Bùi Giáng: Một hồn thơ xanh mãi nét nguyên xuân

Đào Dục Tú
Chia sẻ
(VOV5)- Bùi Giáng hao hao... giống Nguyễn Bính, sinh ra trên đời là để làm thơ, thơ đồng nghĩa với đời. Người đọc thấy thơ họ tự nhiên như nói, như cười, như vui, như buồn, tự nhiên như . . . không.
(VOV5)- Trước năm 1975, do làm công việc biên tập báo chí tuyên truyền vào Nam nên tôi có  điều kiện tiếp xúc sớm  với sách báo, tài liệu Sài Gòn qua "kênh" ban Thống Nhất chuyển về. Khá nhiều nhật báo Sài Gòn thời bấy giờ như Đại Dân Tộc, Trắng Đen, Chính Luận, Sóng Thần, Tiền Tuyến, Điện Tín vv... trở thành "đống" nguyên vật liệu hàng ngày trải rộng trên bàn để những người mới nhập môn nghề báo chúng tôi khai thác, tích lũy tư liệu,tìm tư liệu viết bài..

Sau ngày giải phóng, phòng đọc hạn chế thư viện Khoa Học trung ương cung cấp  thêm nhiều cuốn sách của các tác giả mà trước đó mới chỉ nghe tên qua các phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Sài Gòn như linh mục Nguyễn Ngọc Lan với "Đạo hay pháo đài" " Cho cây rừng còn xanh lá"; như Giáo sư văn khoa Nguyễn Văn Trung với các tập Nhận Định ; như Giáo sư Lý Chánh Trung với " Những ngày buồn nôn"; nhà văn Vũ Hạnh với  Trên Đỉnh Non Cao trong đó có truyện Bút Máu khá nổi tiếng vân vân và vân vân . Thế nhưng tuyệt nhiên tôi chưa đọc gì biết gì về một tác giả kỳ tài thơ là Bùi Giáng. Ông hoàn toàn xa lạ kể cả khi tôi đã đặt chân vào Sài Gòn ngay sau giải phóng, vầng trăng cách mạng còn tròn vành vạnh ...

Mãi sau này, một hôm tình cờ tôi ghé chơi lang thang ở Viện Văn Học, giáp mặt "chú em" Phạm Xuân Nguyên trước cửa gian nhà tập thể trong viện bé tẻo teo, chú "nhoẻn cười ria mép rung rinh" hứng khởi đọc "Xin chào nhau giữa con đường-Mùa xuân phía trước miên trường phía sau". Lục bát thì quen mà " giọng điệu thơ" thì hơi lạ lạ có lẽ bởi chữ "miên trường" không thấy ở thơ văn miền Bắc.. Tôi trêu" thơ cậu à?" Nguyên: " Bác cứ đùa em. Bùi Giáng đấy !".

Tôi lưu tâm đến thơ Bùi Giáng, khởi sự từ "thông tin" ngắn của nhà phê bình quen biết. . .dân gốc Hà Tĩnh. Tôi không trực tiếp sống và trải nghiệm  như những người cầm bút  ở Sài Gòn, ở miền Nam, lại là "dân làm báo ngoại đạo văn" nên tất nhiên khó cảm và hiểu "tới bến, tận cùng" được thơ Bùi Giáng mà  đời thơ của ông cũng có thể  xem là một vệt "sao băng qua bầu trời đêm"; ánh xạ, khúc xạ  bầu khí quyển xã hội Sài Gòn trước biến cố rẽ ngoặt của lịch sử. Ví như Thanh Tâm Tuyền định danh  ông là "một hồn thơ bị vây khốn"; chính xác và ấn tượng quá ! Tôi chỉ muốn nói ra một ý nghĩ có thể hơi ngồ ngộ, Bùi Giáng hao hao. . . giống Nguyễn Bính, sinh ra trên đời là để làm thơ, thơ đồng nghĩa với đời. Họ làm thơ; người đọc thấy thơ họ không cầu kỳ cũng chả tân kỳ, thơ tự nhiên như nói, như cười, như vui, như buồn, tự nhiên như ... không; chả có gì là gắng gượng... sáng tác, sáng tạo.

Bùi Giáng: Một hồn thơ xanh mãi nét nguyên xuân - ảnh 1
Thi sĩ Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Chỉ một câu thơ Bùi Giáng "môi người nắng ngọt vây quanh" tượng trưng thế thôi, cũng đủ hình dung, iên tưởng đến đất và người châu thổ phương Nam trù phú thanh bình và thi vị.

