Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc là thể hiện tình yêu với quê hương. Đặc biệt, ngôn ngữ Việt ở nước sở tại khi được duy trì sẽ góp phần gắn kết cộng đồng người Việt nói chung và các thành viên trong mỗi gia đình nói riêng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chị Nguyễn Thị Bích Yến, lấy chồng người Áo và con của chị cũng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Vì thế, trong gia đình chị, tiếng Việt rất ít được sử dụng. Cố gắng dạy con tiếng Việt khi còn nhỏ, lớn lên nói chuyện với con bằng tiếng Việt bất kỳ lúc nào cũng như nấu các món ăn Việt là điều chị Yến tâm niệm phải luôn luôn thực hiện. Nhiều năm sống xa quê, nhưng mỗi khi trở về Việt Nam, tình cảm trong chị luôn đong đầy. Chị Yến tâm sự:Trong gia đình, tôi là dân tộc thiểu số nên việc duy trì tiếng Việt rất khó, nhưng tôi đang cố gắng giữ nó. Tiếng Việt tôi đang dạy cho con tôi. Nhưng tôi nói con tôi hiểu hơn là nói lại. Một sự xúc động tột cùng. Cứ mỗi khi bước xuống sân bay về Hà Nội tôi cảm thấy được về nhà.
Thường xuyên trở về Việt Nam và cho con em mình về thăm quê hàng năm, những người con Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới đã lựa chọn cách thức này để gắn kết tình cảm với quê hương, để con em mình hiểu về quê cha đất tổ, hiểu được những giá trị văn hóa dân tộc và ngôn ngữ. Chính vì thế, cho dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, khá nhiều bạn trẻ người Việt vẫn mong muốn tìm hiểu về phong tục tập quán của quê hương, được nói tiếng Việt và giao tiếp với họ hàng, người thân bằng tiếng Việt. Nhiều bạn còn học tiếng Việt qua những dòng thư viết cho ông bà. Những đứa con của chị Lê Túy Phượng, việt kiều tại Mỹ là như vậy. Không những thạo tiếng Việt, các em còn mong muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam như chị Phượng chia sẻ: Tôi toàn nấu thức ăn Việt Nam, mấy mươi năm nấu món Việt Nam không ăn đồ ăn Mỹ đâu. Hai đứa con tôi biết nói tiếng Việt. Còn nhỏ gửi vào trường học tiếng Việt. Về nhà thì nói tiếng Việt với bố mẹ. Phải giữ như vậy chứ không nó quên mất.
Các cô giáo người Việt ở nước ngoài tham gia tập huấn dạy tiếng Việt. (Nguồn: quehuongonline) |
Không đâu bằng quê hương là tình cảm của rất nhiều người con đang sống xa quê, hàng ngày mong ngóng tin tức từ quê nhà và luôn ý thức việc gìn giữ tiếng nói. Cho dù không ít ông bố, bà mẹ bận rộn cuộc sống mà không có thời gian dạy và cho con em mình học tiếng Việt, nhưng tiếng Việt vẫn được duy trì và ngày càng được phát triển ở nước ngoài. Đặc biệt, những thầy giáo, cô giáo dạy tiếng Việt ở nước ngoài là những sứ giả, những người bắc nhịp cầu cho văn hóa Việt Nam luôn tồn tại ở nước ngoài cũng như được quảng bá cho bạn bè quốc tế. Giá trị của ngôn ngữ đã được các thầy, các cô hiểu và trân trọng, đồng thời ý thức được việc phải truyền cho con em mình, cho thế hệ thứ hai thứ ba. Chị Trần Ngọc Thụy, dạy tiếng Việt ở Đài Loan( Trung Quốc) cho rằng: Cần phải giúp cho trẻ hiểu được văn hóa và ngôn ngữ. Để hiểu được văn hóa thì trước hết phải hiểu được ngôn ngữ, biết tiếng Việt. Biết tiếng Việt thì mới chủ động đi tìm thông tin dữ liệu văn hóa trên báo, trên truyền hình video…Vì thế mới trau dồi và hiểu biết tiếng Việt. Về Việt Nam nhiều hơn thì chúng ta cảm thấy yêu thích.
Đi đâu cũng nhớ về cội nguồn, nhớ về tiếng nói dân tộc. Đó là tình cảm và suy nghĩ chung của những người con ở khắp nơi khi trở về quê hương. Giá trị của tiếng Việt trong văn hóa Việt Nam vì thế càng cần lưu giữ, đúng như suy nghĩ của thầy giáo Nguyễn Thiện Nam, chuyên gia giảng dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài : Cần khám phá và hiểu được văn hóa Việt và tiếng Việt, với tư cách là một ngoại ngữ và với tư cách là giáo viên dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài và cho những người chưa biết tiếng Việt. Tiếng Việt cũng có những lý do của nó để chúng ta tìm hiểu, khám phá, gìn giữ và lan truyền cho các thế sau này.
Để khám phá được những nét đẹp trong ngôn ngữ dân tộc là cả một hành trình dài của những người con đất Việt luôn nỗ lực hướng tới. Bởi ngôn ngữ là cầu nối gắn kết họ ở phương xa. Nhìn thấy một người Việt, nghe một câu tiếng Việt ở nước ngoài đối với mỗi người Việt Nam sống xa Tổ quốc đã lâu thật quý giá bởi đó chính là hình ảnh quê hương mà họ luôn mang trong lòng.