Bảo tồn sử thi của người M’ Nông

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) -  Như một số dân tộc anh em, người M’Nông có hệ thống các chuyện kể sử thi vô cùng phong phú.
(VOV5) -  Như một số dân tộc anh em, người M’Nông có hệ thống các chuyện kể sử thi vô cùng phong phú. Trong đó, sử thi “Ót N’Rông”của người M’Nông được coi là sử thi lâu đời và cổ xưa nhất, phản ánh tiến trình phát triển của xã hội của người M’Nông được lưu truyền tới ngày nay. Với những giá trị văn hoá truyền thống độc đáo và đặc sắc đó, ngành văn hoá Việt Nam đang phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn vốn văn hoá quý báu của dân tộc.

Bảo tồn sử thi của người M’ Nông - ảnh 1

Hát kể Sử thi ở nhà Rông - Ảnh: Nguyễn Đang.      

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Sử thi là hình thức chuyện kể diễn xướng bằng thơ (văn vần) có từ lâu đời và được truyền miệng từ này sang đời khác. Nghệ nhân kể sử thi phải là người có trí nhớ đặc biệt. Người M’ Nông cho rằng những người thuộc nhiều sử thi là do thần linh ban cho họ, bởi có sử thi dài đến hàng vạn câu kể, có khi phải mất 3 - 4 đêm kể mới hết. Trong số những nghệ nhân M’Nông hát kể sử thi nổi tiếng, thì ông Điểu Klung, buôn Tul A, xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) là người thuộc và có khả năng diễn xướng được nhiều sử thi. Bây giờ đã ở tuổi 70, nhưng ông Điểu Klung vẫn còn nhớ và có thể hát kể được hơn 100 sử thi. Ông là người thuộc nhiều sử thi M’nông nhất hiện còn sống. Ông Điểu Klung tâm sự: Sử thi ra đời từ lâu rồi, không biết năm nào đâu, đâu có giấy tờ, đâu có chữ nghĩa đâu mà biết, chỉ truyền miệng lại. Trước mình theo ông già, bà già mình đi nghe  rồi thuộc thế thôi.


Nghệ nhân hát kể sử thi phải có đủ các yếu tố như: Thuộc hoàn chỉnh nhiều cốt truyện sử thi, không lẫn lộn sự kiện, hành động, biến cố của cốt truyện này với sự kiện, hành động, biến cố của các cốt truyện khác. Người hát kể phải có giọng hát truyền cảm, biểu đạt đúng các sắc thái của truyện kể mới hấp dẫn được người nghe. Khi hát kể sử thi, nghệ nhân thường nằm, một tay gác lên trán, mắt nhìn như vô định, hoặc nhắm mắt để tập trung trí nhớ, thể hiện bài sử thi sao cho đầy đủ và sinh động nhất.

      

Bảo tồn sử thi của người M’ Nông - ảnh 2

Người M’ Nông gọi sử thi là “Ót N’Rông”, là dòng thơ trường thiên, tự sự, có giá trị nhiều lĩnh vực. Sử thi chính là bộ bách khoa toàn thư về lịch sử tộc người, đó là các quan niệm về trời đất, thần linh, tín ngưỡng, về con người, mối quan hệ cộng đồng, phong tục tập quán. Sử thi cũng phản ánh sự hình thành, phát triển của của cộng đồng người M’Nông… Đó là một xã hội giàu đẹp, mọi người biết làm chủ thiên nhiên, căm ghét chiến tranh, yêu cuộc sống hoà bình với khát vọng và hoài bão vươn lên vì cuộc sống tươi đẹp.

Với nét văn hoá đặc trưng, sử thi là hình thức kể truyền miệng, nội dung sử thi phần nhiều nằm trong trí nhớ của các nghệ nhân cao tuổi, nên việc giữ gìn bảo tồn sử thi càng trở nên cấp bách. Cùng với không gian diễn xướng sử thi Tây Nguyên đang được Việt Nam đề nghị để Tổ chức khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc ( UNESCO ) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì sử thi Ót N’rông của người M’nông cũng được đánh giá là một trong những sử thi đạt độ dài kỷ lục của thế giới. Nhằm bảo tồn sử thi vốn văn hoá quý của các dân tộc, từ năm 2005, Viện Nghiên cứu Văn hoá Việt Nam đã phối hợp với các địa phương mở các lớp truyền dạy sử thi tại chỗ cho các học viên là thanh niên dân tộc thiểu số. Bà Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết Để bảo tồn sử thi có nhiều biện pháp, hình thức bảo tồn. Trong đó ngành văn hoá  nên làm tốt công tác quản lý, giúp cho việc bảo tồn có hiệu quả hơn.  Mới đây tôi có xuống huyện Chư M’gar (tỉnh Đắc Lắc) thấy cộng đồng dân cư M’Nông ở đây có nhiều nỗ lực trong tổ chức các lớp truyền dạy sử thi cho con em ở địa phương. Họ cũng quan tâm tới các nghệ nhân, coi nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống. Theo tôi nghĩ dù nhà nước có làm thế nào cũng không thể bằng cộng đồng địa phương tại chỗ thực hiện. Vì vậy cái quan trọng là  vận động để  bà con cảm thấy yêu  vốn văn hoá truyền thống, thì mọi người mới tham gia.


Trong xã hội ngày nay, sử thi vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người M’Nông. Sử thi giúp cho thế hệ con cháu hiểu về nguồn gốc, tự hào về truyền thống văn hoá độc đáo của dân tộc mình. Chính vì vậy, việc sưu tầm gìn giữ và bảo tồn những giá trị sử thi càng thêm ý nghĩa. Cách bảo tồn sử thi tốt nhất vẫn là tạo mọi điều kiện để  sử thi được nuôi dưỡng và “sống” trong không gian cộng đồng dân tộc bản địa, có như vậy sử thi M’Nông sẽ  tiếp tục được giữ gìn, tồn tại với các buôn làng Tây Nguyên./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu