Gìn giữ nét văn hóa độc đảo của dân tộc Lự ở Lai Châu

Kiên- Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Trong cộng đồng 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn Lai Châu, người Lự có hơn 1.300 hộ, với gần 7.000 nhân khẩu.

Dù trải qua nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, nhưng dân tộc Lự, 1 dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người ở Lai Châu, vẫn lưu giữ và bảo tồn được nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Những nếp nhà sàn, trang phục, lễ hội hay các làn điệu dân ca... được chính quyền và người dân nỗ lực bảo tồn, tạo nên nét văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:  
Nhiều năm qua, nghệ nhân Lò Thị Sọn, 70 tuổi, dân tộc Lự, ở bản Nà Khum, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, vẫn miệt mài với các lớp học truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc. Trong mỗi buổi học, những bài múa cổ hay những làn điệu dân ca hòa cùng tiếng sáo, tiếng chiêng rộn rã khắp bản trên, mường dưới.
Bà Lò Thị Sọn cho biết: "Quá trình khai hoang, làm ruộng, làm nương để mưu sinh, bà sáng tác được thì bà dạy cho con cháu hát. Con cháu còn nhỏ không biết hát thì bà dạy cho biết hát, biết múa. Bây giờ các cháu đã biết tự sáng tác và hát, múa rồi. Bà cao tuổi rồi thì vẫn tham gia phong trào, đi múa rất vui."
Gìn giữ nét văn hóa độc đảo của dân tộc Lự ở Lai Châu - ảnh 1Hoa văn được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ làm nên vẻ đẹp độc đáo trong trang phục của người Lự. Ảnh: VOV

Cuộc sống thường nhật của người Lự gắn liền với canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏNgoài thời gian lao động sản xuất, những lúc nông nhàn, phụ nữ dân tộc Lự họ thường quây quần thêu thùa, dệt vải. Hầu hết các gia đình người Lự đều có khung dệt và các dụng cụ se sợi, quay sợi dệt vải.

Người con gái dân tộc Lự trước khi lấy chồng phải thành tạo việc thêu thùa, dệt vải để tự may đồ cho mọi người trong gia đình. Sản phẩm dệt của người Lự khá phong phú về chủng loại, như: Váy áo, khăn, túi...

Một trong những nét đặc sắc của văn hoá truyền thống dân tộc Lự là bộ trang phục. Trang phục của người Lự vô cùng đặc sắc và được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ với những hoạ tiết hoa văn rất độc đáo. Đối với trang phục của người phụ nữ, họ mặc áo chàm xẻ ngực, vạt trái đè lên vạt phải và được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ.

Ngày thường, phụ nữ Lự mặc váy chàm thêu móc đơn giản để thuận tiện trong công việc. Những dịp lễ tết, hội hè hoặc khi gia đình có khách quý, họ mặc váy 2 lớp với hoa văn 3 tầng trang trí đẹp mắt, phần trên được dệt với những họa tiết hình quả trám, phần dưới là vải chàm đen, phần gấu váy có điểm thêm màu khác rất đẹp mắt.

Gìn giữ nét văn hóa độc đảo của dân tộc Lự ở Lai Châu - ảnh 2Nghệ nhân Lò Thị Sọn, người đang tích cực lưu giữ, bảo tồn văn hóa Lự. Ảnh: VOV

Triển khai Nghị quyết năm 2021 của tỉnh Lai Châu về Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Lự, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, đã triển khai các biện pháp bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhờ đó, trong năm ngoái, Bản Hon đã đón hơn 30 nghìn lượt khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch.

Ông Tao Văn Ín, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bản Hon, huyện Tam Đường, cho biết: "Xã tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho phát triển kinh tế gắn với đời sống của nhân dân; phát huy các vai trò của nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy những gia trị văn hóa của dân tộc Lự."

Trong cộng đồng 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn Lai Châu, người Lự có hơn 1.300 hộ, với gần 7.000 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở huyện Tam Đường, Sìn Hồ và cơ bản lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, như: các lễ hội, kiến trúc nhà sàn truyến thống, nghề dệt thủ công, trang phục, tiếng nói, nghệ thuật trình diễn dân gian... Cùng với người dân, chính quyền địa phương đã hỗ trợ phục dựng nhiều lễ hội, nghi lễ truyền thống, để bổ sung vào kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc Lự.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, cho biết: "Hiện nay, các lễ hội của dân tộc Lự được đưa vào danh mục hỗ trợ kinh phí cho tổ chức thực hiện phục dựng và duy trì. Một số giá trị văn hóa như trang phục và một số nghề thủ công truyền thống, rồi là các ngôn ngữ, chữ viết dân gian đang được địa phương đưa vào thực hiện truyền dạy. Cùng với đó là hỗ trợ các chính sách cho các đội văn nghệ hoạt động quần chúng, các câu lạc bộ văn hóa dân gian. Tỉnh cũng quan tâm xây dựng hồ sơ để vinh danh các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, những người nắm giữ thực hành di sản, tiếp tục phát huy vai trò của họ trong việc truyền dạy, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng."

Việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Lự ở Bản Hon đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Qua đó, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; phát huy vai trò chủ thể văn hóa, khơi dậy lòng tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống; từng bước nhân rộng mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, để bản sắc của đồng bào dân tộc Lự hòa quện cùng dòng chảy văn hóa đa sắc màu của 54 dân tộc của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu