Bẫy chông tại địa đạo Củ Chi - nơi các thanh niên kiều bào vô cùng ấn tượng |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hành trình 14 ngày của thanh niên kiều bào đã kết thúc với những giọt nước mắt tiếc nuối, những cái ôm và bắt tay thật chặt hẹn ngày gặp lại nhau. Các em đến từ 25 quốc gia trên thế giới, nhưng tất cả đều chung một dòng máu Việt chảy trong huyết quản, chung một ngôn ngữ Việt. Đến trại hè là nơi các em có thể tìm thấy những người bạn gốc Việt đồng trang lứa, cùng nhau chia sẻ cuộc sống sinh hoạt ở nước bạn và cùng nói ngôn ngữ mẹ đẻ tiếng Việt.
Em Phạm Hải Tâm đến từ nước Ukraina chia sẻ: “Em thích nhất các bạn ở đây đến từ 25 nước khác nhau, mình có thể học tập được những điều hay, mỗi người trải qua cuộc sống khác với mình. Những người giả sử lớn lên ở Đức, Ba Lan, Ukraina, Ai Cập hoàn toàn khác với những gì mình tưởng tượng. Việt Nam mình không thế so sánh được những cái đó nên việc trao đổi với các bạn ở đây em học tập được rất nhiều”.
Thanh niên kiều bào tại chùa Vĩnh Tràng |
14 ngày xuôi về miền đất phương Nam còn là cơ hội để các em tìm hiểu về những trang sử hào hùng của dân tộc. Các em vô cùng hào hứng khi được khám phá lần lượt các địa danh lịch sử tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… Trong số đó, vùng đất thép Củ Chi cách thành phố Hồ Chí Minh về phía tây – bắc 70 km có lẽ là điểm đến ấn tượng nhất trong lòng mỗi thanh niên kiều bào. Các em được tận mắt chứng kiến và khám phá hệ thống phòng thủ trong lòng đất với tổng chiều dài hơn 200 km.
Những bệnh xá, phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc... ngầm sâu dưới lòng đất tạo khiến các đại biểu trại hè đến từ 25 quốc gia vô cùng thán phục. Trần Nữ Duyên Hồng, đến từ Belarus bộc bạch: “Em cảm thấy rất khâm phục sự thông minh khéo léo của người dân Việt Nam ngày xưa. Họ thực sự rất thông minh khi đã sang tạo ra loại hầm như thế. Sau chuyến đi lần này em càng hiểu thêm được sự thông minh, lòng yêu nước và ý chí kiên cường chiến đấu của các anh chiến sĩ ngày xưa. Không chỉ là chiến sĩ họ còn giống như những nhà kiến trúc sư. Ngày xưa bạn bè em hỏi vì sao Việt Nam thắng nước Mỹ, giờ em đã hiểu vì sao.”
Đi thuyền trên sông tham quan chợ nổi Cái Bè tại Tiền Giang |
Còn tại miền Tây Nam Bộ, các em lại có dịp khám phá những nét văn hóa đặc sắc như những miệt vườn trái cây mùa nào thức nấy thơm ngọt tại Cái Bè, Tiền Giang; rừng quốc gia Tràm Chim tại Tam Nông, Đồng Tháp, chợ nổi Cái Răng trên sông vô cùng sầm uất tại Cần Thơ.
Em Nguyễn Thanh Hải, một thanh niên kiều bào đến từ nước Bulgari bày tỏ: "Em cũng rất thích vì mọi người cố gắng tổ chức các hoạt động, đến những nơi có ý nghĩa, em cũng thích tìm hiểu khác biệt văn hóa giữa các vùng miền cho nên những điều này rất thú vị với em. Hoạt dộng thuyền và đi chợ nổi như thế này em rất thích bởi cái này ngoài Bắc không có".
Thanh niên kiều bào vô cùng hào hứng với các hoạt động giao lưu và từ thiện |
Điểm mới thú vị trong trại hè năm nay là hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ với thanh niên, sinh viên và hoạt động từ thiện tại Đồng Tháp và Cà Mau. Đặc biệt, các bạn trẻ có buổi giao lưu với John Hùng Trần - người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với hành trình đi bộ xuyên đất nước và là tác giả cuốn sách “John đi tìm Hùng”.
Ông Đinh Văn Đông, Chánh văn phòng Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đồng thời là trưởng ban tổ chức trại hè Việt Nam chia sẻ: “Thông qua buổi giao lưu như thế này, các trại sinh sẽ lĩnh hội được kinh nghiệm sống và lập nghiệp tại Việt Nam. Các em biết được tấm gương về sự trở về. Sự trở về của những người con mang dòng máu Việt, trở về với Tổ quốc, sự trở về rất có ý nghĩa và rất có ích. Qua các hoạt động này chúng ta hy vọng sẽ giáo dục tình cảm hướng về Tổ quốc. các em sẽ mong muốn trở về Việt Nam để mang sức lực nhỏ bé của mình của tuổi trẻ, thanh xuân để xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam”
Các em chụp ảnh và giao lưu với Việt kiều John Hùng Trần |
Trại hè Việt Nam 2017 khép lại, nhưng dấu ấn về chuyến hành trình đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ có lẽ sẽ không phai mờ trong lòng các bạn trẻ kiều bào. Với những tình cảm gắn bó với Việt Nam trong chuyến hành trình vừa quá, nay mai khi các thanh niên kiều bào trở về đất nước nơi mình sinh sống, có thể có niềm tin chắc chắn rằng các em sẽ vẫn luôn yêu, nhớ và mong muốn đóng góp sức vóc mình cho mảnh đất quê hương.