Thơ tình ư? Người con trai thanh tân nào lần đầu chả thi vị hóa người con gái và  khí quyển tình yêu lãng du  những áng mây thơ bảy sắc cầu vồng bay lượn:

Mở con mắt một lần lên tiếng thử

Em, ồ em, anh nói một lời này

Em,ồ em,anh nói một lời này - thơ giản dị  tự nhiên thế chứ ! Một lời này, khi vui:

 Mình ơi tôi gọi bằng nhà

Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi

Và một lời này, khi buồn:  Buồn phố thị cũng xa bay như gió

Có một nghịch lý thường thấy là khi người viết cố ý sáng tạo,  "điêu ngôn khắc ngữ" thì nhiều khi thơ lại chẳng có gì mới; cũng chả thấy gì khác lạ. Thơ đông tây kim cổ mênh mông như biển chữ,các bậc cao thủ kỳ nhân kỳ tài thơ xưa nay người ta đã vượt qua xa lắm rồi, hết cổ đến kim,qua cổ điển đến lãng mạn, hết lãng mạn sang tượng trưng ,siêu thực  trên con đường nghệ thuật ngôn từ.

Thơ lục bát trên sáu dưới tám thì còn gì lạ với người Việt ? Mẹ hát ru ca dao từ thủa lên ba - "mẹ bồng ra ngõ hái hoa em cầm" Thế nhưng có lẽ  ngoài ý tưởng tự nhiên như . . . không "xin chào nhau giữa con đường" lại sâu xa như. . . có " bây giờ riêng đối diện tôi-còn hai con mắt khóc người một con" cùng hàng loạt những từ Hán Việt trở đi trở lại không chỉ một lần trong thơ,ví như miên trường,cố quận, ngẫu nhĩ, nguyên xuân, phiêu bồng, ban sơ, ngõ hạnh....gây ra cảm tưởng thơ Bùi Giáng  khác lạ  rõ rệt! Đùa đùa  ngu ngơ đấy rồi lại cổ kính trang trọng đấy. Người đọc đã quen quen với điệu thơ ca dao chân quê Nguyễn Bính "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông-Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào", " Nhà nàng ở cạnh nhà tôi -Cách nhau một dậu mùng tơi xanh rờn"; thơ như trò chuyện, thơ như nói cũng thành thơ; không mấy khi người đọc "vấp" phải từ Hán Việt cổ xưa như "hồn thúy thảo", như nguyên xuân, cố quận, vãng sự vân vân. Những từ ấy "cấp" cho thơ lục bát Bùi Giáng một phong vị riêng, gọi nôm na. . . chung chung là khác lạ khác người !

Thơ ông khác lạ hiển nhiên do đời ông khác lạ. Nói đến ông là người ta hình dung ngay ra một người điên điên trong đời thực ám ảnh và gây ái ngại cho  người đời , cho đồng nghiệp  với ông trên đất Sài Gòn trước và sau khúc quanh lịch sử ba mươi tháng tư. Thiên hạ bảo ông "Bàng Giúi điên điên". Còn ông, ông  không chối bỏ điều đó và tự nguyện hành xử như một con người rất bất bình thường . Để làm chi ?

Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt

Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em

Ông cuồng si chữ nghĩa, ông sáng suốt trong trước tác, học thuật ; ông nổi tiếng thông tuệ trong công việc biên dịch và diễn dịch triết học phương Tây; ông tự nguyện đui mù không biết không hay những chuẩn mực ứng xử và đạo đức bình thường và tầm thường ở đời, để thỏa nguyện yêu tình yêu bất tử qua thơ , yêu tận hiến bằng thi ca Việt:

                             Em về mấy thế kỷ sau

                             Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không

                             Ta đi còn gửi đôi dòng

                             Lá rơi có dội ở trong sương mù

Trong cái đại dương sương mù thời gian vô cùng vô tận vô thủy vô chung ấy, nhiều câu thơ Bùi Giáng được người đời xem là ảo diệu như cánh lá thơ  rơi rơi giữa thinh không mà tưởng như vẫn dội lại vô thanh trong tâm cảm người đọc. Thơ ông xanh mãi nét "nguyên xuân" ! ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu