Tục ở rể của người Thái ở vùng Tây Bắc

Chia sẻ
(VOV5) - Xã hội phát triển, ngày nay tục ở rể trong các bản mường người Thái Tây Bắc không còn bắt buộc nữa, nhưng nhiều gia đình người Thái vẫn duy trì, nhưng không gò ép về thời gian như trước.

Mùa xuân là mùa cây trái đâm chồi nảy lộc và mùa xuân cũng là mùa để các chàng trai, cô gái dân tộc Thái ở vùng cao Tây Bắc, tìm hiểu nhau để kết duyên vợ chồng. Trong đời sống hôn nhân, đồng bàoi Thái ở vùng Tây Bắc có một tục lệ rất độc đáo mang tính nhân văn sâu sắc, đó là tục ở rể sau cưới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Trước đây, theo phong tục tập quán của người Thái Tây Bắc, khi nam nữ đem lòng yêu nhau, muốn tiến tới cuộc sống hôn nhân, thì nhà trai sẽ phải chuẩn bị ít nhất vài ba cuộc ăn hỏi ở các cấp độ khác nhau tại nhà gái thì mới được tiến hành tổ chức lễ thành hôn cho đôi uyên ương. Cuộc thứ nhất, mẹ chàng trai sẽ cùng một người phụ nữ khác trong họ hàng thân thích đến nhà gái để gặp gỡ, trò chuyện, tìm hiểu sơ bộ về gia đình cô dâu tương lai, chỉ có chị em phụ nữ 2 bên gia đình gặp nhau (gọi là pay chóm).
Tục ở rể của người Thái ở vùng Tây Bắc - ảnh 1Người mai mối cùng vợ chồng trẻ quỳ lạy báo cáo tổ tiên. Ảnh: VOV

Cuộc thứ hai,  nhà trai sẽ chủ động mang chuối ngọt, mía thơm đến trò chuyện cụ thể hơn về việc cưới xin cho chàng trai và cô gái (gọi là vay cuổi ỏi). Cuộc thứ ba, nhà trai sẽ nhờ mai mối tiếp tục đến nhà gái thưa chuyện kỹ hơn, mang theo ít thực phẩm như rượu, nếp xôi, cá nướng đủ vài mâm cơm. Cuộc này không bắt buộc có lợn, nhưng phải có đôi gà luộc chín sẵn ( gọi là vay lảu cáy). Cuộc thứ tư, ( gọi là vay lảu mù).

Cuộc này, bắt buộc phải có lợn, có gà để mổ ăn, có sự hiện diện đông đủ anh em, họ hàng nội ngoại của cô gái và bà con lối xóm.

Ông Cầm Vui, nghệ nhân, hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: "Tại cuộc này, cả 2 bên gia đình sẽ cùng thống nhất về mọi thủ tục, nhà gái thách cưới bao nhiêu đồng bạc trắng, tiền công ơn sinh thành của bố mẹ cô dâu, thời gian ở rể bao lâu…thì lúc đó nhà trai mới chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức đám cưới cho đôi vợ chồng trẻ."

Đặc biệt ở cuộc thứ 4, nhà trai bắt buộc phải có ông mai, bà mối, dẫn đoàn nhà trai sang nhà gái, thực hiện mọi nghi thức theo phong tục tập quán. Đặc biệt, là không thể thiếu tục hát đối giữa mai mối hai nhà, nên thường chọn mai, mối biết hát ( khắp Thái) để hát đối đáp giữa nhà trai, nhà gái trong bữa tiệc cưới của đôi uyên ương. Cuộc vui, hát đối có thể kéo dài đến thâu đêm, suốt sáng mà không hề thấy mệt mỏi.

Và cũng kể từ ngày này, chàng rể chính thức trở thành thành viên trong gia đình, ở rể bên nhà gái, để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ nhà gái, một phần cũng để đôi vợ chồng trẻ có thời gian lao động, sản xuất, tích góp được ít của cải, vật chất trước khi ra ở riêng.

 Ông Tòng Văn Hịa, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết: "Thời gian ở rể bao lâu sẽ do bố mẹ nhà gái quyết định, nhưng ít nhất cũng phải từ một năm, đến hai năm trở lên, có trường hợp từ 3-5 năm thì mới được đề đạt việc tổ chức đón dâu về. Tuy nhiên, cũng tuỳ thuộc hoàn cảnh của từng gia đình, chẳng hạn nhà trai neo người, không có người lao động thì ở rể được 1 năm cũng có thể xin phép đón dâu về và phải được sự nhất trí của bố mẹ cô dâu. 

Trong thời gian này, người con rể cũng được coi là thành viên chính thức của gia đình, của cải vật chất làm ra đều là tài sản chung của gia đình. Chính vì thế, có những gia đình có đến 3-4 thế hệ, với nhiều đôi vợ chồng cùng chung sống mà vẫn hạnh phúc, giữ được tôn ty trật tự, nếp sinh hoạt của gia đình.

Bà Cà Thị Thịnh, ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: "Dâu, rể ngày xưa cũng khá vất vả như phải thức khuya, dậy sớm hơn so với mọi người. Từ việc ăn ở, đi đứng, nói năng đều phải có tắc phép. Con dâu thì ngoài việc chăm chỉ chịu khó, giỏi nội trợ, còn phải khéo tay thêu thùa khăn piêu, se tơ, dệt vải. Con rể, ngoài làm những công việc nặng nhọc thì còn phải biết tranh thủ đan lát một số vật dụng trong nhà, sáng sớm dạy trước để mài dao, cuốc lên nương…làm được như vậy mới được coi là dâu hiền, rể thảo, được cha mẹ, họ hàng khen ngợi."

Xã hội phát triển, ngày nay tục ở rể trong các bản mường người Thái Tây Bắc không còn bắt buộc nữa, nhưng nhiều gia đình người Thái vẫn duy trì, nhưng không gò ép về thời gian như trước để tạo thuận lợi nhất cho các cặp vợ chồng trẻ ổn định cuộc sống. Bà con luôn coi đây một phong tục mang tính nhân văn sâu sắc trong đời sống hôn nhân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu