Nét văn hóa của người Hoa ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Lâm Thanh
Chia sẻ
(VOV5) -  Những giá trị văn hóa đặc sắc được bà con bảo tồn, gìn giữ đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc tại vùng đất Tây Nam Bộ.       

Tại tỉnh An Giang, người Hoa tập trung chủ yếu ở thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên, thị xã Tân Châu. Là dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Hán – Tạng, đồng bào người Hoa nơi đây còn bảo lưu nhiều nét văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại vùng đất Tây Nam bộ.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Người Hoa có nhiều nghi lễ quan trọng. Ngay từ khi chào đời, mỗi đứa trẻ được tổ chức một lễ đặt tên thường được tổ chức vài ba ngày sau sinh. Đứa trẻ có tên chính thức mang họ bố, tên đệm được quy định rõ để xác định vai vế, cấp bậc trong dòng họ và không được trùng với ai trong dòng họ. Tên đó cũng được phân biệt rõ giới tính của đứa trẻ.

Ông Trần Bỉnh Hòa, người Hoa ở huyện Châu Đốc, An Giang, cho biết: "Người Hoa có gia phả, đời thứ mấy thì chữ lót phải là chữ đó. Ví dụ như tôi lót là chữ Bỉnh, thì các anh em cùng hàng với tôi cũng có chữ lót là chữ Vĩnh/Bỉnh. Các đời có chữ lót khác nhau. Nhìn vào tên lót là biết đời thứ mấy. Con trai đặt tên khác, con gái đặt tên khác nhưng chủ yếu không được trùng tên với ông bà, chú bác, người lớn hơn mình. Tên con gái thường là Mỹ, Nga, Xuân, Lệ… là những tên đẹp theo quan niệm của người Hoa".

Nét văn hóa của người Hoa ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang - ảnh 1Tiệm thuốc mang dấu ấn người Hoa tại thành phố Châu Đốc, An Giang.
Ảnh minh họa: VOV

Theo truyền thống, gia đình người Hoa ở An Giang sẽ chọn 1 người được bà con quý mến, đức độ, giỏi giang, có sức khỏe để nhờ đặt tên cho đứa trẻ. Họ coi đó là sự xin vía lấy may. Ông Trần Bỉnh Hòa cho biết: "Đặt tên nhiều khi trong gia đình kiếm những người làm ăn phát đạt, mạnh khỏe để người đó đặt tên. Như là 1 cách lấy may mắn, xin lộc của người đó. Người Hoa hầu như đặt 2 tên. 1 tên trong giấy tờ, ngoài ra còn 1 tên xấu là tên thường gọi, nếu khó nuôi".

Khi đứa trẻ được tròn 1 tháng, gia đình sẽ làm lễ đầy tháng, cúng thần linh, tổ tiên như 1 sự thông báo chính thức có 1 thành viên mới trong gia đình. Ông Hòa giải thích: "Đầy tháng là trong 30 ngày. Khi làm lễ đầy tháng, tóc từ lúc mới sinh phải cạo sạch để cho mọc tóc mới. Lễ đầy tháng chỉ làm cơm canh cúng ông bà thôi. Tùy gia đình tổ chức. Nhiều khi gia đình muốn gói gọn chỉ trong gia đình, cúng ông bà tổ tiên. Cũng có gia đình tổ chức để họ hàng tới chúc mừng, tặng quà. Trong mâm lễ cúng đầy tháng, người Hoa để 5 món đồ để cho đứa trẻ chọn. Đứa trẻ chọn cái nào thì mình biết là sau này nó sẽ hợp với nghề đó."

Giống như nhiều dân tộc, lễ cúng đầy tháng là nghi lễ quan trọng đối với nhiều đứa trẻ người Hoa. Lễ vật dù ít, dù nhiều cũng chứa đựng những tình cảm của gia đình, niềm hi vọng đứa trẻ lớn lên với những điều tốt đẹp, may mắn.

Cùng với lễ đầy tháng, lễ mừng thọ cũng được bà con người Hoa ở An Giang rất coi trọng. Đây có thể coi là nghi lễ lớn trong gia đình, dòng họ, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Hoa ở An Giang. Trong gia đình người Hoa, người già rất được coi trọng. Đó là những người nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, trong lao động cũng như hiểu biết về truyền thống văn hoá dân tộc. Do đó, lễ mừng thọ chính là tình cảm của con cháu trong gia đình dành cho ông bà, để báo hiếu ông bà, cha mẹ.

Ông Trần Bỉnh Hòa và ông Thái Vĩ Minh, người Hoa ở An Giang, cho biết:                  "Người Hoa từ 60 tuổi trở lên thì làm mừng thọ. Con cháu làm cho ông bà, mừng cho ông bà sống thêm tuổi. Tùy gia đình, có gia đình họ mời thêm bạn bè, còn thường thì chỉ tổ chức con cháu trong gia đình.

"Thường thì đối với nam làm thọ lúc 60 tuổi, còn nữ làm thọ 61 tuổi. Nếu có điều kiện thì đến 80, 81 tuổi họ tổ chức đại thọ, làm rất lớn. Đại thọ tổ chức mời đông người chứ không chỉ riêng trong gia đình.

Là ngày vui của gia đình, dòng họ, nên trong ngày này, gia đình người Hoa tổ chức rất long trọng. Mọi lễ vật đều do con cháu trong gia đình tự thực hiện, lễ lớn hay lễ nhỏ, tùy theo điều kiện của từng gia đình, nhưng không thể thiếu bát mỳ sụa và bánh bao trường thọ.

Ông Thái Vĩ Minh giải thích: "61 tuổi thì phải làm 61 cái bánh bao. Trong những lời chúc, người Hoa thường cộng thêm 10 tuổi. Có nghĩa là làm thọ 61 nhưng họ nói là 71. Câu chúc phải chúc là tuổi 71. Tuy nhiên, thọ 81 tuổi thì chúc 81 tuổi mà không phải chúc 91 tuổi. Trong lễ thọ, những thức ăn hoặc cái thứ khác đều mang tính biểu tượng. Ví dụ mỳ thì cọng mỳ phải dài, họ thường dùng mỳ sụa mà không phải mỳ vắt hay mỳ khô, vì mỳ sụa dai và dài, tượng trưng cho sự trường thọ. Món khác không thể thiếu là bánh bao thọ làm giống trái đào".

Tất cả tình cảm, lòng hiếu thảo của con cháu đều gói gọn trong bát mỳ và bánh bao trường thọ. Đó cũng chính là nét riêng có trong lễ mừng thọ của người Hoa.

Những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống mà bà con người Hoa lưu giữ cho thấy những giá trị văn hóa đặc sắc được bà con bảo tồn, gìn giữ đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc tại vùng đất Tây Nam Bộ.       

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu