Nhà ở truyền thống của người Giáy

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Bản Tả Van Giáy, thuộc huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, nằm gọn trong lòng thung lũng Mường Hoa thơ mộng. Bên dòng suối Hoa uốn lượn rì rầm chảy ngày đêm, những nếp nhà nhỏ của bà con dân tộc Giáy tựa lưng vào núi nằm quây quần bên nhau ấm cúng

(VOV5) - Bản Tả Van Giáy, thuộc huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, nằm gọn trong lòng thung lũng Mường Hoa thơ mộng. Bên dòng suối Hoa uốn lượn rì rầm chảy ngày đêm, những nếp nhà nhỏ của bà con dân tộc Giáy tựa lưng vào núi nằm quây quần bên nhau ấm cúng. Đó là điều đặc trưng của một cộng đồng vốn có cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên này. Nhà là nơi sống, làm việc, sinh hoạt thường nhật của mọi thành viên gia đình nên cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Giáy rất thận trọng khi làm nhà.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Theo quan niệm của người Giáy, đất và hướng nhà là 2 yếu tố vô cùng quan trọng, là điều kiện quyết định sự thành bại của gia chủ. Để chọn đất làm nhà, người Giáy thường nhờ đến sự giúp đỡ của các thầy mo. Sau khi cầu khấn thần linh, thầy mo sẽ tìm mảnh đất phù hợp với gia đình, dòng họ đó. Chọn nơi làm nhà, bao giờ người Giáy cũng quan tâm đến nguồn nước. Họ thường cư trú ở các thung lũng, tập trung sống tại khu vực ven sông suối, bên cạnh ý nghĩa tâm linh là nơi mát mẻ, an bình, họ còn có điều kiện canh tác, trồng lúa nước, làm nương rẫy... Sau khi chọn được đất, với người Giáy, dựng nhà cần phải chú ý chọn hướng. Họ quan niệm làm nhà đúng hướng sẽ đem đến tài lộc, hạnh phúc... cho mọi thành viên. Ông Sần Cháng, bậc cao niên ở bản Tả Van Giáy, cho biết: Đằng trước nhà phải thoáng. Đằng sau nhà phải có chỗ tựa, thường là tựa vào núi. Nếu nhà ở bãi đất bằng phẳng thì ít nhất đằng sau lưng, ở xa xa cũng phải có núi. Người ta kiêng nhất là có núi đá hoặc hòn đá to chắn đằng trước. 

Nhà ở truyền thống của người Giáy - ảnh 1
Ảnh:dulichsapa.vn

Theo quan niệm của người Giáy, chọn hướng nhà như vậy mới được thần núi che chở, bảo vệ khỏi những điều xui xẻo. Ngoài ra, hướng đó phải thoáng đãng, rộng lớn, không bị che khuất tầm nhìn, có thế mới mong làm ăn phát đạt, đặc biệt không có mồ mả chắn phía trước. Ông Hoàng Văn Lù, ở bản Tả Van Giáy, cho biết thêm: Phải chọn hướng chọn theo tuổi xem chủ nhà tuổi nào hợp với hướng nào. Hôm dựng nhà trùng với ngày tháng, tuổi của người nào trong nhà thì người đó phải tránh đi chỗ khác, dựng nhà xong mới cho về. 

 

Từ nguồn vật liệu sẵn có trong tự nhiên, bà con dân tộc Giáy thường dựng nhà bằng 2 loại nguyên liệu: gỗ hoặc lấy cây vầu, cây nứa chẻ ra rồi đan lại và lấy đất trộn rơm trát lên đó làm tường. Nhà đất hay nhà gỗ phụ thuộc vào mức độ khá giả của mỗi gia đình. Ông Sần Cháng cho biết: Chọn gỗ thì trước hết cây đó không phải là cây bị sét đánh, cây không có tổ quạ trên ngọn, không được cụt ngọn. Người ta kị những cây thế này, người ta không lấy. Lấy làm thứ khác thì được nhưng không lấy để làm cột nhà. Gỗ thì bất kỳ gỗ nào cũng được.

 

Chiều cao ngôi nhà của người Giáy được tính từ nền đất đến xà ngang, thường là 1, 8m trở lại, còn chiều rộng nhà khoảng 9, 10m. Người Giáy làm nhà 3 gian, mỗi gian có những ý nghĩa nhất định. Ông Hoàng Văn Lù giải thích: Nhà người Giáy thường làm thành 3 gian. 4 vỉ cột này chia nhà thành 3 gian. Thường thường gác xép chỉ làm ở 2 gian ngoài, gian giữa để thông thoáng. Trước đây thời các cụ ở gian giữa thường làm 6 cột, nhưng bây giờ chỉ làm 4, 5 cột thôi. Thường cột giữa nhà phải chạm tận đất, nhưng bây giờ bỏ bớt cột cái đó đi.

 

Gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách, được coi là trang nghiêm nhất nên cho vào các dịp lễ, Tết, các ngày giỗ, mọi người mới quây quần ăn cơm tại đây. Theo tục lệ của người Giáy, phụ nữ không được nằm gian giữa. Ông Lù giới thiệu: Nhà càng cổ thì càng phải có gác xép, nếu không có gác xép thì không phải là nhà của người Giáy. Người ta gọi là cái lầu. Ở bếp đựng 1 số đồ dùng trong bếp, còn lại các đồ đạc khác, tất cả đều để trên lầu. Thóc lúa, gạo thịt... để trên đó như một cái kho. Nếu có khách thì có thể dọn đi để cho khách ngủ trên đó cũng được.

 

Buồng của các thành viên trong gia đình ở các gian bên cạnh gian giữa. Nếu nhà có nhiều con dâu, thì buồng của vợ chồng con cả sẽ nằm ở phía mặt trời lặn, buồng của con dâu tiếp theo nằm ở phía mặt trời mọc. Trước đây, bếp thường nằm ở gian bên trong ngôi nhà của người Giáy, nhưng ngày nay, nhiều gia đình người Giáy đã làm bếp đun nấu riêng, độc lập với nhà. Ông Sần Cháng giải thích: Con dâu cả phải ở gian bên ấy thì gần với bếp lò, để sáng con dâu dậy sớm làm bếp. Còn gian bên này người già ở thì có thể dậy muộn hơn 1 chút. Sắp xếp như thế để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt gia đình.

 

Nhà truyền thống của người Giáy thường có 3 cửa: cửa chính ở gian giữa để ra vào, một cửa ra nhà bếp, một cửa nằm ở trong buồng mở ra phía đằng sau nhà. Gian giữa được làm thụt vào so với 2 gian bên, cửa sổ ở hai gian này có kích thước chỉ khoảng 20x40cm. Ông Sần Cháng lí giải: Cửa ra nhà bếp để người ta ra vào khi tránh những việc không được đi vào gian chính. Kiêng xách thịt tươi đi qua cửa chính, phải đi từ đằng cửa bếp. Phụ nữ mới đẻ không được đi cửa chính nếu đứa trẻ chưa được ra mắt tổ tiên.

 

Trước cửa chính của ngôi nhà, đồng bào Giáy còn treo mắc những quả còn bằng vải đủ màu sắc để trang trí cho ngồi của mình. Đây là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Giáy. Ngôi nhà truyền thống là nơi lưu giữ những nếp sinh hoạt truyền thống cũng như thể hiện cuộc sống thường nhật của bà con người Giáy ở Lào Cai./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu