Sử thi trong đời sống tinh thần người Raglai

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5)- Sử thi của người Raglai là thể loại tự sự dân gian truyền miệng, cho tới nay vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của người dân và thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
(VOV5)- Sử thi của người Raglai là thể loại tự sự dân gian truyền miệng, cho tới nay vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của người dân và thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng.



Nghe nội dung chi tiết tại đây





Cũng như nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đất Tây Nguyên và Tây Nam bộ, dân tộc Raglai có hệ thống sử thi phong phú. Ở thung lũng Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), nơi có nhiều người còn nhớ thuộc sử thi, ông Mấu Quốc Tiến, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian dân tộc Raglai là người đi đầu trong việc sưu tầm và bảo tồn sử thi. Theo ông, sử thi Raglai là hình thức chuyện kể diễn xướng bằng thơ (văn vần) đã có từ lâu đời. Trong những đêm lễ hội, già trẻ trong Plây ( buôn làng) thường ngồi quây quần bên ánh lửa trong nhà dài để nghe hát sử thi. Đó là những câu chuyện, kể về những anh hùng, những chàng trai vạm vỡ như Udai-Ujàc, là người đội lốt thú như Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi hay là người phụ nữ như Awơi nãi Tilơr đấu tranh chống lại thần rừng, thần biển bảo vệ người dân…Các câu chuyện trong sử thi Raglai luôn gợi lên hình ảnh những anh hùng trong trí tưởng tượng. Đó là những nhân vật lịch sử, họ uy nghi, mạnh mẽ làm được những việc phi thường. Ông Tiến cho biết: “Mỗi một tác phẩm sử thi rất đồ sộ. Người Raglai không có chữ viết nên sử thi được truyền khẩu từ đời này sang đời khác và người ta nhớ bằng trí óc của mình. Đây cũng là đặc điểm khác với sử thi của một số dân tộc khác".



Sử thi trong đời sống tinh thần người Raglai  - ảnh 1
Sử thi của người Raglai thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Ảnh: Baokhanhhoa


Theo ông Tiến, sử thi của người Raglai không chỉ là nghệ thuật mà chính là cuộc đời…chẳng hạn như sử thi Amã Chi Maja (Chàng Chi Maja) kể về một chàng trai Raglai tài giỏi xua đuổi thú dữ, giúp dân làng có cuộc sống yên lành. Khi giặc tràn tới buôn làng, chàng lại bày cho dân làng đánh giặc…Giọng kể sử thi có khi đang đều đều, bỗng đột ngột vút lên cao, rồi lại trầm hẳn, lời nói thì thầm như lời tổ tiên người Raglai vọng về. Cao hứng, có khi người kể còn vung tay như diễn tả cuộc chiến sinh tử của nhân vật ở đầu làng hay một khu rừng nào đó. Chính vì thế mỗi lần kể sử thi là một lần sáng tạo, không lần nào giống lần nào. Trong diễn xướng sử thi, người Raglai cũng thường sử dụng các làn điệu dân ca đế hát xướng, ví như điệu “Siri” dìu dặt kéo dài như lời ru con của các bà mẹ Raglai hát trên đường đi lên rẫy. Điệu “Majêng” ngân nga như lời tâm sự của người mẹ kể cho con nghe khi ru bé ngủ. Điệu “Adoh” với âm tiết nhanh, rộn ràng thường được dùng cho những buổi sinh hoạt cộng đồng, những mùa lễ hội.


Đó là giọng hát của bà Katơ Thị Sính trong chuyện kể sử thi Uđai nói về chiến tranh, về tình yêu nam-nữ. Đây là một trong hai bộ sử thi dài và là đặc trưng của người Raglai. Dù tuổi đã ngoài 60, nhưng bà vẫn nhớ và thuộc toàn bộ câu chuyện mà nếu kể hết  mất 1 ngày và 1 đêm. Bà Katơ Thị Sinh cho biết: Bà học hát sử thi từ mẹ mình từ khi còn nhỏ  khoảng 7-8 tuổi. Bà học sử thi cả khi ở nhà, lên rừng, trên nương rẫy, khi đi hái rau... nhưng lúc rảnh bà lại nghe các bài hát…Bà Katơ Thị Sính kể: Mình nghe má mình hát, thấy nghe hát hay hay thì mình học lại, mình thích quá không ngủ được rồi học miết đến khi thuộc rồi nghe người ta thấy hay, thấy đẹp lắm…Hồi nhỏ mình ở với cha mẹ miết, có trường như bây giờ đâu mà đi học, ở nhà suốt, hát nhiều lâu ngày thì thấm. 


Ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, có nghệ nhân kể sử thi nổi tiếng là cụ bà Mấu Thị Diên, năm nay đã hơn 90 tuổi. Cụ Diên là người có thể hát sử thi cả tuần không nghỉ. Cụ Diên cũng là người lớn tuổi nhất của dân tộc Raglai còn hát được sử thi. 


Sử thi trong đời sống tinh thần người Raglai  - ảnh 2
Nghệ nhân dân gian hát sử thi cho các cháu nghe. Ảnh: Baokhanhhoa


Theo ông Mấu Quốc Tiến, bà Katơ Thị Sính hay cụ bà Mấu Thị Diên thực sự là những linh hồn, là kho tàng sống của sử thi Raglai. Kho tàng sống ấy ngày càng ít đi, bởi những người còn nhớ thuộc kể sử thi Raglai tuổi ngày càng cao, hiện chỉ còn 8-10 người. Vì thế mà uỷ ban nhân dân huyện Khánh Sơn đã kết hợp với ngành văn hoá tổ chức sưu tầm, thu âm hàng trăm băng Catstete và văn bản hoá hàng chục chuyện kể sử thi của các nghệ nhân. Tỉnh Khánh Hoà cũng mở 3 lớp truyền dạy sử thi cho lớp trẻ. Đây là những giải pháp kịp thời nhằm bảo tồn kho tàng sử thi của dân tộc Raglai.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu