Tết Nguyên Đán với cộng đồng người Việt tại Ba Lan

Chia sẻ
(VOV5)- Dù sống trên đất nước Ba Lan xa xôi, nhưng bằng nhiều hình thức đón Tết cổ truyền của dân tộc và cùng nhau hướng về quê hương với những tình cảm chân thành, mà chúng tôi vẫn luôn thấy lòng mình ấm áp và thấy quê hương Việt Nam rất gần, thật gần trong những thời khắc thiêng liêng này.
(VOV5)- Dù sống trên đất nước Ba Lan xa xôi, nhưng bằng nhiều hình thức đón Tết cổ truyền của dân tộc và cùng nhau hướng về quê hương với những tình cảm chân thành, mà chúng tôi vẫn luôn thấy lòng mình ấm áp và thấy quê hương Việt Nam rất gần, thật gần trong những thời khắc thiêng liêng này.

Cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan có khoảng 25 đến 30 ngàn người, chủ yếu sống tập trung ở thủ đô Vácsava. Mặc dù trong cộng đồng có nhiều tổ chức như Hội người Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội doanh nghiệp, Hội người cao tuổi, Hội những người yêu kính đạo Phật, các hội đồng hương... và mỗi hội đều có những hoạt động với sắc thái riêng của mình, nhưng trong những ngày lễ lớn của dân tộc thì cả cộng đồng cùng chung tay tổ chức.

Tết Nguyên Đán với cộng đồng người Việt tại Ba Lan - ảnh 1

Biểu diễn văn nghệ mừng Xuân tại Ba Lan 

Trong nhiều năm qua, cùng với lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên Đán đã được tổ chức rất thành công vì mọi người đều hiểu đó là cách để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, đồng thời giáo dục những nét đẹp văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ để cùng hướng tình cảm của mình về với quê hương. Tết ta vào đúng giữa mùa Đông Châu Âu nên rất lạnh, tuyết rơi trắng xóa, bầu trời chỉ một mầu xám xịt làm cho những người con xa xứ lại càng nhớ quê nhà.

Từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ XX, cơ chế chính trị cũng như kinh tế của các nước Đông Âu có biến động lớn. Người Việt đến đây sinh sống, làm ăn dần đông lên nên đã hình thành một cộng đồng người Việt, mọi sinh hoạt và làm ăn cũng thay đổi theo. Nhiều người đã nhập hàng từ Việt Nam sang, trong đó có các loại thực phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày cũng như trong dịp Tết. Vào dịp này, các cửa hàng của người Việt thật là nhộn nhịp, có đủ các mặt hàng để phục vụ bà con từ bánh chưng, giò chả đến tương cà, măng miến... Ở trong nước có gì thì ở đây có cái đó.

Người Việt chúng ta dù có đi bốn phương trời vẫn không quên nguồn cội, nhất là thờ cúng tổ tiên, tiễn năm cũ, đón năm mới. Ngày 23 Tết, nhiều gia đình cũng tiễn Táo quân lên trời, trang trí nhà cửa đón Tết. Có một số người đi chặt cành mai, hoặc táo đem về ngâm vào nước nóng khoảng mươi ngày để đến Tết nở hoa thay cho cành đào. Một số người thì mua cành đào giả. Nhà nào cũng có mâm ngũ quả. Có gia đình thì theo phong tục Miền Nam nên mâm ngũ quả với đu đủ, dưa, xoài..., còn đa phần theo phong tục Miền Bắc với mâm ngũ quả là chuối, bưởi, cam quít, táo... Có những gia đình rủ nhau cùng gói bánh chưng...

Cộng đồng năm nào cũng tổ chức Tết cho bà con, có khoảng vài trăm người tham dự với các món ăn truyền thống và chương trình văn nghệ do các nghệ sĩ của cộng đồng biểu diễn, có Đại sứ thay mặt cơ quan đại diện chúc Tết bà con, có quà tặng một số vị cao tuổi, lì xì cho các cháu... Buổi gặp gỡ này thường được tổ chức vào tối ngày 29 Tết, để ngày 30, mọi người cúng tất niên tại gia.

Lễ đón Tết Quí Tỵ 2013 được cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức vào tối 29 Tết tại nhà hàng Vân Bình trên phố Grojeska 80/102 Vácsava. Đại sứ Nguyễn Hoằng và phu nhân cùng một số cán bộ Đại sứ quán, đại diện các tổ chức của cộng đồng và đông đảo bà con đã tới dự. Hội trường được trang trí trang trọng, có cành đào mang từ Việt Nam sang, có mâm ngũ quả cùng bát hương. Sau lời tuyên bố khai mạc, Ban Tổ chức mời Đại sứ cùng các nhà sư trụ trì chùa Nhân Hòa và Thiên Phúc, các vị lãnh đạo chủ chốt của một số tổ chức chính lên thắp hương cầu cho năm mới thật nhiều may mắn, cộng đồng làm ăn phát đạt. Đại sứ thay mặt Nhà nước chúc Tết bà con, đại diện cộng đồng tóm tắt ngắn gọn một số thành tích và các hoạt động trong cộng đồng năm qua và gửi những lời chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người.

Sau đó là đến phần ẩm thực, có mâm cỗ chay dành cho các nhà sư cũng như một số người có nhu cầu ăn chay, còn lại các món ăn đúng như cỗ cổ truyền của Việt Nam: bánh chưng, giò, chả, canh măng, nem, thịt gà, bóng xào thập cẩm... Mọi người cùng thưởng thức những hương vị truyền thống của ngày Tết cổ truyền dân tộc và cùng nhớ về quê hương với những tình cảm sâu đậm. Tiếp đến là chương trình văn nghệ rất rôm rả: có một ban nhạc gồm trống, guitar, đàn bầu... Những làn điệu dân ca mượt mà, những lời ca quan họ da diết, những lời ngâm thơ sâu lắng... đã gợi lại trong sâu thẳm trái tim chúng tôi, những người con xa xứ về hình ảnh mùa Xuân tươi đẹp trên quê hương, về một quê hương Việt Nam thanh bình, giàu văn hóa... Và chúng tôi hiểu rằng sẽ phải luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó.

Lễ đón Tết Giáp Ngọ 2014 này, chúng tôi dự kiến sẽ ở hội trường rộng hơn, không gian rộng hơn để có đông bà con tới dự hơn. Chúng tôi sẽ tổ chức vào tối Chủ nhật 26 Tết với các chương trình phong phú, đặc sắc trong bầu không khí ấm cúng, thân tình để bà con thấy ấm lòng, gần gũi nhau hơn, để vơi đi nỗi nhớ nhà và cùng nhau vui trong niềm vui đón Xuân mới của dân tộc.

Tết Nguyên Đán với cộng đồng người Việt tại Ba Lan - ảnh 2

Người Việt tại Ba Lan lễ chùa Nhân Hòa đầu năm 

Ở Ba Lan, cộng đồng người Việt cũng luôn mong muốn khi Tết đến, Xuân về được đi lễ chùa để cầu mong sự bình an, sức khỏe và may mắn... Chùa Nhân Hòa được cả cộng đồng chung tay xây dựng, được sự đóng góp của đông đảo bà con người Việt ở Ba Lan, một số nước xung quanh và cả một số doanh nhân trong nước, trong đó có Vietinbank. Có thượng tọa Thích Trí Chơn (hiện trụ trì Tu viện Khánh An, quận 12 TPHCM) làm cố vấn về tâm linh cho cộng đồng, thầy đã đóng góp rất nhiều trong quá trình xây chùa. Ngày 27/12/2013, nhân dịp năm mới 2014, thầy đã sang gặp gỡ, chúc Tết, lì xì cho bà con. Năm mới này, chùa Nhân Hòa cũng sẽ tổ chức đón mừng năm mới với nhiều chương trình như có khóa lễ cầu an, giao lưu chúc Tết, vui văn nghệ, đốt lửa trại, bắn pháo hoa, liên hoan ẩm thực chay...

Những ngôi chùa Việt Nam luôn là điểm thu hút được nhiều bà con trong dịp Tết. Đêm 30 Tết, sau khi cúng Tất Niên, nhiều người đến chùa dâng hương, tụng kinh, niệm Phật... Nhiều gia đình với 2, 3 thế hệ cùng nhau đến chùa. Và trong khung cảnh ấy, bà con lại được gặp gỡ nhau, nói những lời chúc mừng năm mới cùng những câu chuyện về quê nhà bên mâm cơm chay nhà chùa. Qua những hoạt động ý nghĩa này, các thế hệ trẻ người Việt hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của ông cha, dân tộc để tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Nhiều năm nay, vào dịp đầu năm mới, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan kết hợp với Trường tiếng Việt Lạc Long Quân trực thuộc Trung tâm Văn hóa Văn Lang tổ chức đón Tết cho các cháu thanh thiếu niên. Buổi lễ với nhiều chương trình như múa lân rộn ràng với những thế võ dân tộc mạnh mẽ, các tiết mục văn nghệ của thiếu nhi Việt Nam và thiếu nhi Ba Lan, cả những trò chơi dân gian Việt Nam và trò chơi Ba Lan... Trong buổi lễ, theo truyền thống dân tộc nhân ngày Tết nguyên đán, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan đã phát quà nhân năm mới cho các cháu.

Tết Nguyên Đán với cộng đồng người Việt tại Ba Lan - ảnh 3

Gặp mặt đầu Xuân 

Từ khi có VTV4, người Việt xa xứ chúng tôi khi ăn món ăn Việt Nam, xem chương trình tivi Việt Nam đã cảm thấy khoảng cách với quê nhà như gần lại, thậm chí có lúc tưởng như mình đang sống giữa quê hương vậy. Hòa chung cùng không khí đồng bào trong nước đón năm mới, qua màn hình tivi, chúng tôi vẫn luôn chăm chú lắng nghe Chủ tịch nước chúc Tết, thưởng thức các màn bắn pháo hoa muôn màu đêm Giao thừa và xem cầu truyền hình trực tiếp với các hoạt động đón Giao thừa trên khắp mọi miền Việt Nam.

Dù sống trên đất nước Ba Lan xa xôi, nhưng bằng nhiều hình thức đón Tết cổ truyền của dân tộc và cùng nhau hướng về quê hương với những tình cảm chân thành, mà chúng tôi vẫn luôn thấy lòng mình ấm áp và thấy quê hương Việt Nam rất gần, thật gần trong những thời khắc thiêng liêng này./.

Nguyễn Thị Ngọc Thạch-Chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại Ba Lan (Theo quehuongonline.vn)

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu