Dân tộc Pa Kô được biết đến là một cộng đồng dân tộc có các đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng. Bên cạnh các lễ hội với những phong tục tập quán độc đáo, thì nguời Pa kô có một kho tàng các làn điệu dân ca dân vũ phong phú với nhiều loại hình khác nhau.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Pa kô cư trú chủ yếu trên những vùng núi cao, cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, núi rừng, nên cộng đồng người Pa kô vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống của cha ông từ ngàn xưa để lại. Trong quá trình lao động sản xuất, người Pakô sản sinh ra những loại hình âm nhạc dân gian phong phú, thể hiện rõ nét trong các hoạt động lễ hội hàng năm như: lễ cúng trời đất, cúng lúa mới, mừng làng mới, nhà mới....Trong các lễ hội đó, người Pa kô thường gửi gắm những tình cảm của mình đến trời, đất bằng các lời ca, tiếng hát, bằng các làn điệu dân ca truyền thống như : Cha chấp, A dên, Ka lơi, oát, tà ôi...Người Pa kô cũng sáng tạo và sưu tầm các loại nhạc cụ để phụ họa cho các làn điệu như: Tirel, A mam, Ăng cưi, Ăng kêm, A bel, Ta lư, Tăng coi...Đặc biệt, trong các lễ hội của người Pa kô không thể thiếu tiếng trống, tiếng cồng chiêng, vì theo quan niệm của người Pa kô, tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang lên là để thay cho lời chào các đấng thần linh, lời mời dân làng đến cùng chung vui trong dịp lễ hội.
Chỉ những già làng, trưởng bản mới được sử dụng tù và truyền thống.( Nguồn Dân trí) |
Điều dễ thấy nhất trong âm nhạc dân gian của người Pa kô là các tiết tấu trong âm nhạc vũ điệu luôn tràn ngập hơi thở của cuộc sống. Nhất là làn điệu Cha Chấp(hát múa giao duyên) đặc trưng nhất của người Pa kô. Những làn điệu này được dùng trong các lễ hội vui tươi, nhộn nhịp của bản làng. Những vũ điệu nhịp nhàng như nhịp sống nơi đây, những lời ca như lời tự sự thể hiện thế giới của con người Pa kô. Nghệ nhân Hồ Văn Xếp ở xã Hồng Kim huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế là người biết hát dân ca từ khi còn nhỏ. Không chỉ biết hát, ông là người đã sưu tầm được nhiều làn điệu dân ca cổ. Chỉ riêng Cha Chấp ( hát đối đáp) cũng được chia thanh 3 dạng: Cha Chấp dành cho nam nữ thanh niên, lối hát dành cho người lứa tuổi cao, hát nhẹ nhàng giữa lứa tuổi cao với nhau.
Những làn điệu Cha Chấp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc với lối hát ví thể hiện cách nói xa, nói gần, ví với trời đất, khe suối, núi non, cây cối…để nói lên tình cảm của mình. Nghệ nhân Hồ Văn Xếp cho rằng để con cháu hiểu rõ nhất về truyền thống của cha ông chính là âm nhạc, bởi vậy cần khôi phục lại các bài dân ca, dân vũ của cha ông, mở lớp truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để con cháu hiểu và góp sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc. Nghệ nhân Hồ Văn Xếp, chia sẻ: Mình rất là vui. Mình được kế thừa dòng họ hát cả của ông cha ngày xưa. Sau đó tự mình phát triển ra. Học cái này khó lắm, nhưng hôm nay tôi rất mừng tuổi trẻ bây giờ họ làm được, tiếp thu nhanh
Những nghệ nhân người Pako ở tỉnh Quảng Trị hát dân ca và chơi nhạc cụ tại nhà sinh hoạt cộng đồng. ( Nguồn internet)
Bên cạnh những làn điệu dân ca, người Pa kô cũng có hệ thống nhạc cụ của cũng rất phong phú. Từ cuộc sống gắn với núi rừng, người Pa kô đã sử dụng tre, nứa có sẵn trong thiên nhiên để sáng tạo thành các nhạc cụ. Đặc biệt trong sinh hoạt lễ hội của người Pa kô không thể thiếu một thứ nhạc cụ là tù và. Tù và là loại nhạc khí đặc trưng của người miền núi và làm bằng sừng trâu để thổi. Trong cộng đồng dân tộc Pa kô tù và có ý nghĩa tâm linh quan trọng thể hiện quyền uy của người đứng đầu bộ tộc của thôn bản đó. Vì thế cái sừng càng cong, càng to thì giá trị càng cao. Trong âm nhạc dân gian tiếng tù và cũng là âm thanh khởi xướng đầu tiên cho các tiết mục. Ông Hồ Duy, nghệ nhân thổi tù và cho biết: “ Tù và mình phải thổi trong các lễ hội lớn, sử dụng trong ngày lễ mồ mả ( A riêuping) lễ hội của cả làng thì mới sử dụng tù và”.
Bây giờ dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong lao động sản xuất thì những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc vút bay giữa núi rừng Trường Sơn. Bên ánh lửa bập bùng của những mùa lễ hội, âm thanh tiếng khèn vang vọng núi rừng của những đêm "Sim", càng khơi dậy niềm đam mê ca hát của nhiều thế hệ già trẻ, gái trai. Họ hát dân ca Pa Kô để thể hiện niềm vui sướng sau những vụ mùa bội thu, hát để thể hiện niềm hạnh phúc từ tình yêu dân ca của những con người lao động mộc mạc chân chất. Trong những năm qua, ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị nơi có đông đồng bào Pa kô sinh sống đã có nhiều hình thức để phục hồi và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca của người Pa Kô.