Tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn gắn kết trẻ em kiều bào với quê hương

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Dạy con tiếng Việt không bao giờ là dễ dàng đối với những gia đình người Việt ở nước ngoài, đặc biệt với gia đình đa văn hóa như chị Phương Loan. 

Với những gia đình gốc Việt sinh sống ở nước ngoài thì việc dạy tiếng Việt và giúp con hiểu biết về văn hóa, truyền thống phong tục, lịch sử Việt Nam luôn là mối quan tâm lớn. Bởi ai cũng tin rằng, tiếng Việt chính là sợi dây kết nối và gắn kết một cách tốt nhất những người con xa xứ với quê hương, với với văn hóa nguồn cội. Với chị Trần Nguyễn Phương Loan (Christine Tran) định cư ở Malaysia- quốc gia đa sắc màu về văn hóa và ngôn ngữ thì việc dạy con tiếng Việt đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, kiên trì và quyết tâm.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Với cô bé Celine Kong 12 tuổi đang sinh sống cùng bố mẹ và ông bà ở thủ đô Kuala lumpur, Malaysia, mùa hè năm 2022 vô cùng đặc biệt. Khác với mọi năm, trở về Sài Gòn thăm quê ngoại, Celine vinh dự được tham gia Trại hè Việt Nam cùng với hơn 100 bạn trẻ kiều bào từ khắp nơi trên thế giới. Celine Kong chia sẻ bằng khả năng tiếng Việt khá ngọng nghịu nhưng rất dễ thương của mình: “Vừa rồi, con rất vui được tham gia Trại hè Việt Nam do Ủy ban NVNONN tổ chức. Con quen được nhiều bạn lắm từ nhiều nước. Ai cũng tốt và hòa đồng với con. Đặc biệt con được các cô chú trong Ban tổ chức chăm lo rất tốt. Kỷ niệm con thích nhất là được bắt cá và đua thuyền cùng các bạn. Bọn con giờ thân nhau và liên lạc với nhau hàng ngày”
Tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn gắn kết trẻ em kiều bào với quê hương - ảnh 1Bé Celine Kong 12 tuổi

Được tham gia trại hè Việt Nam luôn là niềm tự hào và là cơ hội quý giá cho mỗi bạn trẻ kiều bào như Celine Kong. Trong hành trình hơn 15 ngày, các bạn được trải nghiệm hòa mình vào phong phú các hoạt động văn hóa ở vùng miền khác nhau, được giao lưu- kết bạn và khám phá nhiều điều mới mẻ về đất nước Việt Nam: “Sau chuyến đi, con đã biết nhiều hơn về lịch sử Việt Nam, các món ăn ngon của miền Tây, miền Trung nữa. Con biết về cách làm kẹo dừa Bến Tre, về cách may áo dài truyền thống Việt Nam.Con mong muốn năm sau lại được tham gia trại hè, để được đi thăm thêm nhiều các tỉnh thành nữa ở quê mẹ Việt nam và có nhiều thời gian hơn để giao lưu văn hóa với các bạn. Con thích về Việt Nam lắm, để chơi với dì Hai, và thưởng thức ăn các ăn đường phố. Mỗi lần mẹ về Việt Nam công tác, con đều xin theo mẹ” . 

Tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn gắn kết trẻ em kiều bào với quê hương - ảnh 2Celine Kong và mẹ Phương Loan

Từ trại hè trở về, cô bé Celine Kong tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Việt. Nếu như trước đây, khi về Việt Nam đi đâu luôn phải có mẹ đi kèm thì nay bé thoải mái một mình đi chơi, líu lo kể những trải nghiệm của mình. Nhìn con những lúc như thế, vợ chồng chị Phương Loan cảm thấy thật sự ấm áp:  “Tôi vui lắm vì khóa trại hè vừa rồi, con gái lần đầu tiên được tham gia, Bé vui lắm. Về líu lo kể với mẹ về những kỷ niệm tuyệt vời. Bé nói thích được về Việt Nam nhiều hơn nữa. Qua khóa trại hè, thật sự bổ ích với những bạn trẻ kiều bào như bé Celine nhà tôi đặc biệt giúp nâng cao khả năng tiếng Việt và là trải nghiệm thực tế tìm hiểu khám phá về bản sắc văn hóa ở mỗi vùng miền Việt Nam. Tôi để ý là bé thoải mái hơn trong nói tiếng Việt và sau này hi vọng bé có thể về Việt Nam mà không cần mẹ đi kèm”

Thực tế, dù có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng với mỗi người Việt xa xứ dù ít dù nhiều luôn cố gắng sử dụng và duy trì tiếng Việt một cách thông minh, sáng tạo nhằm gắn liền tình cảm của mình với quê hương, đất nước. Chị Phương Loan chia sẻ, dạy con tiếng Việt trong gia đình đa văn hóa có bố người Hoa, mẹ người Việt và sinh sống ở quốc gia Hồi giáo có sắc màu ngôn ngữ đa dạng như Malaixia, đòi hỏi rất nhiều cố gắng và sự nhẫn nại. Chị Loan cho rằng, khó khăn thì có muôn vàn nên các mẹ Việt luôn nhắc nhớ mình phải cố gắng trước khi con không thể và không muốn nói tiếng Việt. Dù con có thể nói trơn tru hay ngọng líu ngọng lô thì thứ ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn luôn là âm điệu tuyệt vời nhất đối với mỗi bậc cha mẹ Việt khi sống xa quê hương. Những lúc nhớ Sài Gòn, chị thèm được nghe ai đó trò chuyện tiếng Việt vô cùng.

Tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn gắn kết trẻ em kiều bào với quê hương - ảnh 3Nhận bằng khen trong đợt tham gia Trại hè Việt Nam 2022
Tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn gắn kết trẻ em kiều bào với quê hương - ảnh 4Kỷ niệm Trại hè Việt Nam 2022

Vì thế mà mỗi khi nghe con hát, nói tiếng Việt, chị Loan thấy thật sự hạnh phúc: “Việc con tôi nói tiếng Việt với tôi hàng ngày cũng giúp tôi vơi phần nào nỗi nhớ nhà, tôi có thể tâm sự, trò chuyện với con bằng tiếng Việt, con gái vẫn thường xuyên gọi điện về nói chuyện với các dì và các anh em họ bằng tiếng Việt, giúp tình cảm gia đình tôi với gia đình lớn ở Việt Nam càng thêm khăng khít, gắn bó”.

Tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn gắn kết trẻ em kiều bào với quê hương - ảnh 5Kỷ niệm Trại hè Việt Nam 2022. Ảnh nhân vật cung cấp

Gia đình chị Phương Loan chuyên làm dịch vụ du lịch và có homestay cho thuê nên bé Celine Kong thường xuyên được giao lưu với các cô chú bác, các bạn người Việt du lịch sang Malaysia. May mắn được tham gia lớp đào tạo tiếng Việt do Bộ ngoại giao tổ chức cũng giúp chị Loan thêm những kỹ năng, công cụ dạy con tiếng Việt tôt hơn. Ngoài ra, gia đình chị còn tạo điều kiện tối đa để bé Celine Kong được tham gia các hoạt động trong cộng đồng người Việt tại Malaisia do sứ quán tổ chức hàng năm như Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh Việt Nam, Tết Thiếu nhi...

Tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn gắn kết trẻ em kiều bào với quê hương - ảnh 6Trải nghiệm làm bánh tại trại hè

Ở đây, bé có cơ cơ hội trò chuyện, vui chơi, thưởng thức ẩm thực Việt Nam và kết bạn mới. “Bé rất thích các món ăn Việt Nam như phở, cơm tấm, chả giò... Hàng tuần tôi luôn thay phiên đưa một hoặc hai ngày món Việt vào các bữa ăn gia đình, bé cũng rất hào hứng phụ mẹ chuẩn bị các bữa ăn, khi làm chả giò bé luôn là người tiên phong phụ mẹ cuốn rất đẹp...Thỉnh thoảng lại hỏi tôi khi nào thì con được đi Việt Nam, con nhớ má Hai và các anh quá...Mong sao tôi được đưa con về Việt Nam nhiều hơn, cho con tìm hiểu văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam một cách trọn vẹn nhất, đó chắc cũng là món quà vô giá duy nhất mà tôi mang đến được cho con".

Dạy con tiếng Việt không bao giờ là dễ dàng đối với những gia đình người Việt ở nước ngoài, đặc biệt với gia đình đa văn hóa như chị Phương Loan. Nhưng không gì là không thể, điều quan trọng là việc xác định tâm thế phải duy trì tiếng Việt cho thế hệ đi sau. Theo chị Phương Loan, để dạy con hiệu quả thì cần phải đồng hành cùng các con, tạo môi trường giao tiếp thoải mái, tự nhiên để con cảm thấy vừa học như được chơi với tiếng Việt… để từ đó giúp các em thêm hiểu và yêu quý quê hương Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu