Tiếng Việt với Sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc Gia Kiev

Đỗ Thị Hoa Lý/CTV-Ucraina
Chia sẻ
(VOV5)- "Chỉ có thông qua con đường ngôn ngữ cụ thể là truyền bá ngôn ngữ thì mới đưa được thế giới đến gần chúng ta hơn và ngược lại."
(VOV5)- "Chỉ có thông qua con đường ngôn ngữ cụ thể là truyền bá ngôn ngữ thì mới đưa được thế giới đến gần chúng ta hơn và ngược lại."

Tiếng Việt với Sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc Gia Kiev - ảnh 1
Cô Hà Thị Vân Anh và các sinh viên năm thứ 2


Trung tâm Việt Nam học Kiev thuộc Đại học Tổng hợp mang tên Taras Shevchenko – Đại học Quốc gia Kiev – Ukraina được chính thức thành lập và đi vào hoạt động tháng 09 /2015.

Trung tâm Việt Nam học Kiev mở ra nhằm thu hút sự quan tâm trong việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ dành cho các học sinh tốt nghiệp phổ thông chuẩn bị nhập vào cơ sở giáo dục cao hơn và muốn tìm hiểu về ngôn ngữ phương Đông trong đó có Việt Nam.

Tiếng Việt với Sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc Gia Kiev - ảnh 2
Cô Hà Thị Vân Anh đang xem lại giáo án

Cô Hà Thị Vân Anh – người trực tiếp giảng dạy sinh viên tâm sự “Để hội nhập với thế giới thì việc quảng bá văn hóa hình ảnh bằng các phương tiện thông tin đại chúng để mang giá trị Việt ra khắp năm châu vẫn chưa đủ mà chúng ta cần phải đưa tiếng Việt ra khắp thế giới. Chỉ có thông qua con đường ngôn ngữ cụ thể là truyền bá ngôn ngữ thì mới đưa được thế giới đến gần chúng ta hơn và ngược lại. Để khắc phục những khó khăn trong giảng dạy tiếng Việt cho các em sinh viên nước ngoài cụ thể là sinh viên Ucraina thì trước tiên phải tìm những tài liệu, sách tham khảo tiếng Nga hoặc tiếng Ucraina dịch ra tiếng Việt để các em dễ hiểu. Bản thân tôi đã tự soạn những bài giảng theo chủ đề thông dụng trong cuộc sống hàng ngày để các em dễ tiếp thu và dễ thực hành. Tôi đang ấp ủ một nguyện vọng đó là tự biên soạn giáo trình cho phù hợp với tiếng mẹ đẻ của các em và viết sách về ngữ pháp tiếng Việt căn bản dành cho những người bắt đầu học tiếng Việt dựa trên những sách của các nhà Việt Nam học đã viết bằng những quy tắc sao cho dễ hiểu nhất.”

Cô Vân Anh cũng cho biết thêm: Hiện nay tổ bộ môn tiếng Việt gồm có 5 giáo viên – 2 giáo viên người Ucraina và 3 giáo viên Việt Nam. Tất cả đều là những giáo viên có trình độ, học vị và rất yêu nghề. Họ là những người tận tâm và luôn vun đắp cho tổ bộ môn tiếng Việt ngày một thêm vững mạnh. Đặc biệt là Victoria Musiychuk – tiến sĩ Việt Nam học, một cô giáo người Ucraina với nhiệt huyết mang tiếng Việt đến với người dân Ucraina. Có thể gọi cô Victoria là “người đi gieo mầm tiếng Việt” trên đất nước mình. Cô sẽ luôn đồng hành cùng với các giáo viên của tổ bộ môn tiếng Việt, làm cho tiếng Việt mãi mãi tỏa sáng ở phương trời Âu.

Tiếng Việt với Sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc Gia Kiev - ảnh 3
Góc Việt Nam trong phân viện Ngôn ngữ - Trung tâm Việt Nam học


Trong buổi dự giờ của các em sinh viên năm thứ Hai tôi đã được nghe các em sinh viên đọc các bài học thuộc lòng về các món ăn Việt Nam cũng như cách thức tiếp cận ẩm thực Việt Nam: “… Nếu chỉ có một ít tiền trong túi, bạn có thể chọn quán ăn bình dân, các quán ăn với giá tiền vừa phải… Nếu bạn muốn tổ chức một bữa tiệc sang trọng, bạn có thể đến nhà hàng hoặc khách sạn. Trên tầng thượng của nhiều khách sạn, bạn có thể vừa ăn uống vừa ngắm cảnh thành phố. Ở đâu bạn cũng sẽ được phục vụ chu đáo. Nhiều người nước ngoài rất thích Nem rán và Phở. Hai thứ này ngon, không đắt và khá phổ biến. Nếu bạn sống ở Hà Nội mà chưa ăn 2 thứ này, bạn hãy thử xem chắc chắn bạn sẽ thích ngay” và cô Vân Anh hướng dẫn các em bài học mới với cấu trúc thú vị “Không những… mà còn…”

Tiếng Việt với Sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc Gia Kiev - ảnh 4
Thẩy Vũ Tuấn Hoàng giảng dạy về văn học Việt Nam


Giờ học dưới sự hướng dẫn của thầy Vũ Tuấn Hoàng là những tìm hiểu thú vị Văn học Việt Nam thời Lý qua “Bản Tuyên ngôn đọc lập đầu tiên” của Dân tộc Việt Nam:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Tôi thật sự khâm phục các em sinh viên Ucraina khi các em học hỏi, nghiên cứu tiếng Việt. Buổi dự giờ là một khám phá mới mẻ, những ấn tượng sâu đậm về việc truyền bá ngôn ngữ và văn học Việt Nam đến với người nước ngoài…

Nhà văn – dịch giả– giảng viên Vũ Tuấn Hoàng mong mỏi “Thông qua việc giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam nhằm góp phần vào việc phát triển và củng cố mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ukraina. Với tư cách là một người viết, một người làm công việc dịch văn học, một giảng viên tôi có đưa ra hai mục tiêu: Thứ nhất là giới thiệu cho độc giả Việt Nam những sáng tác của Đại thi hào người Ukraina là Taras Shevchenko. Dự án thứ hai mà chúng tôi – các thầy cô giáo và sinh viên ấp ủ đó là: chuyển dịch một số truyện ngắn  xuất sắc của văn học Việt Nam sang tiếng Ukraina và tiếng Nga. Tôi nghĩ, đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài là một niềm mơ ước của rất nhiều nhà văn Việt Nam”.

Trong buổi Lễ tôn vinh cha đẻ của ngôn ngữ Ucraina – Đại thi hào, Nhà văn Taras Shevchenko nhân 202 năm ngày sinh của ông diễn ra tại Trường Đại học Tổng hợp vào ngày 10/3/2016 – Nhà văn Vũ Tuấn Hoàng đã vinh dự thay mặt các thầy cô giáo Việt Nam đọc bản tham luận dài 15’ nói về cuộc đời và sự nghiệp, những dự định chuyển ngữ các tác phẩm của Taras Shevchenko ra tiếng Việt và giới thiệu văn học Việt Nam trong Nhà trường cũng như bạn bè Quốc tế…

Tiếng Việt với Sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc Gia Kiev - ảnh 5
Tiến sĩ ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk


Trước đó tôi đã có dịp trò chuyện cùng Tiến sĩ Ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk  – người học cùng lúc hai trường đại học Tổng hợp Shevchenko Kiev và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với 7 năm học tập và nghiên cứu tại Việt Nam – Tiến sĩ Victoria Musiychuk là Nhà Việt Nam học hàng đầu của Ukraina. Với nụ cười dịu dàng, trò chuyện cởi mở, ở chị toát lên một vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ và nghị lực. Chị ấp ủ việc biên soạn Từ điển Ucraina -Việt; các giáo trình giảng dạy phù hợp với thực tế dạy và học. “Mong muốn các em sinh viên sẽ tiếp tục nối con đường mà tôi đang đi đó là học và dạy tiếng Việt để có những người kế tiếp, thay thế tôi trong tương lai. Và phát triển quan hệ Việt Nam – Ucraina lên tầm cao hơn. Mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyên gia về tiếng Việt, nhiều nhà Việt Nam học ở Ucraina và ở Việt Nam cũng có các chuyên gia, các nhà Ucraina học”.  Trung tâm Việt Nam học – Kiev – Ucraine đi vào hoạt động là một bước đột phá, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo hiệu quả.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu