Truyền hồn dân tộc thông qua ngôn ngữ

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Mong nhiều học sinh gốc Việt đến lớp học chữ Việt để hiểu thêm về đất nước Việt Nam là tâm sự chung của nhiều giáo viên về tham dự lớp tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức.

(VOV5) - Mong nhiều học sinh gốc Việt đến lớp học chữ Việt để hiểu thêm về đất nước Việt Nam là tâm sự chung của nhiều giáo viên về tham dự lớp tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Truyền hồn dân tộc thông qua ngôn ngữ - ảnh 1
Các giáo viên tham dự lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài




Trung tâm giáo dục Thanh Thủy, thành phố Ostrava, Cộng hòa Séc bắt đầu giảng dạy tiếng Việt cho người gốc Việt và người bản địa được ba năm. Chương trình dạy cho các em có sử dụng sách Tiếng Việt Vui, là giáo trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Chị Nguyễn Thị Hường, giáo viên dạy tiếng Việt ở đây cho biết phải rất gia công trong việc dạy tiếng Việt cho các cháu: “Lúc đầu, chúng tôi dạy các cháu phát âm theo quyển sách Tiếng Việt Vui. Rồi chúng tôi đưa hình ảnh lên. Ví dụ học một chữ, học một câu, chúng tôi đưa hình ảnh phù hợp trên Internet xuống, in màu phát cho các em. Các em nhận biết hình ảnh đó rồi học viết. Viết được từ, nhớ được từ đấy là thành công”.

Mong muốn của cô giáo Hường là phụ huynh người Việt ở Cộng hòa Séc tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến việc học tiếng Việt của con em, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc giúp các em hướng về quê hương nhiều hơn. Trong tương lai không xa, các thế hệ thứ hai, thứ ba trên đất Séc sẽ là cầu nối đem văn hóa Việt hòa nhập trong nền văn hóa bản địa Séc.

Ông Lê Quốc Vi dạy tiếng Việt nhiều năm ở tỉnh Ubôn Rát-cha-tha-ni, Thái Lan cũng có quan điểm môi trường gia đình rất quan trọng để tập thói quen nói tiếng Việt cho thế hệ trẻ. “Chúng tôi có sáng kiến tập trung vào gia đình. Bố mẹ con em mình phải nói tiếng Việt với con. Khi con em bắt đầu nói được tiếng Việt, chúng tôi lại hướng dẫn, bày cho bố mẹ một số phương thức. Ví dụ trong một bữa cơm dạy cho các con những từ đơn giản trong gia đình đây là cái muỗng, cái thìa, đây là cơm. Đó là phương pháp chúng tôi đang thiết kế”- Ông Vi tâm sự.

Với ông Trần Duy Mão, kiều bào ở tỉnh Chăn-tha-bu-ri, để dạy được tiếng Việt cho người Việt ở Thái Lan, cách tốt nhất là phải biết song ngữ: cả tiếng Việt và tiếng Thái thì mới hiệu quả. Ông nêu ví dụ: “Với mỗi chữ cái tiếng Việt như c, b, n mình có thể ghép chữ ngoại quốc vào. Khi người ta đọc thông thạo rồi người ta sẽ nhớ. Khi mình giảng dạy một từ mình phải biết nghĩa của nó. Có những nghĩa không thể giải thích được thì dùng hình ảnh. Ví dụ hòn bi. Học viên không biết thì mình phải chỉ hòn bi cho người ta biết. Có những từ không thể dùng hình ảnh thể hiện được, ví dụ như từ tư tưởng. Khi ấy mình giải thích song ngữ, dùng tiếng Thái giải thích, người ta hiểu ngay đó là tư tưởng. Với cách dạy như thế, người ta hiểu, người ta thích học”.

Vượt ra ngoài 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, những người dạy ngôn ngữ chính là những người gián tiếp truyền đạt văn hóa của thứ tiếng đó cho người học. 23 năm gắn bó với công việc này, cô giáo Ngô Đình Uy đã chinh phục được bao nhiêu học viên muốn học tiếng Việt từ Bộ Ngoại giao Đài Loan (Trung Quốc) tới các doanh nhân Đài muốn sang Việt Nam đầu tư làm ăn… bằng phong thái nhẹ nhàng và sự say mê, cuốn hút. Cô bộc bạch khi mình truyền văn hóa của Việt Nam sang cho họ, không cứ là họ thấy thích, thấy hay mà chính bản thân mình cũng thấy mê luôn. Chẳng thế mà cứ khi nào về Việt Nam, cô Uy lại mày mò ra hiệu sách tìm những quyển sách hay về văn hóa, lịch sử Việt Nam để mang về bổ sung thêm vào các bài giảng của mình.

Năm 2009, cô Uy đã viết một cuốn sách dạy tiếng Việt với hai giọng phát âm giọng Bắc và giọng Nam để đáp ứng nhu cầu học của học viên. Sang Việt Nam dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức, cô Uy có dự định: “Lần này sang tập huấn, dù mới học được một số buổi thôi, nhưng tôi thấy rất bổ ích, thu hoạch được rất nhiều. Tôi cảm thấy rất thích thú. Sau này tôi tin chắc rằng sẽ giúp ích nhiều cho tôi khi về hưu có thêm tư liệu để mình  viết thêm sách dạy tiếng Việt cho người Hoa học”.

14 thầy giáo, cô giáo dạy tiếng Việt của nhiều nước có nhu cầu học tiếng Việt cao như Lào, Thái Lan, CHLB Đức, Séc, Pháp… hy vọng khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt trong một tháng tại Việt Nam sẽ mang đến cho các thầy cô nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ sư phạm tiếng Việt để truyền đạt hiệu quả cho thế hệ trẻ kiều bào. Bởi tiếng Việt có phát triển thì bản sắc văn hóa của dân tộc mới bám rễ sâu bền trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu