Nón lá Hai Mê – Biểu tượng văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở Xuân Giang

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Nón được trao cho cô gái khi về nhà chồng, là vật kỷ niệm của cha mẹ với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng con.

Nằm cách trung tâm huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, khoảng 15km, xã Xuân Giang là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Tày. Không chỉ nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, Xuân Giang còn được biết đến với nghề làm nón hai mê –một biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Tày nơi đây.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:  
Nón Hai Mê, với thiết kế chóp nhọn và vành rộng, không chỉ là vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa của người Tày. Để làm ra được một chiếc nón hai mê, trước tiên là cần sự tỉ mỉ trong việc chọn cây giang để đan thành khuôn nón.

Bà Hoàng Thị Điếm, ở Thôn Chì, xã Xuân Giang, cho biết: "Làm nón phải chuẩn bị nhiều khâu... cây giang mang về phải cạo vỏ, chẻ lạt, vót và đan. Hoàn thành 1 cái nón phải có thêm lá cọ. Lá cọ lấy về hơ qua lửa, phơi khô rồi mới lợp lên nón. Lợp kín cọ lớp đầu tiên, lớp thứ 2 khâu lại thật chắc chắn. Đan xong phải gác lên bếp củi, khi nào nón chuyển qua màu đen thì mới được coi là chiếc nón hoàn chỉnh. Có khi phải để trên gác bếp 2-3 tháng."

Nón lá Hai Mê – Biểu tượng văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở Xuân Giang  - ảnh 1Nón Hai Mê, với thiết kế chóp nhọn và vành rộng, không chỉ là vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa của người Tày.
Ảnh: Vĩnh Phong/VOV5

Mỗi chiếc nón là kết quả của quá trình lao động cần mẫn và khéo léo. Từ việc chọn nguyên liệu, đan nan, bọc lá cho đến khâu hoàn thiện, tất cả đều thể hiện tinh hoa của nghệ thuật thủ công truyền thống. Bà Hoàng Thị Yếm, Nghệ nhân làm nón Hai Mê, cho biết:  "Tôi làm nón từ năm 15-16 tuổi. Học theo mẹ và các cô, các bà làm... Mình tự đi lấy cây về chẻ, làm nón và học hỏi thêm. Tôi muốn con cháu học hỏi thêm để làm nón Hai Mê để giữ lại nghề truyền thống của dân tộc Tày."

Nghề truyền thống đan nón lá hai mê của đồng bào dân tộc Tày ở Xuân Giang đã có từ rất lâu đời. Toàn xã hiện có khoảng 60 hộ thường xuyên tham gia thực hiện làm nón. Chiếc nón lá Hai Mê từ bao đời nay không những là công cụ hữu ích để che mưa, che nắng trong công việc đồng áng của người Tày mà còn có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới, hỏi.

Nón lá Hai Mê – Biểu tượng văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở Xuân Giang  - ảnh 2Bà Hoàng Thị Yếm (trái) đang đan mê nón theo khung mẫu có sẵn.
Ảnh: Vĩnh Phong/VOV5

Bà Nguyễn Thị Túc, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Quang Bình, cho biết: Nón được trao cho cô gái khi về nhà chồng, là vật kỷ niệm của cha mẹ với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng con: "Nón lá Hai mê được người mẹ, người bà đan và trao tặng cho cô dâu khi về nhà chồng. Trong cuộc sống hằng ngày, bà con đội để che nắng, che mưa khi ra đồng, lên đồi sản xuất. Nón có cả nón dành cho nam và cho nữ.

Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, chia sẻ:  "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề làm nón Hai Mê là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Từ vinh dự này, chúng tôi đã thành lập các Câu lạc bộ để giữ gìn, phát huy nghề truyền thống này. Từ nghề đan nón lá Hai Mê, chúng tôi gắn với phát triển du lịch. Du khách đến với Xuân Giang có thêm sản phẩm du lịch trải nghiệm, từ đó góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho bà con."

Nón lá Hai Mê – Biểu tượng văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở Xuân Giang  - ảnh 3Những lá cọ non được chọn lựa, hơ qua lửa và được đặt vào giữa 2 mê nón.
Ảnh: Vĩnh Phong/VOV5

Để giữ gìn ngọn lửa nghề làm nón Hai Mê, xã Xuân Giang đã tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật làm nón, từ đó khơi dậy niềm đam mê và trách nhiệm trong thế hệ trẻ. Nghề làm nón cũng được gắn kết chặt chẽ với các sự kiện văn hóa địa phương như lễ hội, chợ phiên và hội chợ thương mại, giúp sản phẩm truyền thống trở nên gần gũi hơn với cộng đồng và du khách.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu