Tuổi trẻ kiều bào về quê hương người anh hùng áo vải

Chia sẻ
Đoàn đại biểu kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2013 tiếp tục đến tỉnh Bình Định – quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung.

Đoàn đại biểu kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2013 tiếp tục đến tỉnh Bình Định – quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung.


Tiếp tục hành trình khám phá những địa danh mới với những hoạt động thú vị, bổ ích, sáng ngày 23/7, Đoàn đại biểu kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2013 đã đến tỉnh Bình Định – quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung.


Tại huyện Tây Sơn, Đoàn đã làm lễ dâng hương tại Đền thờ Tây Sơn, tưởng nhớ đến người anh hùng áo vải kiệt xuất của thời đại Tây Sơn và tham quan Bảo tàng Quang Trung. Tại đây các bạn đã được tìm hiểu thêm về thân thế sự nghiệp của vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn.


Tuổi trẻ kiều bào về quê hương người anh hùng áo vải  - ảnh 1
Dâng hương tại Đền Tây Sơn


Quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn được hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng là sự đóng góp công sức của đông đảo tầng lớp nhân dân với tấm lòng tôn kính, ngưỡng mộ một triều đại để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc.

Ngay từ buổi đầu xây dựng căn cứ, lực lượng nghĩa quân Tây Sơn đã phát huy tình đoàn kết gắn bó giữa các tộc người (người kinh, người Ê đê, Gia lai,...) đứng lên nổi dậy chống lại sự cai trị khắc nghiệt của chúa Nguyễn và thống nhất giang sơn về một mối. Những chiến công hiển hách và những chính sách đổi mới đất nước thời Tây Sơn gắn với tên tuổi của vua Quang Trung.

Tuổi trẻ kiều bào về quê hương người anh hùng áo vải  - ảnh 2
Các bạn trẻ kiều bào múc nước giếng thanh mát của gia đình
Tây Sơn tam kiệt rửa mặt


Bạn Phạm Thị Ngọc Trâm về từ Liên bang Nga, người rất chăm chú lắng nghe thuyết minh về thân thế, sự nghiệp của vua Quang Trung và Triều đại Tây Sơn, cho biết: “Đây là lần đầu tiên em đến mảnh đất Quy Nhơn, Bình Định. Buổi thăm quan hôm nay thật bổ ích, cung cấp thêm cho chúng em kiến thức lịch sử về phong trào Tây Sơn và nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định. Em cũng biết thêm về những chính sách đổi mới, canh tân đất nước của vua Quang Trung như coi trọng hiền tài, coi trọng sự phát triển của nông nghiệp và chính sách cởi mở trong việc tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển,.... Đây là những kiến thức bổ ích và rất cần thiết cho em vì em từng học ngành quan hệ quốc tế.

Võ thuật và trống trận Quang Trung là hai di sản phi vật thể lớn của Nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người có vai trò rất to lớn khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Binh Định. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương hình thức đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, còn truyền lại ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung.

Tuổi trẻ kiều bào về quê hương người anh hùng áo vải  - ảnh 3
Đoàn chụp ảnh kỷ niệm trước tượng đài vua Quang Trung tại Bảo Tàng


Sau khi thăm quan tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Quang Trung, các bạn trẻ đã được thưởng thức những tiết mục võ thuật độc đáo, thể hiện tinh thần thượng võ của vùng đất Bình Định.

Bạn Võ Đại Thành về từ Lào cho biết: Quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn thật rộng rãi, xứng đáng là di sản văn hóa của đất nước và là nơi giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ, nhất là đối với chúng em. Hôm nay, chúng em còn được tận mắt xem những màn biểu diễn võ thuật rất hay thể hiện tinh thần thượng võ của mảnh đất Bình Định. Và em rất ấn tượng về câu ca nói về đất và người nơi đây là “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định đánh roi đi quyền”.

Chiều cùng ngày, các bạn trẻ tham quan tìm hiểu về thành phố Quy Nhơn và tham gia những trò chơi tập thể tại khu vực khách sạn, khép lại một ngày hoạt động đầy thú vị.

Điểm dừng chân tiếp theo của Đoàn là thành phố mang tên Bác- thành phố Hồ Chí Minh.

Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nằm trên ngã ba của 2 hành lang Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19, là cửa ngõ ra phía Đông của Tây Nguyên, hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố cảng Quy Nhơn nằm cách thủ đô Hà Nội 1.065 km về phía bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 649 km về phía nam.

Bình Định là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chàm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đây cũng là nơi xuất phát phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ 18 với tên tuổi của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ; là quê hương của các danh nhân như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Đăng Lâm, Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ngô Mây, Tăng Bạt Hổ, Diệp Trường Phát, Quách Tấn... Bình Định còn nổi tiếng bởi truyền thống thượng võ và có nền văn hoá đa dạng phong phú với các loại hình nghệ thuật như bài chòi, hát bội, nhạc võ Tây Sơn, hò bá trạo của cư dân vùng biển... cùng với các lễ hội như: lễ hội Đống Đa, lễ hội cầu ngư, lễ hội của các dân tộc miền núi...

Bình Định là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ, Đào Tấn. Với sự giao lưu của nghệ thuật tuồng và võ Bình Định đã đưa tuồng Bình Định lên một tầm cao mới khác lạ hơn so với các đoàn tuồng của Huế hay Nguyễn Hữu Dỉnh của Quảng Nam. Tuồng còn gọi là "hát bội" hay hát bộ sở dĩ nó có tên gọi như thế là vì ngoài việc hát thì yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một vở tuồng hay và đặc sắc là hành động điệu bộ của các đào kép. Việc kết hợp võ thuật vào các màng nhào lộn, đánh trận ở mỗi đoàn có khác nhau tùy theo trình độ của đào kép.

Quy Nhơn là thành phố tỉnh lị tỉnh Bình Định và là một trong 8 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Là một thành phố ven biển miền Trung, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học kĩ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Trước khi thuộc về Việt Nam, Quy Nhơn là đất của người Chăm-pa. Các di tích của người Chăm vẫn còn ở thành phố biển trẻ trung này.

Ngày nay Quy Nhơn được công nhận là đô thị loại I, với ưu thế về vị trí địa lí, có cảng biển và cơ sở hạ tầng đô thị phát triển, Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong ba trung tâm thương mại và du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ (cùng với Đà Nẵng và Nha Trang). Quy Nhơn đang từng bước chỉnh trang đô thị, xây dựng và nâng cấp để trở thành một trong những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội và du lịch, là đô thị lớn nằm trong chuỗi đô thị của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung


Theo Dương Tiên/quehuongonline

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu