Nâng cao trải nghiệm cho người dân khi sử dụng Cổng Dịch vụ công trực tuyến

Chia sẻ
(VOV5) - Cổng DVCTT cần hướng tới 3 trụ cột: chuyên nghiệp, thông minh và đáng tin cậy.

Hôm nay (11/07), tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp uốc (UNDP) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp tổ chức tọa đàm “Đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cấp tỉnh lần thứ nhất, năm 2023”.

Tọa đàm có sự tham dự của đại biểu đại diện cho UNDP, IPS, Cục Chuyển đổi số quốc gia, văn phòng UBND, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp của nhiều tỉnh/thành trên cả nước.

Nâng cao trải nghiệm cho người dân khi sử dụng Cổng Dịch vụ công trực tuyến - ảnh 1Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: VOV

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị về tăng tính thân thiện, dễ sử dụng của giao diện cổng DVCTT và đề xuất hoàn thiện chính sách phát triển DVCTT để cải thiện tỷ lệ và nâng cao trải nghiệm của người dân. Theo đó, cổng DVCTT cần hướng tới 3 trụ cột: chuyên nghiệp, thông minh và đáng tin cậy. Các trụ cột này nhằm đảm bảo một số mục tiêu, như: ngôn ngữ thuần Việt, dễ hiểu; liên thông các hệ thống cung cấp DVCTT; tối ưu hóa quy trình thực hiện cho người dùng; cam kết bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm các quyền của người dùng với dữ liệu... Đặc biệt, nghiên cứu đề xuất DVCTT cần phải thân thiện hơn với người khuyết tật bằng cách rà soát định kỳ, phát hiện và cải thiện mức độ thân thiện với người khuyết tật sử dụng trình đọc màn hình và mời nhóm người khuyết tật tham gia đánh giá trải nghiệm DVCTT.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, cho rằng: "Chính phủ, với đầu mối là Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, cần tập trung vào 2 nhóm việc trọng tâm, gồm: hoàn thiện chức năng cung cấp dịch vụ công cho 25 dịch vụ công thiết yếu nhất và nâng cao trải nghiệm cho người dùng dịch vụ thông qua cải tiến giao diện dễ sử dụng và thân thiện hơn. Làm được khâu này sẽ giúp Việt Nam tăng điểm số, đạt mục tiêu lọt vào nhóm 50 quốc gia đứng đầu trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc vào năm 2025."

Đồng tình với ý kiến này, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến dễ tiếp cận và sử dụng cho người dân, đặc biệt là những người không thạo công nghệ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu