Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chu Ru

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Văn hóa Chu Ru với những nét độc đáo riêng đã tạo nên một sức hút kỳ lạ khiến những ai một lần lên thăm vùng đất Tây Nguyên đều yêu mến và say mê khám phá. Từ trang phục đến nghệ thuật dân gian, nghề làm gốm truyền thống… tất cả đều được cộng đồng dân tộc Chu ru gìn giữ và phát huy. 
(VOV5) - Văn hóa Chu Ru với những nét độc đáo riêng đã tạo nên một sức hút kỳ lạ khiến những ai một lần lên thăm vùng đất Tây Nguyên đều yêu mến và say mê khám phá. Từ trang phục đến nghệ thuật dân gian, nghề làm gốm truyền thống… tất cả đều được cộng đồng dân tộc Chu ru gìn giữ và phát huy. 

Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chu Ru - ảnh 1
Sản phẩm gốm của người Chu Ru. ( Nguồn Internet)

Nghe âm thanh tại đây:

Dân tộc Chu Ru có một kho tàng văn học nghệ thuật đa dạng và phong phú, trong đó chứa đựng cả nguồn tư liệu lịch sử quý giá. Ngoài những bài trường ca, đồng bào Chu Ru vẫn còn lưu giữ những câu ca dao, tục ngữ ca ngợi chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ, cùng cuộc đấu tranh của người lao động với thiên nhiên để giành lấy cuộc sống hạnh phúc. Về nhạc cụ, dân tộc Chu Ru có trốngkèn bầu (rơkel)đồng la (sar), r’tông, kwao, tenia… trong đó nổi bật là chiêng, nhạc cụ được đánh trong những ngày lễ hội trong điệu Tamya Arya, một vũ điệu điêu luyện nổi tiếng mang tính cộng đồng, hầu như người nào cũng biết và ưa thích. Nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, bà Linh Nga Nie KĐăm, cho biết: “ Dân tộc Chu Ru có bộ chiêng chỉ có 3 chiếc. Trong khi các dân tộc khác như Xê Đăng, diễn tấu động, mọi người cầm chiêng đi vòng quanh nhà hoặc cột nêu, vừa đi vừa múa, thì người Chu Ru lại diễn tấu tĩnh. Ba cái chiêng được cheo lên hoặc để trên một cái giá đỡ và chỉ có một người đánh”.


Đồng bào Chu Ru là dân tộc có đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ. Từ đất, các nghệ nhân Chu Ru làm ra những vật dụng bằng gốm sử dụng hằng ngày. Buôn Krăng Gọ, xã Próh, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nơi sinh sống của dân tộc Chu Ru, hiện còn lưu giữ nghề thủ công truyền thống gắn bó với đồng bào từ hàng ngàn năm. Kỹ thuật chế tác đồ gốm của đồng bào Chu Ru khá đơn giản, các sản phẩm đều được vuốt, nặn bằng đôi bàn tay. Vào mùa khô, từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 năm sau, các gia đình trong Krăng Gọ đều nổi lửa đốt gốm. Bà Lương Thanh Sơn, Nhà nghiên cứu dân tộc Tây Nguyên, chia sẻ:  “Nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru giống nghề làm gốm của đồng bào dân tộc Chăm ở làng gốm Bầu Trúc, đó là không dùng bàn xoay. Người làm là chạy quanh trụ được làm bằng thân cây hoặc lật ngược chiếc cối đá lên để làm gốm. Các sản phẩm gốm cũng được nung lộ thiên và rất nguyên thủy”.


Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chu Ru - ảnh 2
Nghề làm gốm thủ công vẫn được người Chu ru gìn giữ. ( Nguồn Internet)


Một trong những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Chu Ru là chuyện cưới hỏi bởi dân tộc này vẫn còn giữ chế độ mẫu hệ. Theo tục lệ của đồng bào Chu Ru, người phụ nữ quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Ngay cả trong hôn nhân, họ cũng là người chủ động và con cái sinh ra đều mang họ mẹ. Ở nhiều dân tộc khác, người con trai cùng gia đình mình luôn chủ động trong việc hôn nhân, từ chuyện nhờ người mai mối đến chuẩn bị lễ vật và đám cưới… nhưng ở đồng bào Chu Ru, lại hoàn toàn ngược lại. Đến nay, tục bắt chồng của người Chu Ru vẫn còn lưu giữ ở nhiều bản làng ở tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, khi một cô gái Chu Ru yêu một chàng trai nào đó, cô sẽ về thưa chuyện với bố mẹ để làm lễ đến hỏi cưới chàng trai. Mùa xuân, nhà gái chọn ngày mang lễ vật đến nhà trai. Nếu nhà trai từ chối, nhà gái ra về và hẹn sẽ đến lần sau khi nhà trai đồng ý gả con cho mới thôi. Nếu chàng trai từ chối, những người đàn ông của nhà gái sẽ cố tìm cách đeo nhẫn vào tay chàng trai để bắt rể bằng được. Khi ngón tay của chàng trai đã có chiếc nhẫn của nhà gái thì chàng trai chính thức trở thành chàng rể. Nếu không đồng ý, chàng trai tháo nhẫn trả lại nhà gái thì nhà trai sẽ phải chuẩn bị trâu, rượu đền cho nhà gái. Còn khi hai bên đã thuận tình, nhà gái sẽ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để chuẩn bị cho ngày đón rể. Bà Lương Thanh Sơn, Nhà nghiên cứu dân tộc Tây Nguyên, cho biết thêm: “Trong tục cưới hỏi của dân tộc Chu Ru và một số các dân tộc gần gũi với Chu Ru, thủ tục thách cưới rất nặng nề, nhiều cô gái nghèo không có tiền để lo đám cưới đã không lấy được chồng. Sau khi cưới, chàng trai về nhà cô gái ở. Theo phong tục, chàng trai phải đi ở rể. Đôi khi về hoàn cảnh gia đình, chàng trai sẽ ở rể trong một thời hạn nhất định, nhưng trước đó cô dâu cũng phải về ở nhà chú rể một thời gian”.


Ngày cưới, đầu giờ sáng, nhà gái cùng nhà trai tiến hành các thủ tục làm lễ rước rể về nhà cô dâu. Trước lúc lên đường, mẹ cô gái choàng, thắt khăn cột đôi bạn trẻ lại với nhau. Việc trùm khăn lên cô dâu chú rể là một nghi thức quan trọng cầu cho lứa đôi luôn sát cánh bên nhau hạnh phúc trọn đời. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu