Lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số toàn Séc được tổ chức lần đầu tiên năm 1999 nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, thúc đẩy giao lưu và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số các nước đang sinh sống tại Cộng hòa Séc. Đây là lễ hội các dân tộc thiểu số lớn nhất của Cộng hòa Séc, và ngày càng thu hút sự tham gia của các dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau.
Năm nay, dưới chủ đề “Praha - Trái tim của các dân tộc,” Ban tổ chức chào đón cộng đồng các dân tộc đến từ Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, và Châu Mỹ. Mặc dù lễ hội bắt đầu vào ngày 25/5, nhưng các hoạt động chính diễn ra trong hai ngày 27-28/5.
|
Đoàn Việt Nam dẫn đầu đội diễu hành.
|
Cũng giống như mọi năm, với vị thế và uy tín ngày càng được củng cố và tăng cao, cũng như nỗ lực hội nhập sâu rộng, Cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc được Ban tổ chức ưu tiên chọn là đơn vị dẫn đầu đoàn diễu hành, mở đầu cho các hoạt động chính của lễ hội.
Trong tiếng trống cái rộn ràng, cùng với màn múa lân đẹp mắt, hàng chục đại diện của Việt Nam, từ người cao tuổi tới các cháu thiếu nhi, trong trang phục đầy sắc màu ba miền, tay cầm quạt và nón lá, đã diễu hành qua các phố từ Tòa thị chính của Thành phố cho tới Quảng trường Phố Cổ.
Vẻ đẹp tinh khôi của tà áo dài Việt Nam, sự tinh tế của trang phục khăn đóng, áo dài của người Nam bộ, sự thanh thoát của áo mớ ba mớ bảy của người Quan Họ, hay sự độc đáo của cây đàn tính của dân tộc Tày ở vùng cao phía Bắc Việt Nam đã thu hút mọi ánh nhìn và trầm trồ khen ngợi của người dân cũng như du khách dọc đường đoàn đi qua.
|
Tà áo dài Việt Nam gây ấn tượng tại Séc.
|
Tại sân khấu chính của lễ hội, đoàn Việt Nam tham gia biểu diễn trang phục dân tộc, các tiết mục múa công, hát tập thể, và nghi lễ Hầu đồng vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN tại Praha, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch trung ương Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cho biết kể từ khi được chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số của nước này năm 2013, cộng đồng người Việt Nam đang ngày càng được người dân Séc đón nhận.
Ông Nguyễn Duy Nhiên nói: "Cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã thực sự hội nhập vào đất nước Séc. Các festival hay giao lưu văn hóa như thế này góp phần làm đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam tại Cộng hòa Séc, và Cộng hòa Séc cũng đón nhận nền văn hóa mới giàu tính nhân văn và dân tộc của người Việt Nam chúng ta. Tới đây chúng tôi sẽ kết hợp với các địa phương của Séc để cùng tổ chức thêm các festival như thế này để bà con chúng ta hiểu nhiều hơn về văn hóa nước sở tại".
|
Màn trình diễn múa quạt.
|
Các hoạt động biểu diễn âm nhạc, khiêu vũ, trình diễn thời trang, trưng bày ảnh, hàng thủ công mỹ nghệ, và hội thảo khiêu vũ sẽ được tổ chức kéo dài tới hết ngày 28/5. Dự kiến có hơn 10.000 người dân và du khách sẽ đến tham quan và thưởng thức các hoạt động tại lễ hội.