Dân tộc Cờ Lao

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) -Trong đời sống tâm linh người Cờ Lao có nhiều nghi lễ như: lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang.

Cờ Lao là một trong số dân tộc ít người ở Việt Nam. Người Cờ Lao còn có các tên gọi khác như: Tứ Ðư, Ho Ki, Voa Ðề. Người Cờ Lao chuyển cư tới Việt Nam cách đây khoảng 150 - 200 năm. Người Cờ Lao chia thành các nhóm địa phương gồm Cờ Lao Xanh, Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Ðỏ với tổng dân số chưa đến 3.000 người, cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang. Người Cờ Lao trước đây có ngôn ngữ riêng, nhưng hiện nay đa số người Cờ Lao trẻ không còn nói được tiếng mẹ đẻ nữa. Trong quá trình tiếp xúc giao thoa văn hóa với nhiều dân tộc khác, họ có thể sử dụng tiếng Quan hoả, tiếng Nùng hay tiếng Pu Péo, Hmông.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Người Cờ Lao đến cư trú chủ yếu tại vùng núi phía Bắc Việt Nam ở vùng cao núi đá tai mèo. Người Cờ Lao thường sống thành từng làng khoảng 15 - 20 nóc nhà ở vùng núi đất huyện Hoàng Su Phì, hoặc núi đá tai mèo ở huyện Ðồng Văn (Hà Giang). Người Cờ Lao  chủ yếu làm nương cày, thổ canh hốc đá. Ngô là cây lương thực chính. Trên nương họ còn trồng đậu răng ngựa, lúa mạch, đậu Hà lan, su hào...Bộ phận người Cờ Lao ở vùng núi đất chuyên sống bằng nghề làm ruộng bậc thang, lúa là cây lương thực chính. Nghề thủ công truyền thống là đan lát và làm đồ gỗ. Nhiều làng có thợ rèn sửa chữa nông cụ. Điểm dễ nhận biết về dân tộc Cờ lao, đó là trang phục của phụ nữ. Phụ nữ Cờ Lao mặc áo dài đến gối. Trên ngực và tay áo đắp thêm vải màu. Hiện nay chiếc áo trong với ống tay dài vẫn còn được sử dụng, còn chiếc áo ngoài với ống tay ngắn.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: "Đời sống của người Cờ Lao những năm gần đây đã thay đổi rất nhiều, nhất là khi mở cửa biên giới, thì ngôn ngữ truyền thống, ngôn ngữ quan hỏa được sử dụng đan xen. Trang phục của người Cờ Lao cũng biến đổi nhiều, trước đây người Cờ Lao tự làm vải thủ công, thì nay họ mua vải công nghiệp để may trang phục. Đặc biệt nhuộm vải trước đây nhuôm bằng mầu thực vật thì nay dùng vải nhuôm công nghiệp. Tuy nhiên  các bộ trang phục vẫn mang sắc thái riêng, đặc biệt là các hoạt tiết hoa văn và kiểu cắt may vẫn giữ được nét truyền thống."

Dân tộc Cờ Lao  - ảnh 1Trang phục phụ nữ dân tộc Cơ Lao đỏ -Ảnh Dantocmiennui

Mỗi làng của người Cờ Lao có khoảng 15-20 nóc nhà, thường là các gia đình cùng dòng họ sống gần nhau. Nhà của người Cờ Lao thường là nhà ba gian hai trái, mái lợp cỏ gianh hoặc các ống vầu, nứa bổ đôi đập tạo thành mặt phẳng. Người Cờ Lao Ðỏ làm nhà trình tường như kiểu nhà của người Pu Péo, có tường nhà bằng đất sét đập mịn. Hàng ngày người Cờ Lao phải địu nước về nhà; ở vùng núi đất, họ dùng máng đưa nước về đến tận nhà. Người Cờ Lao thờ Tổ tiên 3-4 đời, riêng người Cờ Lao trăng trên bàn thờ thường có xương hàm lợn với ý nghĩa năm nào cũng có lợn thờ cúng để Tổ tiên phù hộ năm sau chăn nuôi tốt, gia đình gặp mọi điều tốt lành.

Trong đời sống tâm linh người Cờ Lao có nhiều nghi lễ như: lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang. Trong đó lễ trưởng thành cho thanh niên dân tộc Cờ Lao rất có ý nghĩa. Dân tộc Cờ Lao quan niệm lễ đặt tên cho người trưởng thành là dấu mốc quan trọng. Trong ngày này gia đình, họ hàng, bà con làng xóm  cùng đến chung vui. Bên cạnh các nghi lẽ truyền thống, những người được mời tham dự còn hát dân ca thể hiện sự vui mừng. 

Trong cuộc sống, người Cờ Lao chủ yếu làm nông nghiệp. Công việc của nhà nông trên những núi cao, làm ruộng trên đất dốc, nên công việc nhà nông hết sức vất vả, khó khăn, Bởi vậy việc người con trai trong gia đình được công nhân đã đến tuổi trưởng thành là niềm tự hào của gia đình và cả dòng tộc. Ông Lưu Sẩm Vạn, nhà nghiên cứu dân tộc của tỉnh Hà Giang, cho biết: "Đối với lễ trưởng thành của dân tộc Cờ Lao, dành cho các gia đình có con trưởng thành, thể hiện người đó lã lớn khôn trưởng thành, được cộng đồng công nhận,từ đó, người đó có thể tham gia các hoạt động của cộng đồng dân cư."

Sau nghi lễ trưởng thành, người con trai Cờ Lao được cả cộng đồng công nhận đã có đầy đủ sức vóc để làm chủ gia đình, là lao động chủ lực để nuôi sống gia đình. Đã nhiều thế kỷ trôi qua, cuộc sống đã nhiều đổi thay, ngày càng hiện đại nhưng người Cờ Lao vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, kiến trúc nhà ở đặc trưng. Bên cạnh đó, mặc dù trang phục đã ít nhiều mai một, nhưng phụ nữ Cờ Lao vẫn coi trọng trang phục dân tộc mình. Đặc biệt đồng bào Cờ Lao vẫn giữ được phong tục tập quán văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu