Về với quê hương

Hân My
Chia sẻ
(VOV5)- Là thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3 sinh ra và lớn lên ở Lào, với họ, giữ được tiếng Việt, văn hóa Việt là điều không dễ dàng
Về với quê hương  - ảnh 1
Đoàn thanh niên, học sinh kiều bào Lào dự trại hè VN 2012

(VOV5)- Là thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3 sinh ra và lớn lên ở Lào, với họ, giữ được tiếng Việt, văn hóa Việt là điều không dễ dàng. Vì vậy, ngoài việc cố gắng của bản thân, gia đình, các bạn trẻ người Việt tại Lào còn tham gia những chương trình về nguồn. Bấm để nghe nội dung ghi chép “ Về với quê hương”:


“ Chúng em đang học cấp 3 và lần đầu tiên được tham dự Trại hè Việt Nam”. Đó là tâm sự của các bạn nam nữ thanh niên 15,16 tuổi người Việt sinh ra và lớn lên trên đất nước Triệu Voi. Vui vẻ, cười nói và rất tự tin, các bạn cùng nhau dạo chơi trên đường phố Hà Nội vào buổi trưa cho dù thời tiết rất oi bức. Với các bạn, Việt Nam, Hà Nội là những khám phá thú vị trong chuyến đi này. Dù cho tiếng Việt nói không thạo lắm, nhưng các bạn trẻ cố gắng diễn đạt hết những điều mình muốn nói. Em Buahẳn Xihala tâm sự, bố mẹ em sang Lào từ thời thanh niên và sinh em ở bên đó. Chính vì vậy, văn hóa Việt luôn được cả gia đình cố gắng gìn giữ. Được tham dự Trại hè, được tham quan nhiều nơi ở Hà Nội, em thấy vô cùng thích thú:“ Em được đi thế này em rất vui, được giao lưu, có thêm nhiều bạn. Hà Nội lớn lắm, nhiều nhà to, đi dễ lạc nên em phải đi cùng đoàn. Em đi vào Văn Miếu, cũng nghe giới thiệu. Rồi văn hóa Việt Nam em cũng thấy khác so với các nước khác. Ở gia đình, em cũng cố gắng nói tiếng Việt và học tiếng Việt ở trường Nguyễn Du”.

Với cô bé Mali Thamavông, bố mẹ cũng sinh ra ở Lào và cô là thế hệ thứ 3 sinh sống ở đây. Thế nhưng, so với các bạn, em hiểu và diễn đạt khá tốt. Em tâm sự, tiếng Việt là ngôn ngữ chính trong gia đình và nếp sinh hoạt cũng như gia đình Việt Nam: “ Em ra ngoài không nói tiếng Việt, không được học tiếng Việt mà chỉ nói ở nhà với bố mẹ. Ăn thì cũng ăn các món ăn Việt Nam như rau muống xào, rán trứng, làm phở…Em đi như thế này biết được nhiều nơi, quen được nhiều bạn. Em rất tự hào vì mình là người Việt”

Lần trở về này, cô bé Mali Thamavông  làm quen với nhiều bạn, được trau dồi thêm tiếng Việt và em mong muốn sẽ  kể lại về chuyến đi cho bạn bè ở nhà.

Trong đoàn thanh thiếu niên Lào dự trại hè, nhiều em vốn tiếng Việt rất kém và thường xuyên phải nhờ sự trợ giúp của các bạn. Nhưng các em vẫn muốn nói, vẫn cố gắng nói ngôn ngữ mẹ đẻ, vừa nói và vừa diễn tả bằng động tác. Hãy nghe đoạn băng giới thiệu về mình của cậu bé Anusa: Bố mẹ em sinh em ở Lào. Em học lớp 11. Bố mẹ cho em đi về Việt Nam. Gia đình em gìn giữ văn hóa như người Việt…

 Khát khao được trở về thăm quê hương, hiểu về đất nước mà các em gọi là đất mẹ là ước mong của những thanh thiếu niên kiều bào. Tôi nhớ, có lần, gặp Say Khăm, cô bé người gốc Nghệ An sinh ra và lớn lên ở Lào, em tâm sự, chúng em được trở về như thế này thật là điều may mắn nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước: “ Em rất vui vì được tham gia, hiểu về văn hóa lịch sử, được nói tiếng mẹ. Mong là có nhiều chương trình như thế này nữa. Những chương trình này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với người Việt kiều tại Lào”.

Lớp thanh niên người Việt tại Lào ngày nay, sống xa quê hương đã rất rất lâu, nhưng các em luôn mang trong tim hình ảnh quê hương Việt Nam: đó là tiếng nói, đó là văn hóa và cao hơn là niềm tự hào của người con đất Việt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu