Người Cơ Tu giữ gìn văn hóa truyền thống

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Bản sắc văn hóa truyền thống dù ít nhiều bị mai một sau bao biến thiên song giờ đây người Cơ Tu rất có ý thức giữ gìn thông qua những sinh hoạt hàng ngày như chơi các loại nhạc cụ truyền thống, tổ chức các lễ hội đâm trâu, lễ hội cầu mùa...

(VOV5) - Bản sắc văn hóa truyền thống dù ít nhiều bị mai một sau bao biến thiên song giờ đây người Cơ Tu rất có ý thức giữ gìn thông qua những sinh hoạt hàng ngày như chơi các loại nhạc cụ truyền thống, tổ chức các lễ hội đâm trâu, lễ hội cầu mùa... Đặc biệt hơn là những nghệ nhân người Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam còn tổ chức các lớp học truyền dạy văn hóa truyền thống rất hiệu quả.


Người Cơ Tu giữ gìn văn hóa truyền thống - ảnh 1
Một góc thôn Tà Vàng, Quảng Nam - nơi những giá trị truyền thống của người Cơ Tu vẫn còn lưu giữ. (Ảnh: baoquangnam)



Nghe nội dung chi tiết tại đây


Quý vị và các bạn đang nghe âm thanh của một lớp dạy điệu múa truyền thống Tung tung da dá của người Cơ Tu. Chưa vào năm học mới nên chiều nào chị Blinh Thị Xiếc cũng dành cả buổi chiều để dạy đám trẻ con trong thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, học múa. Chị cho biết: Chúng tôi được các bà, các mẹ dạy, uốn nắn dạy điệu múa này từ lúc còn bé. Nay chúng tôi lại dạy cho các con, các cháu điệu múa này để chúng hiểu hơn về cội nguồn dân tộc. Con trẻ bây giờ tiếp thu nhanh lắm. Ngày nào chúng cũng học đều đặn, không bỏ buổi nào. Có đứa nhỏ gần 4 tuổi mà đã múa thành thạo.

Người Cơ Tu giữ gìn văn hóa truyền thống - ảnh 2



Mỗi buổi chiều như thế, cả thôn vui lắm. Người già, người trẻ tập trung trước cửa nhà chị Xiếc. Họ ngồi đó chuyện trò rôm rả, rồi thỉnh thoảng lại nhìn các con, các cháu mình múa với ánh mắt tự hào. Các mẹ thì thì luôn dành tặng những lời khen khích lệ động viên các con như: “Lin múa đẹp lắm”, hay “cái chân bé Díu nhún dẻo quá”...Bà A Lăng Đlêl ở thôn Bhờ Hôồng 1 nhìn các con tập vũ điệu dâng trời lại thấy nhớ về tuổi thơ của mình cũng vui vẻ say sưa múa hát như vậy. Bà cho biết: Chúng tôi biết múa nhưng lại không truyền đạt tốt cho đám trẻ trong thôn nên chị Xiếc dạy như thế này chúng tôi mừng lắm. Tuy không giúp gì nhiều nhưng buổi học nào chúng tôi cũng đến để động viên tinh thần, tạo không khí vui vẻ các các cháu múa. Văn hóa của dân tộc phải biết giữ gìn nên người Cơ Tu ở thôn Bhờ Hôồng 1 ai cũng biết múa.  

Người Cơ Tu giữ gìn văn hóa truyền thống - ảnh 3



Đã hơn hai năm nay, nghệ nhân Bling Hạnh ở xã Zuôih, huyện Nam Giang, thường xuyên tổ chức những lớp học đánh cồng, chiêng cho người dân trong xã. Trước thì dạy người lớn tuổi, sau ông dành thời gian 2 tháng hè để dạy cho các em học sinh. Ông kể: Bình thường thì người lớn ở huyện cũng biết đánh cồng chiêng nhưng còn bọn trẻ này thì chưa biết nên tôi đứng ra dạy từ năm 2010. Trong tương lai tôi sợ không có người kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc. Ngày hè mới dạy được vì hè chúng được nghỉ học. Dạy các cháu nhỏ khó hơn người lớn. Bọn nhỏ dạy cả một tháng trời mới đánh được.


Công sức của nghệ  nhân Bling Hạnh bỏ ra thật không uổng. Giờ đây ông có thể vững tin vào tài năng cũng như ý thức của con trẻ ở xã Zuôih. Các em đến học đánh cồng chiêng tự nguyện ngày một nhiều. Như Zơ Zâm Mớu, sinh viên năm thứ 4, trường đại học Văn Hóa thành phố Hồ Chí Minh vừa được tỉnh Quảng Nam phong tặng là nghệ nhân nhí bởi những gì em làm cho văn hóa của người Cơ Tu. Mặc dù đi học xa nhưng em tranh thủ cùng các nghệ nhân trong xã tham gia các sự kiện văn nghệ lớn của tỉnh Quảng Nam. Zơ Zâm Mớu kể: Em cùng bác Hạnh vận động các em nhỏ đi học nhạc. Trong số các em cũng có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng nhiều khi đi học chúng còn đến sớm hơn cả em. Bản thân em rất thích văn hóa nên em sẽ thành lập một đội văn nghệ để nuôi dưỡng văn hóa của mình. Hiện trong đội văn nghệ có khoảng 34 em. Các bạn nhỏ này gặp nhiều khó khăn lắm như khoảng cách từ nhà đến nơi học rất xa, có khi cách xa hơn 20 km nhưng các em rất là nhiệt tình, rất tích cực.

Người Cơ Tu giữ gìn văn hóa truyền thống - ảnh 4


Số người như Zơ Zâm Mớu chưa nhiều nhưng nghệ nhân Bling Hạnh cũng đã yên tâm phần nào vì ông đã có lớp trẻ kế tục việc gìn giữ và phát huy bản sắc của dân tộc Cơ Tu. Nghệ nhân Bling Hạnh bảo việc truyền lửa cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc không thể cấp tập mà phải ngày một ngày hai. Và những người truyền lửa như ông cũng thực sự phải kiên trì để gieo vào lòng thế hệ trẻ một tình yêu sâu sắc về văn hóa truyền thống. Có như vậy, văn hóa của người Cơ Tu  mới giống như những tán rừng cổ thụ bao đời vẫn bám chặt trên dải đất Trường Sơn hùng vĩ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu