc đời của tác giả thì đưa tác phẩm bút ký vào minh họa cho việc tác giả dấn thân vào cuộc sống. Thế nên cuốn bút ký không chỉ viết về chuyện nghề mà còn chuyện đời bao quanh cái chất nhân bản, thấm đẫm, ngòi bút nhân ái. Tôi cho rằng đây là một tác phẩm đáng đọc trong tình hình sách hiện nay đang xuất bản rất ồ ạt, không kiểm soát”

Bút ký Võ Đắc Danh thấm đậm chất văn hóa, lịch sử, xã hội Nam Bộ, nhưng cũng nóng hổi tính thời sự và nhân ái, nhân văn. Lối viết giản dị, chân thực. Ông sử dụng ngôn ngữ thuần miền Tây như lối nói chuyện dân dã đời thường của người Nam Bộ. Giọng kể tả tâm tình, thủ thỉ, lại có khi bùng lên phẫn uất mỗi khi bất công ngang trái, nhưng cũng đầy cảm thông, chia sẻ với những phận người. Thông tin sự kiện đầy ắp, song cũng nhiều da diết, lãng mạn và giàu hình ảnh, chi tiết văn học.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng, đọc Chuyện đời chuyện nghề có lúc cảm như là hồi ký, có lúc là ghi chép, có lúc lại như phóng sự điều tra. Song, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bút ký văn học ở cuốn sách này vẫn là dòng chảy chủ đạo: “Theo tôi nó là bút ký văn học, vì ở đó nó chứa đựng cả những vấn đề nóng bỏng của đời sống lúc đó, số phận của con người, chứa đựng cả những giấc mơ bé bỏng nhưng đẹp đẽ, chứa đựng cả nỗi dày vò…Bút ký văn học chứa đựng những người thật, việc thật và cảm xúc, khát vọng của người viết.”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm, Võ Đắc Danh là người có sự bao quát lớn về đời sống, xã hội, con người; cùng với đó là sự tinh tế, mẫn cảm để đi sâu vào những góc khuất của mọi vấn đề, mọi số phận. Võ Đắc Danh sống giản dị, bộc trực, chân thành, cuộc đời nhiều sóng gió, thăng trầm. Bản thân ông cũng là một nhân vật sinh động cho các nhà văn, nhà báo sáng tạo.

Những năm gần đây, không chỉ đến gặp gỡ, chia sẻ tâm tư tình cảm với người nông dân, nhà văn Võ Đắc Danh còn giúp đỡ họ một cách thiết thực khi dùng tiền nhuận bút in sách, và kêu gọi các doanh nhân cùng tham gia xóa cầu khỉ. Hàng chục chiếc cầu tre nguy hiểm được thay thế bằng cầu bê tông vững chắc. Các lần ra mắt sách, dĩ nhiên cả lần này nữa, toàn bộ thù lao nhuận bút, tiền bán sách, nhà văn Võ Đắc Danh cũng sẽ đưa vào quỹ xây cầu cho người nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Võ Đắc Danh là một con người chính trực-một cây bút chính trực mà những nhà văn, nhà báo trẻ mới vào nghề có thể học được nhiều điều qua cuốn sách này. Chẳng hạn như cái tâm của người viết, cách lấy tư liệu, cách xử lý vấn đề trong một bài viết…” (Nhà văn Sương Nguyệt Minh)

Thể hiện trách nhiệm, sự công bằng và lòng dũng cảm của một nhà báo. Có thể cách viết báo ngày nay đã thay đổi, thậm chí cách tiếp cận hiện nay cũng đã thay đổi…nhưng bản chất của một nhà báo đó là trung thực, kiên định, trách nhiệm với xã hội và công bằng đấu tranh cho lẽ phải…thì điều đó đều thấy ở Võ Đắc Danh.” (Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu